Đối với Dải Gaza hoang tàn sau cuộc chiến kéo dài 15 tháng, thỏa thuận ngừng bắn mà Israel và phong trào Hồi giáo Hamas vừa ký kết chỉ là sự khởi đầu bởi vẫn còn những thách thức lớn ở phía trước.
Gaza bị tàn phá nặng nề trong cuộc chiến kéo dài 15 tháng. Ảnh: Getty Images
Sáng 17-1, truyền thông Israel đưa tin các đại diện của Israel, Hamas, Mỹ và Qatar đã chính thức ký thỏa thuận thả con tin và lệnh ngừng bắn ở Gaza. Phía Tel Aviv sẽ thực hiện việc phóng thích 3 con tin đầu tiên kể từ ngày 20-1.
Trước đó, ngày 15-1, Ai Cập, Qatar và Mỹ đã ra tuyên bố chung về thỏa thuận ngừng bắn và trao đổi con tin giữa Israel và Hamas.
Tổng thống Ai Cập Abdel-Fattah El-Sisi cho hay thỏa thuận gồm 3 giai đoạn, bắt đầu từ ngày 19-1. Giai đoạn đầu kéo dài 42 ngày, trong đó quân đội Israel sẽ rút khỏi khu vực đông dân cư và hai bên tiến hành trao đổi con tin.
“Mức độ tàn phá chưa từng thấy”
Trong đánh giá sơ bộ công bố ngày 16-1, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết Gaza cần ít nhất 10 tỉ USD để tái thiết hệ thống y tế trong vòng 5-7 năm tới.
Rik Peeperkorn, đại diện của WHO tại các vùng lãnh thổ Palestine, mô tả mức độ tàn phá ở Gaza là “chưa từng thấy tại bất kỳ nơi nào khác”. Tổ chức này cảnh báo hệ thống y tế tại Gaza đã sụp đổ nghiêm trọng, với chưa đến một nửa số bệnh viện còn hoạt động.
Trong lĩnh vực nông nghiệp, hình ảnh vệ tinh cho thấy hơn 50% diện tích đất trồng trọt của Gaza đã bị hư hại do bom đạn, khoét sâu tình trạng mất an ninh lương thực và chồng chất thêm khó khăn cho hàng triệu người dân.
Bức tranh đầy đủ về mức độ thiệt hại sẽ hiện ra khi cuộc giao tranh kết thúc và các thanh sát viên tiếp cận toàn bộ vùng lãnh thổ của người Palestine.
Tháng 12-2024, Liên Hiệp Quốc (LHQ) ước tính 69% các công trình ở Gaza đã bị hư hại hoặc phá hủy, bao gồm hơn 245.000 ngôi nhà. Chi phí tái thiết Gaza có thể lên tới hơn 80 tỉ USD. Theo cơ quan y tế Gaza, chiến dịch trả đũa của Israel đã khiến hơn 46.000 người Palestine thiệt mạng, với hơn một nửa là phụ nữ và trẻ em.
Triển vọng mờ mịt
Tuy nhiên, trước khi tái thiết, việc dọn sạch đống đổ nát đặt ra một nhiệm vụ hết sức nặng nề.
LHQ ước tính chiến sự đã để lại cho Gaza hơn 50 triệu tấn đất đá, gấp 12 lần kích thước của Kim tự tháp Giza ở Ai Cập. Với hơn 100 xe tải hoạt động hết công suất, sẽ mất hơn 15 năm để dọn sạch số đất đá này. Việc vận chuyển cũng sẽ rất phức tạp vì các đống đổ nát chứa lượng lớn đạn pháo chưa nổ và cả thi thể hàng ngàn người bị vùi lấp. Tất cả những điều này khiến quá trình dọn dẹp tốn hơn 1 tỉ USD.
Sau việc dọn dẹp đống đổ nát là xây dựng lại nhà cửa. Nhiệm vụ này sẽ cần hàng tỉ USD và khả năng đưa vật liệu xây dựng cùng thiết bị hạng nặng vào dải đất.
Ngay cả khi nhiệm vụ trên khả thi, triển vọng tái thiết lại phải phụ thuộc vào lệnh phong tỏa Gaza. Với lập luận rằng xi măng và ống kim loại cũng có thể được sử dụng để phát triển đường hầm và tên lửa, Israel phong tỏa để ngăn chặn Hamas xây dựng lại năng lực quân sự.
LHQ tính toán có thể mất hơn 350 năm để tái thiết Gaza nếu tình trạng phong tỏa vẫn tiếp diễn.
Israel có thể sẽ dỡ bỏ lệnh phong tỏa nếu Hamas không còn nắm quyền ở Gaza, song đến nay vẫn chưa có kế hoạch nào về một chính phủ thay thế.
Mỹ và phần lớn cộng đồng quốc tế kỳ vọng Chính quyền Palestine cải cách toàn diện để quản lý Bờ Tây và Gaza với sự hỗ trợ của các nước Arab, trước khi Palestine trở thành một quốc gia. Nhưng đây là ý tưởng không khả thi đối với Chính phủ Israel, bên vốn phản đối một Nhà nước Palestine và đã loại trừ bất kỳ vai trò nào ở Gaza cho chính quyền được phương Tây hậu thuẫn.
Thêm một rào cản là các nhà tài trợ quốc tế cũng ngại đầu tư vào một vùng đất vô chính phủ và đã hứng chịu 5 cuộc chiến trong vòng chưa đầy 2 thập niên như Gaza.
Về phần mình, kinh tế Israel chịu tổn thất hơn 67 tỉ USD vì cuộc xung đột Gaza, tính đến cuối năm 2024.
HẠNH NGUYÊN (Tổng hợp)