18/01/2025 - 10:18

Các mức xử phạt vi phạm an toàn giao thông tại Nhật Bản 

Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, Nhật Bản là một quốc gia mà người dân có ý thức rất cao trong việc tuân thủ luật giao thông đường bộ. Tỷ lệ vi phạm luật giao thông ở quốc gia này rất thấp chủ yếu là nhờ vào ý thức của người dân khi tham gia giao thông và các chế tài xử lý hiệu quả.

Người Nhật tuân thủ nghiêm luật giao thông.

Vi phạm luật giao thông ở Nhật Bản có thể dẫn đến tiền phạt, trừ điểm trên giấy phép lái xe và thậm chí là án tù. Tiền phạt vi phạm luật giao thông có thể rất lớn, tùy thuộc vào loại vi phạm và loại xe. Nhật Bản còn có hệ thống điểm trừ tính vào giấy phép lái xe và số điểm mà người vi phạm bị phạt tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của vi phạm.

Ví dụ, người điều khiển phương tiện có thể bị phạt hai điểm khi vượt đèn đỏ hoặc lên đến 12 điểm khi lái xe quá tốc độ. Nếu một người có số điểm phạt đến một mức nhất định, giấy phép lái xe của người này có thể bị đình chỉ hoặc thu hồi. Nếu tổng điểm phạt của một người từ 6-14 điểm thì có thể bị đình chỉ giấy phép lái xe và từ 25 điểm trở lên thì giấy phép lái xe bị thu hồi. Những người lái xe từng bị thu hồi giấy phép lái xe có thể phải đối mặt với thời gian bị đình chỉ bằng lái lâu hơn. Những vi phạm nghiêm trọng có thể dẫn đến việc người điều khiển phương tiện bị bắt và bị xét xử tại tòa án hình sự. Các công ty bảo hiểm có thể xem xét lịch sử điểm phạt của một người để tính phí bảo hiểm.

Trong số các phương tiện tham gia giao thông tại Nhật Bản, mô tô hai bánh không phải là phương tiện chiếm số đông. Tuy nhiên, điều luật cụ thể giành riêng cho việc xử phạt đối với loại phương tiện này cũng được quy định rất chi tiết và chặt chẽ.

Đặc biệt nghiêm trọng là vi phạm lái xe sau khi uống rượu, mức phạt lên tới 500.000 yen (khoảng 3.200 USD) và phạt tù tới 3 năm. Không chỉ dừng lại ở đây, vi phạm này sẽ được thông báo đến nơi làm việc và người vi phạm có thể bị đuổi việc. Đối với người nước ngoài cư trú tại Nhật Bản, vi phạm này có thể sẽ phải đối mặt với việc bị trục xuất và không được tái nhập cư.

Trường hợp lái xe không có bảo hiểm, mức phạt tiền lên đến 300.000 yen khi lái xe mà không có giấy chứng nhận bảo hiểm bắt buộc và lên đến 500.000 yen khi lái xe mà không đăng ký bảo hiểm. Đối với trường hợp lái xe không có giấy phép hợp lệ, người điều khiển phương tiện có thể bị phạt tiền lên đến 500.000 yen và phạt tù lên đến 3 năm. Xét về phương diện kinh tế, nếu tính mức thu nhập thấp chưa chịu thuế thu nhập vào khoảng 90.000 yen/tháng, thì đây là một khoản tiền rất lớn.  

Về mức phạt hành chính, tùy thuộc vào loại vi phạm và mức độ nghiêm trọng của hành vi vi phạm mà mức phạt vi phạm luật giao thông đối với người đi xe máy sẽ khác nhau.

Luật quy định rõ các hành vi không tuân thủ đèn giao thông, không dừng lại ở vạch dừng, vạch qua đường dành cho người đi bộ hoặc ngã tư không có đèn báo hiệu là hành vi vi phạm luật giao thông. Vi phạm biển báo dừng sẽ bị phạt 7.000 yen, không dừng lại ở đường ngang đường sắt là 9.000 yen và lái xe trên vỉa hè bị phạt 6.000 yen. Vi phạm vượt đèn đỏ sẽ bị phạt từ 5.000-6.000 yen.

Người điều khiển mô tô hai bánh chạy quá tốc độ cho phép sẽ bị quy vào hành vi vi phạm vượt quá tốc độ. Trong trường hợp vi phạm về vượt quá tốc độ, mức phạt tăng theo số tiền vượt quá giới hạn tốc độ. Ví dụ, mức phạt vì chạy quá tốc độ trên đường bình thường dưới 15 km/h là 9.000 yen, nhưng mức phạt vì chạy quá tốc độ 40 km/h trở lên có thể lên tới 100.000 yen. Người điều khiển phương tiện sử dụng điện thoại thông minh khi lái xe sẽ bị phạt từ 5.000-6.000 yen, cộng thêm một điểm vi phạm vào giấy phép lái xe.

Tại Nhật Bản, khi đỗ xe máy trên đường, tùy thuộc vào địa điểm, người điều khiển phương tiện có thể bị phạt vì đỗ xe sai quy định và phải nộp phạt. Khi bị xử phạt vì đỗ xe trái phép, cảnh sát sẽ dán một “Phiếu phạt đỗ xe” trên xe vi phạm. Với lỗi này, người điều khiển phương tiện có thể đến đồn cảnh sát phụ trách tại khu vực xảy ra vi phạm đỗ xe, làm thủ tục và nộp phạt.

Ngoài ra, luật còn quy định những hành vi vi phạm khác khi sử dụng xe mô tô hai bánh. Luật giao thông quy định cả người điều khiển mô tô hai bánh và người ngồi sau đều phải đội mũ bảo hiểm đạt tiêu chuẩn.

NGUYỄN TUYẾN

Chia sẻ bài viết