18/01/2025 - 13:16

Truyền tình yêu văn chương đến học sinh 

“Qua buổi giao lưu, sinh hoạt này, điều làm Hội Nhà văn TP Cần Thơ tâm đắc nhất là đã truyền cho các em học sinh tình yêu văn chương. Cho dù sau này lớn lên, các em có thể không trở thành nhà văn, nhà thơ nhưng tình yêu văn chương sẽ làm đẹp tâm hồn”.

Đại diện các nhóm trình bày, giới thiệu tập san về Hội Nhà văn TP Cần Thơ và văn chương Cần Thơ.

Đó là lời chia sẻ của nhà thơ Nguyễn Trung Nguyên, Chủ tịch Hội Nhà văn TP Cần Thơ, về buổi phối hợp với Tổ Văn - Giáo dục công dân, Trường THCS An Hòa 2 (quận Ninh Kiều) tổ chức hoạt động trong môn Giáo dục địa phương khối 9, chủ đề tìm hiểu Hội Nhà văn thành phố.

Để đến với buổi giao lưu, sinh hoạt này, mỗi lớp ở khối 9 được chia làm 4 nhóm, mỗi nhóm thực hiện một tập san dạng báo tường, gồm có 3 mảng nội dung chính: giới thiệu về Hội Nhà văn TP Cần Thơ, giới thiệu những tác phẩm tuyển chọn của hội viên và thử sức sáng tác văn, thơ. Trong số rất nhiều tập san được đầu tư chỉn chu từ hình thức đến nội dung, với những bức vẽ, hàng chữ nắn nót, những thông tin được chắt lọc kỹ càng, chúng tôi bắt gặp những dòng viết tiêu biểu như: “Tập san này sẽ giúp thầy cô và các bạn cảm nhận sâu sắc hơn vẻ đẹp văn chương của chính quê hương nơi ta sinh sống. Mỗi trang văn đều phác họa hình ảnh cuộc sống, con người và văn hóa của Cần Thơ…”. Hay là những câu thơ hồn nhiên của học sinh còn mang khăn quàng đỏ:

“Cần Thơ sông nước hữu tình

Ninh Kiều bến vắng, nắng sang trưa

Người đi rồi nhớ bến xưa cũ

Chỉ còn ta bên bến chiều tà”

Bỏ qua niêm luật, gieo vần hay trau chuốt câu từ, cái còn lại trong những sáng tác của các em là tình yêu văn chương và tình yêu quê hương Cần Thơ thắm đượm. Em Lại Hoàng Hữu Tâm, học sinh Trường THCS An Hòa 2, chia sẻ: “Hoạt động này rất ý nghĩa, giúp chúng em hiểu hơn về TP Cần Thơ và văn chương Cần Thơ”. Hữu Tâm cho biết, nhóm em có hơn 1 tuần để thực hiện tập san và nhóm rất vui vì đã có phần thể hiện tốt, tạo được ấn tượng với người xem.

Em Nguyễn Ngọc Khánh Nhu và các bạn trong nhóm cũng có phần thể hiện tập san rất ấn tượng. Khánh Nhu cho biết, để có tư liệu về Hội Nhà văn TP Cần Thơ, nhóm đã tìm sách, báo để đọc và tra cứu thông tin trên mạng để làm phong phú nội dung. Nhóm cũng được sự hỗ trợ, góp ý của giáo viên Ngữ văn. Cô Lê Thị Hạnh, giáo viên Trường THCS An Hòa 2, cho biết thêm, khi triển khai hoạt động, nhiệm vụ được phân cho các nhóm, nhiều em còn bỡ ngỡ nhưng càng về sau, các em càng hào hứng, càng sáng tạo và kết quả là có những tập san chất lượng ngoài mong đợi.

Có thể nói, đây là cách làm sáng tạo trong dạy môn Giáo dục địa phương và có thể triển khai ở các trường phổ thông. Để có sản phẩm đáp ứng yêu cầu và có thể tự tin thuyết trình trước hàng trăm người, đòi hỏi các em có sự chuẩn bị chu đáo, nắm bắt kiến thức, vấn đề. Từ đó, vấn đề được học sẽ khắc sâu trong tâm trí các em. Ngoài ra, các em còn được chính các nhà văn, nhà thơ của Hội Nhà văn TP Cần Thơ trực tiếp giao lưu, truyền tải tình yêu văn chương. Ví như trong nhiều tập san, các em nhắc đến nhà thơ, nhà lý luận Lê Xuân, nhắc đến tác phẩm “Lộ Vòng Cung” của ông và khi ông lên sân khấu nói về vẻ đẹp văn chương, các em học sinh rất hào hứng, chăm chú lắng nghe.

Nhà thơ Nguyễn Trung Nguyên, Chủ tịch Hội Nhà văn TP Cần Thơ, cho biết: Hội đã nhiều lần tổ chức sinh hoạt văn chương cho tuổi trẻ trên địa bàn thành phố, nhưng chủ yếu là sinh viên các trường đại học, đây là lần đầu giao lưu với học sinh THCS. Qua hoạt động này, không chỉ các em học sinh được truyền tình yêu văn chương mà ngay cả các hội viên, tình yêu ấy cũng được “hâm nóng”, lại càng thấy rõ hơn trách nhiệm của người cầm bút với quê hương, đất nước.

Cô Phan Cẩm Tùng, Phó Hiệu trưởng Trường THCS An Hòa 2, nhấn mạnh: Từ hiệu quả của hoạt động này, nhà trường rất muốn nhân rộng, lan tỏa. Qua học kỳ sau, dự án sẽ được làm cho những bộ môn khác như Lịch sử, Địa lý… về TP Cần Thơ.

Bài, ảnh: ĐĂNG HUỲNH

Chia sẻ bài viết