22/10/2024 - 22:43

Ông Hồng Quốc Khánh, Giám đốc Nhà hát Tây Đô:

Góp phần giáo dục truyền thống lịch sử địa phương bằng nghệ thuật sân khấu cải lương 

 

Liên hoan Cải lương toàn quốc năm 2024 do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UBND TP Cần Thơ phối hợp tổ chức sẽ diễn ra từ ngày 25-10 đến ngày 15-11 tại Trung tâm Văn hóa TP Cần Thơ (Khu Bãi Cát, phường Cái Khế, quận Ninh Kiều). Liên hoan có sự tham gia của đông đảo đơn vị nghệ thuật cải lương chuyên nghiệp trong và ngoài công lập. Nhà hát Tây Đô cũng đang tích cực tập luyện vở diễn tham gia liên hoan lần này.

Trao đổi thêm với phóng viên Báo Cần Thơ, ông Hồng Quốc Khánh, Giám đốc Nhà hát Tây Đô, cho biết:

- Nhà hát Tây Đô tham gia liên hoan lần này với vở cải lương “Chất ngọc Cầm Thi Giang” của tác giả Lê Nguyên Đạt, do Nguyễn Nhật Hào - Dương Thanh Đề phóng tác, chuyển thể và NSƯT Lê Nguyên Đạt làm đạo diễn. Vở cải lương ca ngợi hình tượng cố soạn giả Mộc Quán - Nguyễn Trọng Quyền, người con ưu tú của quê hương Cần Thơ, người được xem là Hậu Tổ của sân khấu cải lương.

Trong 50 năm sáng tác, soạn giả Mộc Quán - Nguyễn Trọng Quyền đã để lại cho hậu thế sân khấu cải lương một kho tàng tác phẩm đồ sộ. Ông dành trọn tâm sức cống hiến cho nghề, là một thầy tuồng nổi danh, là một trong những người góp phần đặt nền móng cho sự ra đời và phát triển của nghệ thuật sân khấu cải lương Nam Bộ.

Trong tuyến nhân vật của vở diễn, còn có các bậc tiền bối của nghệ thuật sân khấu cải lương, đờn ca tài tử như nhạc sĩ Cao Văn Lầu, cô đào Phụng Hảo (tức NSND Phùng Há), Cô Năm Nhỏ…

* Xin ông cho biết việc triển khai tập dợt và mục tiêu Nhà hát Tây Đô đặt ra tại Liên hoan Cải lương năm 2024?

- Đơn vị đã triển khai dàn dựng, tập dượt và tổ chức báo cáo Hội đồng nghệ thuật cấp thành phố. Trên cơ sở góp ý, Nhà hát Tây Đô tiếp thu và tiến hành điều chỉnh, sẵn sàng thi diễn trong đêm khai mạc của liên hoan, vào tối 25-10.

Với tư cách là đơn vị chủ nhà, trước hết, chúng tôi xác định tập trung cao độ để vở diễn thành công, chỉn chu, đảm bảo chất lượng nghệ thuật, tạo ấn tượng với khán giả và đồng nghiệp từ khắp nơi trong cả nước. Về mục tiêu, Nhà hát Tây Đô phấn đấu đạt thành tích tốp đầu tại liên hoan lần này.

* Thưa ông, việc xây dựng hình tượng một nhân vật nổi tiếng như soạn giả Mộc Quán - Nguyễn Trọng Quyền trên sân khấu cải lương có những thuận lợi, khó khăn gì?

- Như đã nói, soạn giả Mộc Quán - Nguyễn Trọng Quyền được xem là Hậu Tổ của sân khấu cải lương, được giới nghệ sĩ rất kính trọng. Do đó, khi thực hiện vở cải lương, chúng tôi cố gắng trau chuốt hình ảnh nhân vật sao cho toát lên được khí chất, phong cách và tính cách nhân vật. Những lớp diễn cụ say mê với từng trích đoạn, vở tuồng, với khóc cười của nhân vật do cụ chấp bút viết nên, được thể hiện khá hay trong “Chất ngọc Cầm Thi Giang”. Thuận lợi là cuộc đời và sự nghiệp của soạn giả Mộc Quán đầy ắp tình tiết, tư liệu để viết thành vở cải lương. Trong vở này, chúng tôi mạnh dạn cho những nghệ sĩ trẻ, có kinh nghiệm sân khấu để tham gia như nghệ sĩ Lê Duy vai Mộc Quán, nghệ sĩ Hồng Thủy vai đào Phụng Hảo, nghệ sĩ Vũ Linh vai Cao Văn Lầu, nghệ sĩ Kim Ngân vai bà Nghĩa, nghệ sĩ Hồng Giang vai đào Năm Nhỏ, nghệ sĩ Phương Anh vai kép Bảy…

* Thông điệp của Nhà hát Tây Đô gửi gắm là gì thông qua hình tượng soạn giả Mộc Quán - Nguyễn Trọng Quyền trên sân khấu cải lương, thưa ông?

- Đó là niềm tự hào về người con của quê hương Cần Thơ, bậc Hậu Tổ của sân khấu cải lương.

Thật ra, từ nhiều năm qua, Nhà hát Tây Đô rất chú trọng đến việc góp phần giáo dục truyền thống lịch sử địa phương bằng nghệ thuật sân khấu cải lương. Trước soạn giả Mộc Quán - Nguyễn Trọng Quyền, chúng tôi đã thực hiện các vở “Bông mận trắng” nói về Di tích Căn cứ Vườn Mận và tuyến lửa Vòng Cung; vở “Cánh buồm ngược gió” nói về Thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa; vở “Tiếng gọi non sông” nói về Cử nhân Phan Văn Trị; vở “Sống mãi với non sông” nói về đồng chí Châu Văn Liêm… Qua đó, các nhân vật lịch sử, danh nhân văn hóa, truyền thống lịch sử địa phương được chuyển tải đến với khán giả bằng ngôn ngữ cải lương.

Ngoài ra, chương trình “Dạ cổ Cầm Thi” được tổ chức hằng tuần cũng giới thiệu với khán giả những vở cải lương về đề tài này, cho thấy hiệu quả khá tốt.

* Xin cám ơn ông!

ĐĂNG HUỲNH (thực hiện)

Chia sẻ bài viết