27/06/2016 - 20:26

Nhiễm giun, sán - đừng xem thường!

Nhiễm giun, sán là bệnh lý phổ biến ở nước ta hiện nay. Theo thống kê, tỷ lệ trẻ em nhiễm giun, sán cao hơn người lớn. Bệnh giun, sán nếu như không được chữa trị kịp thời sẽ dẫn đến một số bệnh lý nghiêm trọng, nguy hiểm đến tính mạng...

Giun, sán có thể gây tử vong

Theo bác sĩ Dương Hoàng Vũ, Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Tim mạch TP Cần Thơ, qua khám cho bệnh nhân, các loại giun thường hay gặp là: giun đũa, giun tóc, giun móc và giun lươn. Các loại sán thường gặp là sán lá, sán lá gan, sán lá phổi, sán lá ruột, sán dãi (heo, bò, trâu...). Theo thống kê trước đây của Viện Sốt rét – ký sinh trùng Trung ương (1997) ở nước ta, tỷ lệ nhiễm giun đũa hơn 60%, giun tóc ở miền Bắc khoảng 50%, miền Nam 3-5%; nhiễm giun móc, miền Bắc 30-40%, miền Nam 10-20%... Thời gian gần đây, qua khám bệnh, các bác sĩ nhận thấy tỷ lệ người dân bị giun đũa giảm mạnh, tuy nhiên tỷ lệ người dân nhiễm giun, sán (chó, mèo, trâu, bò…) tăng nhanh. Qua thống kê, tỷ lệ nhiễm ký sinh trùng ở gia súc rất cao, trên 50% trâu bò nhiễm sán lá gan và hơn 60% chó, mèo nhiễm giun sán. Nếu không quản lý được, đó là nguồn mầm bệnh rất lớn.

 Cán bộ Bệnh viện Tim mạch TP Cần Thơ vận hành máy xét nghiệm huyết thanh
chẩn đoán giun, sán.

Nhiễm giun, sán gây nhiều tác hại cho sức khỏe con người, tước đoạt dưỡng chất, dẫn đến cơ thể bị suy dinh dưỡng, các bệnh bội nhiễm vi trùng, chậm phát triển. Nặng nhất là giun, sán, ký sinh gây tổn thương cơ quan trong cơ thể (gọi là ký chủ). Nếu ký chủ ở các cơ quan quan trọng như não, tim, phổi, gan… có thể gây nguy hiểm cho tính mạng. Ví dụ như, ấu trùng giun chui lên não, gây u não; vào phổi, gây u phổi; đến gan gây xơ gan, suy gan... Khi gây tổn thương ở cơ quan ký chủ thì các loại kí sinh trùng đều như nhau nhưng tỷ lệ loại ký sinh trùng càng nhiều thì nguy cơ bệnh càng cao. Gần đây, đáng báo động là tình trạng nhiễm giun, sán từ thú nuôi trong nhà. Theo thống kê ở Châu Âu, tỷ lệ chó nuôi trong nhà nhiễm giun sán chiếm 60-70%. Sau khi nuốt trứng vào cơ thể, các ấu trùng giun sẽ được phóng thích, đi xuyên qua thành ruột và theo đường máu di chuyển đến gan, phổi, hệ thần kinh trung ương. Các ấu trùng từ trứng nở ra sẽ chu du trong cơ thể người trong vài tháng đến nhiều năm. Các ấu trùng này sẽ gây tổn thương tại những nơi mà chúng đến như gan, phổi, hệ thần kinh trung ương hay mắt…Trong đó hai thể thường gặp nhất là thể ấu trùng di chuyển nội tạng và thể ấu trùng di chuyển ở mắt.

Ở nội tạng, chủ yếu gặp ở trẻ dưới 5 tuổi với các triệu chứng: sốt, gan to và bị hoại tử, lách to, triệu chứng hô hấp giống như hen suyễn. Ngoài ra, có thể gặp viêm cơ tim, viêm thận, hệ thần kinh trung ương bị thương tổn với các triệu chứng co giật, triệu chứng tâm thần kinh hay bệnh lý ở não. Trên thế giới ghi nhận nhiều trường hợp tử vong do ấu trùng di chuyển đến não. Thể ấu trùng di chuyển ở mắt gặp ở trẻ từ 5-10 tuổi với triệu chứng giảm thị lực một bên mắt. Mức độ suy giảm thị lực tùy thuộc vào vùng bị thương tổn, có thể dẫn đến mù lòa.

