09/04/2009 - 21:14

Nguy cơ mang tên: "Sâu răng"

• Bác sĩ Nguyễn Thanh Hòa
Phó Giám đốc Bệnh viện Mắt – Răng Hàm Mặt TP Cần Thơ

Sâu răng- một căn bệnh nghe thì hết sức đơn giản nhưng nếu không điều trị kịp thời, đúng cách thì không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe, mà còn ảnh hưởng đến thẩm mỹ, chất lượng cuộc sống… Nhiều nghiên cứu cho thấy, so với các vùng miền khác, miền Nam là vùng có tỷ lệ mắc bệnh “sâu răng” cao, chiếm trên 90% dân số. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến sâu răng. Có nguyên nhân khách quan như thổ nhưỡng, nhưng cũng có nguyên nhân chủ quan như thiếu kiến thức và ý thức bảo vệ răng miệng… Bài viết của bác sĩ Nguyễn Thanh Hòa, sẽ giúp bạn đọc có một cái nhìn đúng đắn hơn đối với việc chăm sóc sức khỏe răng miệng.

Học sinh được khám răng tại trường học.
Ảnh: B.Ngọc

Bệnh nhân L., 50 tuổi, ở huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang, nhập viện Bệnh viện Mắt- Răng Hàm Mặt TP Cần Thơ vào khoảng cuối tháng 12-2008, trong tình trạng răng R13 bị chấn thương hơn 5 năm. Răng sưng, viêm lan rãnh mũi má bên phải, da phủ đỏ, ấn căng đau, có mủ; rãnh hành lang vùng răng R13 bị lấp đầy, đau nhức. Răng R13 của bệnh nhân bị sâu mặt, đã được trám. Kết quả chụp X-quang cho thấy tủy hoại tử, răng R13 nhiễm trùng vùng chóp răng. Theo đánh giá của các bác sĩ, bệnh nhân đến bệnh viện khám và điều trị trễ. Các bác sĩ chỉ định chữa tủy R13, rạch áp xe rãnh mũi má bên phải, dẫn lưu thuốc theo phác đồ. Qua điều trị, vùng mũi, má của bệnh nhân sạch mủ; bệnh nhân được điều trị tủy, trám phục hồi và bảo tồn răng.

Có thể nói, đây là một trong nhiều trường hợp bệnh nhân hạn chế kiến thức về bệnh lý răng miệng nên không đến bệnh viện khám và điều trị sớm... Bệnh viện Mắt- Răng Hàm Mặt TP Cần Thơ thường tiếp nhận các ca nhập viện do răng sâu gây áp xe ngoài mặt phải, dẫn lưu thuốc rất khó khăn. Trong quá trình điều trị, bác sĩ phải rạch từ phía ngoài để lấy mủ nên ít nhiều để lại sẹo trên mặt. Mặt khác, sâu răng còn là một trong những nguyên nhân gây nên các bệnh: viêm họng, viêm tai...

Thông thường, mỗi người có 32 cái răng. Nếu 1 cái răng bị hư, nguy cơ lây lan sẽ nhân lên 32 lần, nếu không chữa trị kịp thời. Điều trị không đúng cách, tai biến do sâu răng sẽ nhiều hơn, bệnh lý nặng nề hơn và ảnh hưởng đến sức khỏe, như: sâu răng dẫn đến viêm tủy, làm tủy chết (hoại tử), tủy nhiễm trùng sẽ lan ra xung quanh ảnh hưởng đến xương, nhiễm trùng ở mặt... Đối với người lớn, răng hàm trên có thể bị nhiễm trùng lan lên phía trên, sưng lên đến mắt, đôi gò má, gây híp mắt lại. Răng hàm dưới nhiễm trùng, vùng dưới hạ hàm sẽ bị sưng, dạ lưỡi, lưỡi bị đẩy lên hạ cái, gây khó thở, nếu không điều trị kịp thời sẽ gây tử vong. Răng khôn mọc lệch cũng sẽ làm sưng vùng góc hàm. Do sưng- đau, bệnh nhân ngại há miệng nên dần dần bị khít miệng, chỉ còn 1 phần, gây khó khăn trong việc ăn uống, chăm sóc răng miệng... Đối với trẻ em, cơ thể vốn rất nhạy cảm với sự thay đổi, nếu răng có vấn đề sẽ gây ảnh hưởng đến các bộ phận khác, bởi răng liên quan đến họng, mũi. Trẻ bị sâu răng thường bị nhiễm trùng hạ họng, viêm họng, viêm mũi, tai chảy mủ... Giải quyết được bệnh về răng sẽ giải quyết được 3-4 bệnh liên quan khác.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến sâu răng, trong đó, một phần do thổ nhưỡng. Ở miền Bắc và miền Trung, trong nước có chất Flour- có lợi cho răng. Flour kết hợp với men răng tạo nên “thành trì vững chắc”- cứng hơn gấp 5 lần so với men răng bình thường- để bảo vệ răng nên vi trùng rất khó tấn công răng. Ở miền Nam, nồng độ Flour trong nước rất thấp. Vì vậy, dân miền Nam thường bị sâu răng. Để khắc phục, có thể cho thêm Flour vào nước máy để cải thiện tình trạng này.

