22/10/2024 - 21:52

Hội thảo “Thực trạng phát sinh và quản lý chất thải rắn sinh hoạt vùng ĐBSCL và định hướng công nghệ xử lý” 

(CT) - Ngày 22-10-2024, tại Trường Đại học Cần Thơ, Ban Chủ nhiệm Chương trình KC.06/21-30 (Chương trình Khoa hoạc và Công nghệ (KH&CN) cấp quốc gia “Nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ tiên tiến phục vụ ngành công nghiệp môi trường” giai đoạn 2021-2030) đã phối hợp với Trường Đại học Cần Thơ, các đơn vị thuộc Bộ KH&CN tổ chức Hội thảo “Thực trạng phát sinh và quản lý chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) vùng ĐBSCL và định hướng công nghệ xử lý”. Đại diện lãnh đạo Bộ KH&CN, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), 13 tỉnh thành vùng ĐBSCL, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, doanh nghiệp thuộc lĩnh vực TN&MT cùng tham dự.

Nhiều đại biểu tham dự hội thảo chụp hình lưu niệm.

Theo thống kê, hiện nay ĐBSCL có tổng lượng CTRSH thải ra khoảng 4.200 tấn/ngày. Trong đó, lượng thu gom từ các thành phố, vùng đô thị khoảng 3.200 tấn/ngày, đạt tỷ lệ 70-80%. Số còn lại không được quản lý, được người dân, các cơ sở không tuân thủ theo các quy định của các đô thị tự xả xuống các sông, kênh rạch… gây ô nhiễm, ảnh hưởng đến môi trường chung trong vùng và khu vực. Tại TP Cần Thơ, lượng CTRSH thải ra khoảng 650 tấn/ngày, nhưng tỷ lệ thu gom chưa tới 70%, khoảng 30% lượng CTRSH được chôn lấp. Tuy nhiên, hầu hết đều là các bãi chôn lấp không hợp vệ sinh, chất thải rắn sinh hoạt gần như chỉ được chôn lấp tự nhiên chưa đúng quy trình, không có biện pháp thu hồi và xử lý nước rỉ rác... Tại Quyết định số 192/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Đề án phát triển ngành công nghiệp môi trường Việt Nam đến năm 2025” đã giao  Bộ KH&CN và Bộ Công Thương thực hiện Chương trình KH&CN cấp quốc gia phục vụ phát triển ngành công nghiệp môi trường đến năm 2025. Theo đó, Chương trình KH&CN cấp quốc gia “Nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ tiên tiến phục vụ ngành công nghiệp môi trường” giai đoạn 2021-2030, mã số KC.06/21-30 được hình thành, với mục tiêu nhằm hỗ trợ các cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực môi trường ứng dụng và phát triển được các công nghệ tiên tiến xử lý, tái chế chất thải, quan trắc môi trường phù hợp với điều kiện của Việt Nam và xu hướng của thế giới…

Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm về công tác quản lý CTRSH tại ĐBSCL; hiện trạng cơ chế chính sách, công nghệ thu gom, vận chuyển, xử lý CTRSH vùng ĐBSCL; thực trạng phát sinh và quản lý CTRSH; ứng dụng công nghệ xử lý CTRSH theo hướng kinh tế tuần hoàn; hiệu quả hoạt động Nhà máy xử lý CTRSH phát điện Cần Thơ… Tại hội thảo, các đại biểu cũng đề xuất Bộ KH&CN, Bộ TN&MT xem xét, hướng dẫn công nghệ xử lý rác thải chuẩn, tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương trong quá trình lựa chọn nhà đầu tư, lựa chọn công nghệ xử lý RTRSH phù hợp quy định pháp luật và tình hình thực tế; giới thiệu thiết kế kỹ thuật của phương tiện vận chuyển rác để các địa phương áp dụng trong quá trình đầu tư, nâng cấp phương tiện thu gom, vận chuyển đáp ứng nhu cầu phân loại CTRSH tại nguồn; giới thiệu các mô hình, biện pháp xử lý đối với loại chất thải rắn không thể tái chế, tái sử dụng; ban hành các văn bản quy định chi tiết về quản lý CTRSH của hộ gia đình, cá nhân; có chiến lược và chính sách quản lý chất thải tổng hợp phù hợp cho toàn khu vực nhằm ứng phó tốt với các rủi ro môi trường và hướng đến phát triển bền vững cũng như tiếp cận kinh tế tuần hoàn… Đối với các địa phương trong vùng cần thực hiện nội dung về quản lý CTRSH trong quy hoạch cấp tỉnh, bố trí quỹ đất cho khu xử lý CTRSH, bố trí kinh phí cho việc đầu tư xây dựng, vận hành hệ thống thu gom, lưu giữ, trung chuyển, vận chuyển và xử lý CTRSH; thực hiện chính sách ưu đãi, hỗ trợ, khuyến khích, huy động mọi nguồn lực đầu tư đồng bộ hạ tầng thu gom, vận chuyển, xử lý CTRSH; khuyến khích xã hội hóa trong công tác thu gom, vận chuyển, xử lý CTRSH; sớm có kế hoạch chuyển đổi công nghệ xử lý CTRSH, ưu tiên áp dụng các công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường nhằm phấn đấu đạt được mục tiêu về giảm tỷ lệ chôn lấp trực tiếp CTRSH dưới 30% vào năm 2025... Các ý kiến trên được đại diện Bộ KH&CN, TN&MT ghi nhận và bổ sung cho kế hoạch bảo vệ, phát triển công nghiệp môi trường thời gian tới.

Tin, ảnh: HÀ VĂN

Chia sẻ bài viết