Theo các chuyên gia, trong thời đại số, việc xây dựng nội dung sáng tạo và những kỹ thuật thực chiến trên các nền tảng YouTube, Facebook, TikTok là yếu tố then chốt quyết định thành công của doanh nghiệp (DN). Những nội dung hay, câu chuyện truyền cảm hứng, thông điệp hấp dẫn sẽ giúp tăng mức độ nhận diện thương hiệu và tạo lòng tin đối với khách hàng. Trong bối cảnh đó, việc ứng dụng AI hỗ trợ quá trình sáng tạo nội dung số, marketing online đang được các chuyên gia khuyến cáo nhằm giúp DN có những nội dung số hay, nhanh chóng, chạm đến cảm xúc người tiêu dùng.
Cập nhật xu hướng mới
Ông Trương Thành Phố, Giám đốc điều hành và Nhà sáng lập Công ty TNHH Cơ khí chế tạo máy sấy Tốt và Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển nông nghiệp Xuân Nông, người có 15 năm kinh nghiệm sáng tạo nội dung trên YouTube, SEO trên Google, chia sẻ: "Thông qua việc xây dựng nội dung số, Xuân Nông từng bước trở thành một thương hiệu nông nghiệp xanh nổi bật trên mạng xã hội, chỉ từ những video đơn giản ghi lại quy trình trồng trọt, tưới tiêu, chăm cây… Nội dung sáng tạo không chỉ giúp doanh nghiệp tăng nhận diện thương hiệu, mà còn là cầu nối bền chặt với khách hàng; xây dựng một cộng đồng khách hàng trung thành mà không cần đầu tư quá nhiều vào chi phí quảng cáo. Một video chạm đúng cảm xúc có thể lan tỏa nhanh hơn bất kỳ mẫu quảng cáo nào. Một câu chuyện thật có thể khiến khách hàng chọn gắn bó thay vì chỉ lướt qua".

Nhiều DN tham gia khóa tập huấn về ứng dụng ChatGPT trong marketing online do Hiệp hội DN TP Cần Thơ phối hợp tổ chức mới đây.
Hiện nay, đa số khách hàng ra quyết định mua sản phẩm dựa trên cảm xúc, hình ảnh, video; tần suất ra sản phẩm mới liên tục, cần marketing nhanh, linh hoạt; nhu cầu cá nhân hóa quảng cáo theo giới tính, tuổi, sở thích rất cao. Mặt khác, nhiều cửa hàng hiện chưa có nhân sự marketing chuyên nghiệp, AI sẽ là công cụ hỗ trợ tối đa, hữu hiệu cho việc sáng tạo nội dung số phục vụ hoạt động marketing online… Ông Trương Hoàng Khải, Giám đốc Công ty CP Công nghệ Katec, cho biết: Trong công việc, AI giúp tự động hóa, giải phóng thời gian cho nhân viên, giảm một số lỗi, sai sót của con người. Trí tuệ nhân tạo còn hỗ trợ tích cực trong phân tích dữ liệu, cung cấp thông tin và dự đoán chính xác hơn; cung cấp các gợi ý dựa trên dữ liệu lớn. Đơn cử, Amazon sử dụng AI để tối ưu hóa quy trình vận chuyển và đề xuất sản phẩm, trong khi Netflix sử dụng AI để cá nhân hóa nội dung cho người dùng.
Đồng quan điểm, bà Lê Kim Thành, Giảng viên về marketing trực tuyến, chia sẻ: "Việc áp dụng AI không chỉ giúp tối ưu hóa quy trình mà còn nâng cao hiệu quả và chất lượng công việc. Trong đó, với đa dạng các tính năng như trả lời câu hỏi, sáng tạo nội dung, dịch thuật… Tiếp thị nội dung qua Chat GPT được ứng dụng trong hoạt động của doanh nghiệp thuộc nhiều các lĩnh vực như giáo dục, y tế, lập trình, tiếp thị, tài chính - ngân hàng… Tuy nhiên, nội dung sáng tạo hiệu quả phải đảm bảo các yếu tố: độc đáo, không sao chép; hấp dẫn, có tính chia sẻ; nhắm trúng đối tượng với độ chính xác cao; chuyên sâu và ý nghĩa; có thể giám sát và quản lý; không sai lỗi chính tả".