Thói quen đánh răng cũng là yếu tố quan trọng để phòng chống sâu răng. Cần phải biết rằng, sau khi ăn 15 phút, nếu không đánh răng, thức ăn đọng lại ở kẽ răng lâu sẽ lên men, vi trùng có điều kiện tấn công vào mô răng. Xây dựng thói quen tốt đánh răng sau khi ăn sẽ góp phần hạn chế tình trạng sâu răng. Vì vậy, người lớn nên tập cho trẻ thói quen đánh răng ngay từ khi còn nhỏ. Khi lên 4- 5 tháng tuổi, trẻ bắt đầu mọc răng sữa. Ở giai đoạn này, nhiều phụ huynh ít quan tâm đến việc đánh răng cho trẻ, vì nghĩ rằng nên đợi trẻ lớn, mọc đầy đủ răng rồi hãy hay. Tuy nhiên, cần lưu ý, răng sữa được chăm sóc tốt thì răng vĩnh viễn sẽ tốt hơn nữa. Mặt khác, đánh răng cũng cần phải tập. Trẻ chưa thể tự đánh răng, thì phụ huynh phải đánh răng thay cho trẻ bằng cách dùng bàn chải riêng cắm vào ngón tay hoặc dùng miếng vải mùng chùi răng cho trẻ. Tốt nhất là phụ huynh đánh răng cho trẻ từ khi mọc răng đến khi trẻ học lớp 1 (6 tuổi). Như vậy, vừa giúp răng của trẻ sạch, có thể kiểm tra răng của trẻ thường xuyên và tập dần cho trẻ thói quen đánh răng.

Người Việt Nam chưa có thói quen khám răng định kỳ 3 hoặc 6 tháng mà thường chỉ đến nha sĩ khi bị đau răng và như vậy là đã muộn. Sâu răng do vi khuẩn đục qua 3 lớp: men- ngà- tủy răng; trong đó, tủy răng là trung tâm mạch máu thần kinh. Khi vi khuẩn mới tấn công men, bệnh nhân chưa đau, người bệnh khó phát hiện. Đến khi vi khuẩn tấn công đến lớp ngà, bệnh nhân mới thấy đau nhưng nhìn bên ngoài không có dấu hiệu, song bên trong răng đã bị “ăn” rỗng. Lúc này, nếu bệnh nhân ăn thức ăn cứng, răng sẽ dễ bị bể, gây đau.

Phương pháp tốt nhất để phòng sâu răng là chải răng theo từng bữa ăn hằng ngày. Đánh răng sẽ lấy sạch phần lớn thức ăn đọng lại ở răng rau khi ăn. Ở vùng kẽ răng, nên dùng chỉ nha khoa vừa dai, vừa dẹp để chải sạch răng. Ngoài ra, nên dùng dung dịch súc miệng hoặc dùng nước muối pha loãng súc miệng... Ngoài ra, nên tạo thói quen khám răng định kỳ chứ không nên chờ đến khi đau răng mới tìm đến bác sĩ. Khi bị đau răng, nên sớm đến các cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Tóm lại, “cái răng, cái tóc là gốc con người”. Răng đau sẽ gây khó chịu và nhiều rắc rối khác về sức khỏe. Răng giả dù là răng sứ hay răng vàng... cũng không bằng răng thật. Chính vì vậy, tốt nhất là nên tích cực đề phòng sâu răng.

Bích Ngọc (Ghi)

Chia sẻ bài viết