03/05/2025 - 17:14

Cây cơm nguội vàng 

Truyện ngắn: Khuê Việt Trường

Một lần nghe câu ca “Hà Nội mùa thu, cây cơm nguội vàng, cây bàng lá đỏ / Nằm kề bên nhau, phố xưa nhà cổ, mái ngói thâm nâu...” của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, tự dưng từ đó Hà Nội trở nên đặc biệt trong tâm trí chị, như là có những câu chuyện cổ tích ở trong đó. Chị nghe đi nghe lại bao lần bài hát “Mùa thu Hà Nội” và chợt nghĩ sẽ đi Hà Nội một chuyến để xem thử cây cơm nguội là cây gì. Thế nhưng, ngày qua ngày, với chị Hà Nội vẫn xa xôi.

Mà đâu phải chỉ Hà Nội, rất nhiều nơi chị không hề biết. Chị chỉ biết mỗi thành phố nho nhỏ của chị, vài địa danh chị đã tới. Ngay cả khi bộ phim “Hoa vàng trên cỏ xanh” lấy bối cảnh quê chị để quay phim, làn sóng khách du lịch đổ xô tìm tới, chị đọc báo mới biết quê mình còn có nhiều nơi chị chưa đi hết. Bởi vì nhiều năm rồi chị chỉ quan tâm và quanh quẩn bên gia đình của mình, trong đó có gia đình nhỏ của riêng chị gồm anh và hai đứa con. Những lúc rảnh rỗi hiếm hoi, để được “đi khắp bốn phương trời” chị mở các video giới thiệu các điểm đến và tưởng tượng chị đang trong một cuộc hành trình nào đó.

Vậy mà đêm nay chị đang ở trên tàu ra Hà Nội. Mọi người hỏi sao chị không đi máy bay? Chị chỉ cười cười. Thật ra thì chị cũng chưa đi máy bay bao giờ, dẫu bây giờ người ta đi máy bay đến mọi nơi, thậm chí việc đi máy bay bây giờ cũng dễ dàng và thật nhanh chóng. Nhưng trong chuyến đi xa nhà đầu tiên này, chị quyết tâm chọn xe lửa bởi vì chị muốn tìm cảm giác ngồi trên con tàu đi dọc theo đất nước.

Anh đang ở Hà Nội, đó là lý do chị lên tàu. Anh đã ở đó cả tháng trời. Ðây cũng không phải lần đầu tiên anh ở ngoài đó nên việc không có anh bên cạnh chẳng làm cho chị băn khoăn. Cho đến một hôm khi đang loay hoay quét sân nhà đầy lá vàng rụng, chị bắt đầu nhận được những cuộc gọi của cô họ xa. Cô họ của chị lấy chồng Hà Nội rồi theo chồng ra đó ở luôn, cũng ít khi qua lại. Cô gọi lần thứ nhất chị không tin, lần thứ hai chị cũng không tin. Cuối cùng cô gởi cho chị mấy tấm hình tự tay chụp được. Thì ra trước nhà cô họ của chị có quán ăn và cô bắt gặp anh hay đi ăn trưa với một cô gái.

Từ ngày lấy chồng đến giờ chị chẳng biết ghen là gì. Trong thâm tâm chị vẫn đinh ninh có gì mà phải ghen khi anh và chị vì yêu nhau, muốn gắn bó với nhau cả cuộc đời nên mới thành vợ chồng.

Chị lưu mấy tấm ảnh về điện thoại, kéo tấm ảnh cho lớn để xem. Chị ngắm cô gái ấy, một cô gái trẻ và đẹp, lại ăn mặc rất thẩm mỹ, mái tóc dợn sóng mỹ miều. Ngắm ảnh cô gái, rồi nhìn lại mình, chị cũng không tránh khỏi lẽ thường mà bất chợi thấy tủi thân. Dù vậy, khi cô họ của chị nói lên nghi ngờ về sự chung thủy của anh, chị khẽ trả lời: Họ chỉ là
đồng nghiệp.

***

Từ hồi mới quen nhau, chị đã biết anh là người giỏi giang và khi đã quyết việc gì thì hành động nhanh chóng. Khi ấy chị làm lễ tân ở một khách sạn, một hôm anh đưa đoàn khách đển ở để dự một sự kiện nghệ thuật trong thành phố. Gặp nhau vài lần, tới khi tiễn đoàn khách rời đi, anh xin chị một mảnh giấy nhỏ, rút cây viết bi gắn trong túi áo, ghi vào và đưa chị: “Anh thích em ngay tức khắc”. Lúc đó với chị, việc anh thích ai và thích như thế nào thì… kệ anh, bởi công việc lễ tân của chị thì gặp biết bao nhiêu khách, họ đến rồi đi giống như những ngọn gió thổi qua mái nhà. Với chị tất cả chỉ là đám đông, và với ai chị cũng nói cười vui vẻ vì công việc của mình.

