Gần đây có thông tin nói Trung Quốc đã xây một cấu trúc mới tại vùng biển đang tranh chấp với Hàn Quốc trên Hoàng Hải, làm dấy lên lo ngại rằng Bắc Kinh có thể lợi dụng cuộc khủng hoảng chính trị hiện nay ở Seoul để khẳng định yêu sách lãnh thổ.
Đụng độ giữa lực lượng tuần duyên Hàn Quốc và các tàu đánh cá của Trung Quốc ở Hoàng Hải. Ảnh: AFP
Theo nhật báo Chosun Ilbo dẫn lời các quan chức Hàn Quốc, tình báo nước này lần đầu phát hiện cấu trúc mới vào tháng 12 năm ngoái. Công trình đó, rộng 50m và cao 50m, được lắp đặt trong Khu vực Biện pháp Tạm thời (PMZ) ở Hoàng Hải. Các hoạt động như xây dựng cơ sở hoặc phát triển các nguồn tài nguyên, ngoại trừ đánh bắt cá, đều bị cấm trong PMZ theo thỏa thuận năm 2001 giữa Hàn Quốc và Trung Quốc.
Tình hình trở nên phức tạp hơn
Hiện nay, phía Hàn Quốc vẫn chưa rõ mục đích của công trình này là để đánh bắt cá, phục vụ mục đích quân sự hay lý do nào khác. Tuy nhiên, giới chức Hàn Quốc cảnh báo rằng Bắc Kinh có thể xây dựng thêm hàng chục công trình khác trong khu vực.
Trước đây, Trung Quốc cũng lắp đặt các công trình thép tương tự ở cùng khu vực, bao gồm vào tháng 4 và tháng 5-2024. Bắc Kinh khi đó khẳng định rằng chúng chỉ là “cơ sở hỗ trợ đánh bắt cá” và mỗi lần như thế đều dẫn đến các cuộc phản đối về mặt ngoại giao từ Hàn Quốc.
“Các ranh giới trên biển chưa được giải quyết trong khu vực này, vì vậy PMZ đã được thiết lập. Theo thỏa thuận năm 2001, không quốc gia nào được phép thực hiện các hành động có thể làm suy yếu tính toàn vẹn của các yêu sách của bên kia. Điều đó có nghĩa việc Trung Quốc xây dựng các cơ sở là vi phạm thỏa thuận về nghề đánh bắt cá và luật pháp quốc tế”, Kim Suk-kyoon, giáo sư tại Viện Chiến lược Hàng hải Hàn Quốc, lập luận.
Tình hình trở nên phức tạp hơn do các cuộc đàm phán về đường trung tuyến và xác nhận các khu vực của hai bên đang tạm dừng, trong khi Trung Quốc năm 2010 tuyên bố khu vực này là “vùng biển nội địa” của mình.
“Trung Quốc đang sử dụng các cấu trúc này để tuyên bố quyền tài phán vượt ra ngoài đường trung tuyến giữa hai nước và đòi hỏi một khu vực rộng hơn. Đây chỉ là một cách để thúc đẩy yêu sách của họ”, ông Kim Suk-kyoon nói.
Về động cơ, Rah Jong-yil, từng là nhà ngoại giao Hàn Quốc, tin rằng Trung Quốc bị thôi thúc bởi các báo cáo rằng có các mỏ dầu lớn nằm bên dưới đáy biển của khu vực tranh chấp.
Theo một số nhà phân tích, có khả năng Bắc Kinh đang tận dụng cơ hội bất ổn chính trị hiện nay tại Hàn Quốc để kiểm soát một phần lớn hơn tại vùng biển tranh chấp.
Tuy nhiên, chuyên gia Kim Suk-kyoon hạ thấp khả năng này. Ông cho rằng sẽ cần thời gian để lập kế hoạch và thực hiện điều như thế, đặc biệt là trong môi trường hàng hải. Vì vậy, ông không tin việc xây cấu trúc nổi liên quan đến các vấn đề ở Hàn Quốc, nơi Tổng thống bị luận tội Yoon Suk Yeol vừa bị bắt với cáo buộc nổi loạn liên quan quyết định ban bố thiết quân luật hồi đầu tháng 12 năm ngoái.
Mục đích chiếm ưu thế trong đàm phán
Lee Dong-gyu, nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Chính sách Asan, nhận định: “Trung Quốc không chỉ xây các công trình mà còn tiến hành các cuộc tập trận quân sự trong khu vực, thể hiện tham vọng thiết lập quyền kiểm soát đối với Hoàng Hải. Những động thái này nhằm chiếm ưu thế trong các cuộc đàm phán phân định lãnh hải trong tương lai với Hàn Quốc”.
Hàn Quốc từ lâu đã nêu quan ngại về các tàu cá Trung Quốc hoạt động bất hợp pháp trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của nước này.
Hàn Quốc và Trung Quốc đã đưa ra nhiều yêu sách đối với lãnh thổ đang tranh chấp trên Hoàng Hải và mặc dù quan chức hai nước đã đàm phán về vấn đề này từ năm 2015, nhưng không có nhiều tiến triển.
Động thái mới nhất của Trung Quốc diễn ra sau các hoạt động quyết đoán của nước này tại các EEZ khác, bao gồm các vùng biển của Nhật Bản và Philippines, làm gia tăng căng thẳng trong khu vực.
HẠNH NGUYÊN (Tổng hợp)