Bộ phim Hàn Quốc "Hỏa thần" (tựa tiếng Anh "The Firefighters") đã tạo nên cơn sốt tại phòng vé xứ kim chi vào cuối năm 2024. Khi ra mắt tại Việt Nam, phim khiến người xem xúc động vì câu chuyện nhân văn, ý nghĩa. Nội dung phim đi sâu vào công việc nguy hiểm của người lính cứu hỏa; đồng thời tái hiện một sự kiện có thật tại Hàn Quốc vào năm 2001.
Cảnh một người lính cứu hỏa bị thương khi đang làm nhiệm vụ trong phim.
"Hỏa thần" dựa trên một trận hỏa hoạn tại khu phố Hongje (Seoul, Hàn Quốc) vào năm 2001, khiến cho 6 lính cứu hỏa hy sinh khi làm nhiệm vụ cứu người. Từ vụ việc đau lòng này, công chúng phát hiện ra người lính cứu hỏa Hàn Quốc lúc bấy giờ có điều kiện làm việc và trang thiết bị rất kém, khiến giới chức trách nhận về nhiều chỉ trích. Sau những mất mát đó, cơ sở vật chất phục vụ việc cứu hỏa và lịch làm việc, trang thiết bị của những người lính mới được cải thiện. Sự kiện đau lòng này cũng đánh dấu những chuyển biến quan trọng trong công tác cứu hộ, cứu nạn tại Hàn Quốc.
Từ thực tế đó, phim từng bước tái hiện các chi tiết cụ thể về đời sống thường nhật và công việc đầy gian khó, nguy hiểm của đội cứu hỏa phía Tây Seoul. Mỗi người một hoàn cảnh, tính cách nhưng khi thực hiện nhiệm vụ, tất cả các thành viên đều đoàn kết, làm hết sức để cứu người, dập tắt đám cháy. Thế nhưng, trong một vụ hỏa hoạn lớn, một thành viên đã hy sinh để cứu một bé gái. Sự ra đi của anh cùng với điều kiện làm việc thiếu thốn, nguy hiểm, không được chính quyền quan tâm đã để lại nhiều ám ảnh và suy tư cho đồng đội. Cậu tân binh Cheol Woong bị sang chấn tâm lý nặng nề phải nghỉ việc vài tháng để cân bằng cảm xúc, đội trưởng Jeong In Seop dưới sự khuyên nhủ của vợ cũng có ý định chuyển công tác, các thành viên khác cũng ít nhiều dao động… Vậy mà chẳng có ai thật sự bỏ việc và khi có hỏa hoạn xảy ra, họ lại bất chấp nguy hiểm lao vào đám cháy để cứu người.
Phim mở đầu bằng một đám cháy, kết thúc cũng bằng một đám cháy và lúc nào cũng có sự mất mát, hy sinh. Ðoạn giữa phim diễn ra chậm rãi, tập trung đi sâu vào khai thác những khó khăn, hy sinh thầm lặng của người lính cứu hỏa - một công việc không được đánh giá đúng mức tại Hàn Quốc lúc bấy giờ. Với chế độ và đãi ngộ ở mức kém, điều kiện làm việc, trang thiết bị thiếu an toàn, người đứng đầu đội cứu hỏa phía Tây Seoul là quản lý Kang đã nhiều lần xin cấp trên trang bị thêm áo bảo vệ, găng tay chất lượng cho những người lính nhưng đều bị ngó lơ. Ðến mức anh phải tự bỏ tiền túi để mua găng tay cho cấp dưới làm việc.
Không có phép màu nào xảy ra, "Hỏa thần" có một cái kết bi kịch sát với thực tế. Bên cạnh hiện thực khốc liệt thì sự hy sinh của những người lính cứu hỏa đã góp phần tác động để nhà cầm quyền có những thay đổi, cải tổ điều kiện làm việc cũng như tôn vinh lực lượng cứu hỏa đúng với công sức của họ.
Hình ảnh, kỹ xảo của phim được thực hiện chỉn chu, chân thực, nhất là các cảnh quay hỏa hoạn và nỗ lực dập lửa, cứu người của đội cứu hỏa. Khán giả nhiều lần hồi hộp, thót tim trước các tình huống nguy hiểm, đứng giữa ranh giới sinh tử của những người lính cứu hỏa. Trong biển lửa, con người dễ dàng bị nuốt chửng nhưng họ không bao giờ bỏ cuộc, luôn cố gắng đến hơi sức cuối cùng… Tình đồng đội, tinh thần trách nhiệm và sự hy sinh của họ cùng diễn xuất tuyệt vời của dàn diễn viên đã lay động được trái tim người xem. Dù đôi chỗ phim còn dài dòng, lê thê, không có bước ngoặt bất ngờ nhưng "Hỏa thần" vẫn đọng lại nhiều cảm xúc trong lòng khán giả. Bởi đây không chỉ là câu chuyện về một thảm kịch mà còn là lời tri ân dành cho những người đã ngã xuống để bảo vệ cộng đồng, đồng thời truyền tải thông điệp mạnh mẽ về một nghề cao quý, xứng đáng được tôn vinh và ưu tiên.
CÁT ÐẰNG