“Anh thích em ngay tức khắc” - câu nói tưởng như ngọn gió bay vui trên những hàng cây ven biết bao con đường của thành phố, vậy mà lại mở đầu cho mối duyên của anh và chị. Tình yêu vốn là điều giản dị, đôi khi khởi đầu chỉ bằng một câu nói. Ngày đó anh mới tốt nghiệp cao đẳng mỹ thuật. Hôm anh nói thích chị ngay tức khắc, tưởng chỉ đãi bôi, ai ngờ sau đó anh lại đem đến tặng bức chân dung vẽ chị bằng bút chì. Bức chân dung đến bây giờ vẫn còn được đóng khung treo trong phòng khách của hai vợ chồng, như là một kỷ niệm trong hành trình tình yêu và hôn nhân tràn ngập hạnh phúc cùng niềm vui của anh chị.

Song hành trong hành trình tình yêu với chị, anh tiếp tục học lên đại học và trở thành họa sĩ thành danh, có nhiều tác phẩm được trưng bày, sau đó anh lại được đặt hàng vẽ cho các khách sạn và các công trình lớn. Chị rời công việc lễ tân ở khách sạn, về làm một người nội trợ thuần túy, chăm sóc gia đình hai bên nội ngoại, vun vén mái ấm và lo cho hai đứa con. Thói quen quanh quẩn bên gia đình khiến chị quên mất là mình còn có một khoảng trời rộng bao la phía trước. Ðôi lúc anh nói chị trang điểm, mặc đồ đẹp đi dự tiệc tùng xã giao cùng anh, chị lắc đầu: “Thôi anh đi đi”.

***

Bây giờ thì ngôi nhà chị gởi cho mẹ chồng qua lại coi sóc, hai đứa con thì đưa về nhà ba mẹ chị vì gần trường hai đứa nhỏ đi học. Chị đi Hà Nội. Ban đầu chị nghĩ là chị đi tìm anh về, vậy thôi. Nhưng khi tiếng còi tàu vang lên, đưa chị ngày càng xa thành phố nhỏ nơi chị sinh sống, chị chợt thảng thốt không biết mình đi Hà Nội để làm gì? Nếu như theo lời cô họ nói, chị ra Hà Nội là để thể hiện lòng ghen tuông hay đánh ghen, quả thật chị không làm được, vì chị thấy cảm xúc đó xa lạ và đáng sợ.

Cuối cùng, chị lặng ngắm khung cảnh thiên nhiên, phố thị, làng mạc... qua ô cửa con tàu và an ổn với ý nghĩ rằng chị đi Hà Nội chỉ vì chị muốn đi vậy thôi. Chị chỉ tò mò mùa này cây cơm nguội vàng ra sao.

Con tàu cứ đi từ đêm sang ngày, ô cửa tàu chuyển cảnh vật bên ngoài giống như chị đang xem phim. Chị chợt nghĩ giá như chị không đi một mình mà có anh thì sao. Rồi chị gọi cho anh, dẫu cô họ đã dặn chị là phải tạo bất ngờ. Anh nghe chị nói đang trên tàu mà thốt lên như reo: “Anh sẽ đón em nhé, mùa này Hà Nội đẹp lắm”. Chỉ cần nghe tiếng của anh, chị ấm áp, chẳng nghĩ ngợi xa xôi bất cứ điều gì.

Rồi tàu cũng tới sân ga, chị xuống tàu, ra cửa ga. Giữa chộn rộn chị nghe tiếng mời gọi của mấy anh xe ôm, taxi: “Cô ơi, cô về đâu, cháu chở?”. Giật mình khi bị gọi bằng cô, chị tìm gương soi. Ôi, chị đó sao? Một người phụ nữ trông tội nghiệp với gương mặt nhợt nhạt, mái tóc không chăm sóc. Chị lấy vội thỏi son thoa nhẹ lên môi mình, mở sợi dây chun buộc tóc, chải mái tóc rất mượt. Chị ngắm mình lần cuối trong gương và bước ra.

Anh đã đợi chị tự bao giờ. “Hân” - tiếng anh gọi dường như đủ cho chị nghe. Anh giành chiếc túi xách của chị, nói vào tai: “Em nhớ anh phải không?”.

Anh gọi một chiếc taxi, kêu xe chạy ra bờ hồ. Anh và chị xuống xe ở khu vực bên ngoài để vào phố đi bộ. Chao ôi lần đầu tiên chị thấy cả một con phố người ta đi bộ, người ta bán hàng, người ta ôm nhau, nắm tay nhau và cả hôn lên má nhau. Anh dắt chị chen vào cái hẻm người ta bán hàng ăn, những chiếc ghế nhỏ để cho khách ngồi. Lần đầu tiên chị ăn “bụi bờ” như thế.

Ðến lúc này chị chẳng cần phân tích xem mục đích mình đi Hà Nội để làm gì. Chị chỉ cần biết chị đang cùng anh dạo chơi trong đêm Hà Nội. Và anh đã bảo chị dừng lại ở một cây đang vàng lá, anh nói: Ðây là cây cơm nguội vàng. Chị đã chụp một tấm ảnh cùng cây cơm nguội lúc vừa chuyển lá vàng.

Chia sẻ bài viết