Giữa không khí mùa thu Hà Nội kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô, chúng tôi bồi hồi nhớ về người nghệ sĩ đa tài Văn Cao với sự nghiệp sáng tác thành công hòa quyện thơ, nhạc, họa. Đặc biệt về âm nhạc ông đạt nhiều thành tựu lớn, bên cạnh “Tiến quân ca” - Quốc ca của nước ta, ông còn có tráng khúc “Tiến về Hà Nội” mang tính dự báo đáng ngạc nhiên…
Nhạc sĩ, họa sĩ, nhà thơ Văn Cao (1923-1995).
Quê ở Nam Định, nhưng nghệ sĩ kỳ tài Văn Cao sinh ngày 15-11-1923 ở Hải Phòng và phần lớn cuộc đời sống ở Hà Nội cho đến khi từ giã cõi trần ngày 10-7-1995. Nhà lý luận phê bình Nguyễn Đăng Điệp, nguyên Viện trưởng Viện Văn học nhìn nhận: “Di sản thơ Văn Cao tuy không đồ sộ nhưng giàu tính cách tân và thấm đầy nhân bản. Đưa thơ đi về phía suy tư và triết luận, Văn Cao đã góp phần mở ra một khuynh hướng nghệ thuật đáng chú ý. Với ông, sức mạnh cốt tủy của thơ là tư tưởng và chiều sâu của cái nhìn. Kết hợp một cách khéo léo thơ - nhạc - họa, bằng bản lĩnh nghệ thuật cao cường, Văn Cao đã đem đến cho thơ Việt một tiếng nói độc đáo, trình hiện những khám phá sâu sắc của ông về thực tại. Thơ Văn Cao là cả một thế giới mở. Mở vì tính dự báo sâu xa. Mở để mời gọi người đọc chia sẻ và kích hoạt ở họ những suy tưởng về các giá trị tinh thần trong những cơn trở mình của lịch sử”.
Giống như thơ, Văn Cao vẽ chỉ gần hai mươi bức tranh sơn dầu và hơn hai mươi tranh chân dung. Theo con trai ông là hoạ sĩ Nghiêm Thành, ông thiên về đề tài người dân tộc thiểu số, cùng với con vật gắn liền đời sống vùng cao là ngựa… Ông cũng vẽ thiết kế nhiều bìa sách và minh họa báo chí. Dù là tranh sơn dầu, chân dung hay bìa sách thì hội họa của Văn Cao đều giàu chất thơ nhạc. Theo đánh giá của các họa sĩ - nhà phê bình mỹ thuật nổi tiếng như Tạ Tỵ và Thái Bá Vân thì: “Văn Cao có rất nhiều họa phẩm giá trị, có giá trị nghệ thuật độc đáo”, “vào những năm 60 (thế kỷ XX) Văn Cao đã mở ra hướng thẩm mỹ mới cho minh họa và đồ họa…”.
Trong khi đó, nhà phê bình âm nhạc Nguyễn Thị Minh Châu thì cho rằng nghệ sĩ tiền bối Văn Cao có biệt tài sáng tạo mang tính “liên minh”: nhạc đầy chất thơ, thơ giàu tính nhạc và cả hai đều có tư duy hội họa. Và nhờ trực giác nhạy bén, nhiều lần ông không chỉ dự báo được các sự kiện lịch sử mà còn miêu tả tài tình cảnh tượng tương lai bằng âm nhạc. Chẳng hạn, cho đến Cách mạng tháng Tám thì quyết định chọn Quốc kỳ mới được thông qua, nhưng cờ đỏ sao vàng đã phấp phới bay trong “Tiến quân ca” của cố nhạc sĩ Văn Cao từ năm 1944. Ngoài ra, từ giữa những năm 1940, ông cũng đã bắt đầu viết về các lực lượng vũ trang nhân dân còn rất non trẻ. Đó là lực lượng du kích với bài “Bắc Sơn”, bộ binh với “Chiến sĩ Việt Nam”, pháo binh với trường ca “Sông Lô”. Đặc biệt, nhạc sĩ Văn Cao còn sáng tác các hành khúc “Không quân Việt Nam”, “Bài ca chiến sĩ hải quân” từ năm 1945, trong khi hai binh chủng này đến năm 1955 mới được thành lập.