Triệu chứng mơ hồ

Vừa qua, trên các phương tiện truyền thông đăng tải thông tin một bệnh nhi ngụ tỉnh Kon Tum nhập viện Bệnh viện Nhi đồng 1 trong tình trạng nhức đầu dữ dội. Kết quả chụp MRI xác định một khối choán chỗ trong não. Kết quả kiểm tra sau phẫu thuật, xác định khối choán chỗ trong não chính là sán dãi lợn. Ngoài ra, một bệnh nhân khác nhập viện ở Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn, kết quả kiểm tra lúc nhập viện cho thấy bệnh nhân bị viêm màng não mủ trên nền tiểu đường, dẫn đến hôn mê nguy kịch. Kết quả soi phân, xét nghiệm máu sau đó cho thấy, bệnh nhân nhiễm giun lươn. Sau khi tìm được nguyên nhân gây bệnh, từ bệnh cảnh rất nặng, cả hai bệnh nhân trên đã khỏe mạnh, xuất viện. Hai ca bệnh trên cho thấy, khi bệnh diễn biến nặng, các triệu chứng lâm sàng đều hướng bác sĩ đến các bệnh lý khác, không có triệu chứng hoặc rất mơ hồ, khiến các thầy thuốc lâm sàng nhầm lẫn, dẫn đến chẩn đoán và điều trị không kịp thời. Y văn thế giới ghi nhận 80% bệnh nhân nhiễm giun lươn tử vong, nguyên nhân chủ yếu do chữa nhầm.

Theo bác sĩ Dương Hoàng Vũ, việc chẩn đoán nhiễm giun, sán, khi bệnh cảnh chưa nặng cũng rất khó khăn do triệu chứng lâm sàng của bệnh rất mơ hồ. Tùy giai đoạn nhiễm mà có các triệu chứng khác nhau; có khi bệnh nhân chỉ bị ngứa da, rối loạn tiêu hóa… Ở giai đoạn ủ bệnh, biểu hiện dị ứng da - điển hình khi bị nhiễm giun, sán. Các bác sĩ gọi đây là triệu chứng ấu trùng di chuyển sau khi nhiễm giun, sán từ 4-16 ngày. Khi thăm khám cho bệnh nhân, nhìn da bệnh nhân, thấy dấu hiệu ngoằn nghèo, như nhiều con giun nhỏ bò. Dấu hiệu này nếu nổi ở bụng, đùi cũng dễ gây nhầm với vết rạn da ở phụ nữ sau sinh. Nhưng vết do ấu trùng di chuyển vừa rạn vừa gồ lên. Ngoài dị ứng da, tùy theo giai đoạn, có thể ấu trùng giun, sán chu du qua phổi, khiến bệnh nhân ho khan, đi xuống ruột gây rối loạn tiêu hóa, nôn, ói. Ấu trùng, giun, sán đi tới đâu gây triệu chứng tới đó nhưng triệu chứng thoáng qua, không đặc hiệu dễ gây chẩn đoán nhầm lẫn. Có nhiều bệnh nhân thậm chí không có biểu hiện dị ứng, ngứa ở da. Theo bác sĩ Dương Hoàng Vũ, bác sĩ cần khai thác ở bệnh nhân các yếu tố dịch tễ như vùng, miền, thói quen ăn, uống, sinh hoạt… Chẩn đoán, soi trực tiếp phân tìm trứng hoặc giun, xét nghiệm máu bạch cầu ái toan tăng, huyết thanh chẩn đoán, siêu âm phát hiện tổn thương định vị tại cơ quan ký sinh trùng lưu trú (sán lá gan), x - quang tim phổi. Trong đó huyết thanh chẩn đoán là phương tiện xét nghiệm hữu hiệu để chẩn đoán, với độ đặc hiệu trên 90%. Hiện nay, Bệnh viện Tim mạch TP Cần Thơ có huyết thanh chẩn đoán được 7 loại (những loại giun, sán phổ biến).

Tuy nhiên, khi đã chẩn đoán đúng bệnh, việc điều trị nhiễm giun, sán, hầu hết đáp ứng với thuốc đặc trị. Để phòng bệnh, cần xổ giun định kỳ 4-6 tháng/lần. Tuy nhiên, việc này chỉ diệt được giun, còn sán không diệt được. Để phòng cả giun và sán, không thải phân bừa bãi, sử dụng nước sạch, ăn chín, uống chín, rửa tay sau khi đi vệ sinh và trước khi ăn... Khi rửa rau, rửa dưới vòi nước và nước đầy (trứng giun nặng, chìm xuống dưới thau), hạn chế ăn tái… Ngoài ra phải vệ sinh môi trường, quản lý phân trong chăn nuôi gia súc, bỏ thói quen bón phân tươi trong trồng trọt…

Bài, ảnh: H.HOA

Chia sẻ bài viết