31/12/2015 - 21:12

Năm 2016, ra sức nâng cao sức cạnh tranh cho nền kinh tế

Năm 2015, dù phải đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức nhưng nền kinh tế đất nước tiếp tục phục hồi tốt và đạt mức tăng trưởng cao nhất trong 8 năm qua. Song, không được chủ quan, thỏa mãn vì còn nhiều khó khăn, hạn chế cần phải ra sức khắc phục. Đặc biệt, trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng và tình hình quốc tế biễn biến khó lường, đòi hỏi nước ta phải kịp thời nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý điều hành và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Đây cũng chính là vấn đề trọng tâm đặt ra tại Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương triển khai Nghị quyết của Quốc hội về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2016.

Hội nhập sâu, cạnh tranh gay gắt

Việt Nam đang hội nhập sâu rộng với kinh tế thế giới, bên cạnh những thuận lợi, cơ hội từ hội nhập, đất nước ta phải cạnh tranh trong nền kinh tế thị trường hết sức gay gắt và quyết liệt. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, năm 2016 và các năm tiếp theo, nước ta thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế sâu rộng, cạnh tranh trong cơ chế thị trường ngày càng gay gắt. Cộng đồng ASEAN hình thành vào cuối năm 2015 và hiện nước ta đã ký và vận hành hàng chục hiệp định thương mại tự do (FTA) với các nước và đối tác. Đến nay, nước ta đã có quan hệ thương mại tự do với 55 quốc gia. Xu thế toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế, cạnh tranh trong kinh tế thị trường, vừa hợp tác vừa cạnh tranh là xu hướng của thế giới mà Việt Nam không thể đứng ngoài được.

Thu hoạch cá tra phục vụ xuất khẩu tại quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ.

Theo Phó Thủ tướng - Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh, thời gian qua nước ta đã hết sức tích cực trong hội nhập quốc tế và đạt nhiều kết quả. Nhưng doanh nghiệp nước ta còn tâm lý dành sự quan tâm nhiều hơn đến các thị trường xa (như EU, Mỹ…), chưa có hiểu biết nhiều về Cộng đồng kinh tế ASEAN, trong khi các nước ASEAN rất quan tâm đến giao thương nội khối. Đây là vấn đề cần quan tâm khắc phục.

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cho rằng, giai đoạn hiện nay cạnh tranh trên thị trường xuất khẩu nhiều hơn trước, trong khi nước ta buộc phải đẩy mạnh xuất khẩu mới tạo điều kiện cho sản xuất phát triển trong điều kiện năng lực sản xuất nhiều loại hàng hóa trong nước còn rất lớn. Tới đây, hàng hóa từ các nước ASEAN và các nước có FTA với Việt Nam sẽ vào nước ta nhiều, sức ép cạnh tranh trên sân nhà cũng rất lớn. Bên cạnh việc nâng cao sức cạnh tranh cho doanh nghiệp, đòi hỏi cần phải nâng cao năng lực quản lý điều hành của các cơ quan hành chính nhà nước để đảm bảo xử lý kịp thời các vấn đề mới phát sinh. Kịp thời có các biện pháp tự vệ thương mại, chống bán phá giá… để bảo vệ thị trường trong nước. Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải dẫn chứng: Vừa qua, có nhiều loại hàng hóa trong nước sản xuất được, thậm chí dư thừa xuất khẩu, nhưng hàng hóa bên ngoài vẫn len lỏi vào thị trường nước ta rất lớn như sắt thép, phân bón... Với phân bón, ta có thể đáp ứng 80-90% nhu cầu thị trường nhưng hằng năm vẫn nhập khẩu 2,5 triệu tấn phân đạm. Rõ ràng ta phải có phương cách bảo vệ thị trường mạnh mẽ hơn. Nếu chậm xử lý để hàng hóa bên ngoài tràn ngập thị trường, đến khi quay lại xử lý thì thiệt hại rất lớn.Vừa rồi với thép lậu từ Trung Quốc, tất cả các nước Đông Nam Á đều phản đối rất mạnh mẽ, đưa ra giải pháp ngăn chặn mà vẫn không vi phạm cam kết hội nhập.

Không được chủ quan

Bước sang năm 2016, tình hình thế giới và khu vực dự báo tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường. Đó là những căng thẳng địa chính trị, xung đột khu vực, sự phục hồi chậm của kinh tế thế giới, sự suy giảm đà tăng trưởng ở một số nền kinh tế mới nổi, sự bất ổn định ở Biển Đông, biến động giá dầu, giá nông sản trên thế giới…Tình hình trên sẽ có những ảnh hưởng tiêu cực đến kinh tế nước ta, nhất là hoạt động xuất khẩu, thu ngân sách nhà nước và huy động vốn đầu tư phát triển. Đồng thời, những yếu kém về trình độ công nghệ, năng suất lao động thấp, khả năng cạnh tranh của nền kinh tế và doanh nghiệp trong nước sẽ là thách thức rất lớn trong điều kiện nhiều FTA được triển khai thực hiện. Ngoài ra, tình hình thời tiết, thiên tai và các loại dịch bệnh nguy hiểm trên người và cây trồng vật nuôi cũng đang có diễn biến phức tạp, đòi hỏi các cơ quan quản lý nhà nước và người dân cũng không được chủ quan mà phải quan tâm chủ động ứng phó.