Nhạc sĩ Văn Cao sáng tác tráng khúc “Tiến về Hà Nội” mà hàng năm cứ vào dịp kỷ niệm Ngày Giải phóng Thủ đô thì âm vang hào hùng:
“Trùng trùng quân đi như sóng
Lớp lớp đoàn quân tiến về
Chúng ta đi nghe vui lúc quân thù đầu hàng,
Cờ ngày nào tung bay trên phố…
Trùng trùng say trong câu hát,
Lấp lánh lưỡi lê sáng ngời
Chúng ta đem vinh quang sức dân tộc trở về
Cả cuộc đời tươi vui về đây”
Ngôi sao 5 cánh trên lá cờ Tổ quốc như mở ra 5 cửa ô và như đài hoa nở 5 cánh đào đón mừng chiến thắng, đầy tự hào và xúc động:
“Năm cửa ô đón mừng đoàn quân tiến về
Như đài hoa đón mừng nở năm cánh đào
Chảy dòng sương sớm long lanh”
Vào ngày 10-10-1954, những đoàn quân “đi như sóng” của Đại đoàn 308 - Quân Tiên phong từ chiến khu Việt Bắc tiến về tiếp quản Thủ đô. Thế nhưng trước đó 5 năm, từ năm 1949, nhạc sĩ Văn Cao đã viết nên ca khúc “Tiến về Hà Nội” với những hình ảnh trùng khớp như ngày "Năm cửa ô đón mừng đoàn quân tiến về/ Như đài hoa đón mừng nở năm cánh đào”. Những bức ảnh ghi lại thời khắc lịch sử ấy cho thấy những đoàn quân đi từ năm cửa ô tiến vào nội thành giữa rừng cờ hoa đón chào của các tầng lớp nhân dân Thủ đô đúng như lời bài hát của Văn Cao.
Vào cuối năm 1948, nhạc sĩ Văn Cao cùng nhà văn Nguyễn Đình Thi và họa sĩ Tô Ngọc Vân từ chiến khu Việt Bắc được lệnh điều về Chi hội Văn nghệ Liên khu 3 công tác. Ông nhận nhiệm vụ viết một ca khúc về Hà Nội. Hai nhà lãnh đạo Liên khu 3 là hai vị tướng Khuất Duy Tiến và Lê Quang Đạo cũng động viên ông sớm sáng tác ca khúc về Thủ đô. Và nhạc sĩ Văn Cao khi đi giữa làng quê trăng sáng vằng vặc, những nét nhạc đầu tiên của bài “Tiến về Hà Nội” đã bật lên, để rồi hai tuần sau thì tráng khúc này hoàn thành. Lúc ấy đất trời đã chuyển sang mùa xuân năm 1949. Bài hát “Tiến về Hà Nội” được vị tướng Khuất Duy Tiến cho in trên tờ báo Thủ đô kháng chiến. Đến đầu năm 1950, nhạc sĩ Tạ Phước đã dàn dựng bài “Tiến về Hà Nội” phục vụ bộ đội và nhân dân địa phương, giúp cho bài hát nhanh chóng lan tỏa. Tuy nhiên, do điều kiện hoàn cảnh chiến tranh mà ca khúc này bị cất đi, cho tới Ngày Giải phóng Thủ đô 10-10-1954 thì bài “Tiến về Hà Nội” mới rền vang trở lại theo nhịp bước “Trùng trùng quân đi như sóng/ Lớp lớp đoàn quân tiến về” để cùng nhau:
“Chúng ta ươm lại hoa sắc hương say ngày xa
Ôi phố phường Hà Nội xưa yêu dấu
Những bông hoa ngày mai đón tương lai vào tay
Những xuân đời mỉm cười vui hát lên
Khi đoàn quân tiến về là đêm tan dần
Như mùa xuân xuống cành đường nghe gió về
Hà Nội bừng tiến quân ca”.
PHAN TẤN HÙNG