Hiểu đúng, làm đúng
Theo ông Trương Hoàng Khải, AI đang phát triển mạnh mẽ và trở thành công cụ không thể thiếu trong nhiều hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN, đặc biệt là marketing. Tuy nhiên, DN vẫn gặp nhiều rào cản trong quá trình ứng dụng AI vào sáng tạo nội dung số, marketing online: thiếu kiến thức và kỹ năng về công nghệ thông tin hoặc AI, đầu tư vào công nghệ AI và các hệ thống cần thiết tốn khá nhiều chi phí, lo ngại về bảo mật và quyền riêng tư liên quan đến dữ liệu cá nhân, tâm lý ngại thay đổi… Vì vậy, ông Trương Hoàng Khải đề xuất một số giải pháp thúc đẩy ứng dụng AI vào marketing online: tổ chức các khóa đào tạo về AI cho nhân viên để nâng cao kiến thức và kỹ năng sử dụng AI; xây dựng văn hóa đổi mới thông qua khuyến khích nhân viên thử nghiệm và chia sẻ ý tưởng về cách ứng dụng AI trong công việc; đầu tư, chọn lựa các giải pháp AI phù hợp với nhu cầu cụ thể của doanh nghiệp…
Bên cạnh những ưu điểm, việc ứng dụng AI cũng như ChatGPT vào hoạt động sản xuất, kinh doanh có thể đối mặt với nguy cơ mất an toàn thông tin do doanh nghiệp chưa tuân thủ và triển khai đầy đủ các quy định bảo đảm an toàn thông tin mạng. Đơn cử như chưa triển khai phần mềm chống mã độc trên các máy chủ quan trọng, chưa giám sát an toàn thông tin mạng (SOC) đầy đủ để kịp thời phát hiện bất thường trong hệ thống; không có hoặc có kế hoạch khôi phục nhanh sau sự cố nhưng không phù hợp…
Theo ông Ngô Việt Khôi, Chuyên gia về an toàn thông tin, nhân sự của DN nhỏ và vừa thường không có chuyên môn sâu về bảo mật AI điều này có thể dẫn đến việc triển khai các hệ thống AI với nhiều lỗ hổng bảo mật tiềm ẩn. Do đó, lời khuyên đưa ra là DN cần tập trung nâng cao nhận thức và kiến thức cơ bản về bảo mật dữ liệu và các rủi ro liên quan đến AI cho nhân viên; tìm kiếm sự tư vấn từ các chuyên gia bảo mật để đánh giá rủi ro và đưa ra các biện pháp phòng ngừa phù hợp; sử dụng các công cụ bảo mật đơn giản, đúng năng lực…
Ông Trương Thành Phố, nhấn mạnh: "Mỗi nền tảng mạng xã hội là một mảnh đất màu mỡ, nhưng chỉ khi doanh nghiệp gieo đúng loại hạt - tức là nội dung phù hợp thì mới có thể gặt hái một mùa vụ bội thu. TikTok nền tảng cần nhanh, ngắn, gọn và đúng trend. Facebook phản ánh rõ nét giá trị, sở thích và cách bạn xây dựng mối quan hệ. YouTube là nền tảng lý tưởng cho những nội dung dài, chất lượng và bền vững theo thời gian. Thuật toán của mỗi nền tảng như người dẫn đường, nhưng nội dung mới là lý do khiến người xem, khách hàng chọn ở lại. Hiểu đúng hành vi người dùng trên mỗi nền tảng, kết hợp tư duy chiến lược và cảm xúc thật trong từng bài đăng - đó là cách doanh nghiệp gieo hạt vào đúng đất, đúng mùa, để gặt hái niềm tin của khách hàng".
Bài, ảnh: MỸ THANH