22/10/2024 - 21:14

Thượng đỉnh BRICS - món quà dành cho ông Putin? 

Gần 3 năm sau khi mở “chiến dịch quân sự đặc biệt” tại Ukraine, nước Nga giờ đây đang tổ chức Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (BRICS) lần thứ 16 tại thành phố Kazan với sự tham gia của đại diện hơn 30 quốc gia và tổ chức quốc tế, trong đó có hàng chục lãnh đạo chính phủ và nguyên thủ quốc gia, qua đó cho thấy Tổng thống Vladimir Putin không hề đơn độc trước sự cô lập của phương Tây.

Các nhà lãnh đạo BRICS tại thượng đỉnh năm 2023 ở Nam Phi. Ảnh: AFP

Đây là thượng đỉnh đầu tiên của BRICS kể từ khi khối này được mở rộng vào đầu năm nay với các thành viên mới gồm Ai Cập, Các Tiểu Vương quốc Arab thống nhất (UAE), Ethiopia và Iran. Đây cũng là hội nghị quốc tế lớn nhất mà Nga tổ chức kể từ khi xảy ra xung đột với Ukraine vào tháng 2-2022. Ngoài các nhà lãnh đạo chủ chốt của khối như Tổng thống Putin, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa, Tổng thống Iran Masoud Pezeshkian, hội nghị còn có sự hiện diện của lãnh đạo các nước xin gia nhập và khách mời, trong đó có Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan. Năm nay, Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva không thể trực tiếp tham dự thượng đỉnh BRICS vì lý do sức khỏe và dự hội nghị bằng hình thức trực tuyến.

Với chủ đề “Tăng cường chủ nghĩa đa phương vì sự phát triển và an ninh toàn cầu một cách công bằng”, hội nghị thượng đỉnh BRICS diễn ra từ ngày 22 đến 24-10, tập trung trao đổi về hợp tác giữa các nước BRICS và Nam bán cầu trong việc giải quyết các vấn đề của chương trình nghị sự quốc tế, trong đó có tình hình khu vực và quốc tế, phát triển bền vững, an ninh lương thực, năng lượng, tình hình ở Trung Đông. Điều này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong bối cảnh tình hình thế giới ngày càng phức tạp với sự nổi lên gay gắt của nhiều thách thức, đòi hỏi các quốc gia phải tăng cường phối hợp để ứng phó hiệu quả. Thư ký báo chí Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết, “vấn đề Ukraine không nằm trong chương trình nghị sự của hội nghị nhưng mỗi quốc gia thành viên có thể nêu chủ đề mà họ thấy cần thiết và quan trọng”.

Theo tạp chí The Economist, tại hội nghị lần này, Tổng thống Putin có kế hoạch đề xuất thành lập một hệ thống thanh toán và tài chính toàn cầu mới nhằm củng cố vị thế của khối và bảo vệ các nước trước các lệnh trừng phạt. Ông cũng muốn thúc đẩy việc sử dụng đồng tiền chung BRICS. Một hệ thống thanh toán như vậy khi hình thành sẽ cho phép giao dịch rẻ hơn và nhanh hơn, thu hút các nền kinh tế đang phát triển cũng như thúc đẩy dòng thương mại và đầu tư. Ngoài ra, các nhà lãnh đạo cũng có thể tìm cách thúc đẩy hợp tác kinh tế, công nghệ và tài chính trên nhiều lĩnh vực từ năng lượng đến chia sẻ dữ liệu vệ tinh.

Phát biểu tại diễn đàn doanh nghiệp BRICS ở thủ đô Mát-xcơ-va hôm 18-10, Tổng thống Putin ca ngợi sức mạnh kinh tế và chính trị ngày càng tăng của các nước BRICS, xem đây là “sự thật không thể phủ nhận”. Ông Putin nhấn mạnh, BRICS sẽ phát triển trên một nền tảng vững chắc và chính nền tảng này sẽ là “yếu tố thiết yếu của trật tự thế giới mới đa cực, đáng tin cậy về mặt an ninh và phát triển cho tất cả các dân tộc tham gia vào tổ chức này”. “Các quốc gia trong BRICS là động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Trong tương lai gần, khối này sẽ tạo ra sự tăng trưởng chính trong GDP toàn cầu”, ông Putin nhấn mạnh. 

Theo giới phân tích, đối với ông Putin, thượng đỉnh BRICS có ý nghĩa quan trọng cả về mặt biểu tượng và thực tế. Hội nghị một mặt cho thấy Nga luôn sát cánh cùng các đồng minh bất chấp căng thẳng với phương Tây, mặt khác cho thấy Điện Kremlin sẽ dùng hội nghị này để đàm phán các thỏa thuận nhằm cải thiện nền kinh tế của xứ bạch dương. “Hội nghị thượng đỉnh BRICS lần này thực sự là một món quà dành cho Tổng thống Putin. Nó sẽ là cơ hội để ông phát đi thông điệp rằng làm sao toàn cầu có thể cô lập Nga khi mà tất cả những nhà lãnh đạo BRICS đã đến tham dự thượng đỉnh tại thành phố Kazan” - Alex Gabuev, Giám đốc Trung tâm Carnegie Nga - Âu Á (Đức), nhận định.

Theo số liệu được Ngân hàng Thế giới công bố hồi tháng 4, trong số các thành viên BRICS, Trung Quốc có GDP theo sức mua tương đương (PPP) đứng đầu thế giới với quy mô 35.000 tỉ USD, Ấn Độ chiếm vị trí thứ ba với 14.600 tỉ USD, Nga đứng thứ tư với 6.450 tỉ USD. BRICS cũng là một thị trường khổng lồ với dân số hơn 3 tỉ người, có 4 nước thành viên nằm trong tốp 10 quốc gia sở hữu tài nguyên khoáng sản hàng đầu thế giới. Trong đó, Nga đứng đầu thế giới với 75.000 tỉ USD, Iran đứng thứ năm với 27.300 tỉ USD, Trung Quốc ở vị trí thứ sáu với 23.000 tỉ USD và Brazil đứng thứ bảy với 21.800 tỉ USD.

TRÍ VĂN (Tổng hợp)

Chia sẻ bài viết