Sản xuất hoa kiểng phục vụ Tết tại huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre.

Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát, năm 2016, vòng xoáy giảm giá của nhiều loại nông sản dự đoán còn tiếp diễn, có thể giá lúa gạo, giá tôm có cải thiện nhưng vẫn còn thấp. Trong khi đó, chúng ta đang phải đối mặt với hiện tượng thiên tai khốc liệt trong hàng chục năm qua là tình hình nắng hạn do ảnh hưởng của El Nino. Do vậy, các địa phương phải tập trung chuyển hướng phát triển sản xuất các loại nông sản đang có thị trường và chủ động ứng phó tình hình thiên tai, thời tiết khắc nghiệt. Quan tâm tổng rà soát nguồn nước, bám sát kịp thời các chỉ đạo của Trung ương, điều chỉnh cơ cấu, mùa vụ phù hợp hơn trong tình hình nắng hạn, thiếu nước. Đồng thời, để nâng cao sức cạnh tranh của các loại hàng nông sản trong nước, phải đặt công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm các sản phẩm nông nghiệp lên hàng đầu, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu trong năm 2016. Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng, cũng lưu ý: Trong điều kiện các thị trường tiêu thụ sản phẩm ngày càng đòi hỏi chất lượng cao và có nhiều cạnh tranh, muốn mở rộng được thị trường xuất khẩu, chúng ta cần hết sức quan tâm vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm. Bởi chỉ cần 1 vài lô hàng xuất khẩu bị trả về do phát hiện vi sinh hoặc dư lượng thuốc bảo vệ thực vật… sẽ ảnh hưởng đến uy tín hàng xuất khẩu nước ta ngay. Các địa phương phải tăng cường công tác kiểm tra, hướng dẫn doanh nghiệp, người dân thực hiện nghiêm các quy định và sản xuất theo các quy trình đảm bảo an toàn". Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, cho rằng: "Để nâng cao năng suất lao động, nước ta cần tập trung cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và có chiến lược tốt về đào tạo nguồn nhân lực, thu hút đầu tư để tạo điều kiện chuyển dịch cơ cấu lao động tại nông thôn và tăng cường ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất".

Để thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của đất nước trong thời gian tới, nhiều địa phương cũng đồng tình cho rằng, cần tập trung thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý điều hành nhà nước và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, của người dân và các loại hàng hóa trong nước. Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Võ Thành Thống kiến nghị, Chính phủ quan tâm tiếp tục đẩy mạnh thực hiện 3 đột phá trong Chiến lược phát triển kinh tế -xã hội 10 năm 2011-2020; Đề án tổng thể tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình phát triển theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của bộ máy quản lý nhà nước. Tăng cường phát triển các lĩnh vực văn hóa-xã hội, gắn phát triển kinh tế với tiến bộ xã hội, chú trọng giải quyết tốt hơn các vấn đề xã hội bức xúc và nâng cao chất lượng sống của nhân dân…

Đồng chí Võ Thành Thống, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, cho biết: "Dù tình hình còn nhiều khó khăn nhưng trong năm 2016 Cần Thơ vẫn quyết tâm đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế cao hơn năm trước, nhất là việc phấn đấu đạt giá trị kim ngạch xuất khẩu trên 1,65 tỉ USD. Thực hiện đạt chỉ tiêu này không chỉ đóng góp vào tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu chung của cả nước mà giúp nông dân tiêu thụ sản phẩm, góp phần tạo công ăn việc làm và nâng cao đời sống người dân vùng ĐBSCL". Nhằm tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế -xã hội của TP Cần Thơ và vùng ĐBSCL nói chung, TP Cần Thơ cũng kiến nghị Chính phủ và các bộ ngành Trung ương xem xét hỗ trợ thành phố sớm hoàn thiện các kết cấu hạ tầng, nhất là các tuyến giao thông thủy và bộ quan trọng như: tuyến cao tốc Trung Lương-Cần Thơ; tuyến vận tải thủy qua Kênh Quan Chánh Bố; bố trí vốn sửa chữa, nâng cấp dự án Ngã Năm Cầu Cần Thơ-Cảng Cái Cui, giai đoạn II thuộc tuyến Nam Sông Hậu ….

Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, vượt qua các khó khăn trong năm qua, nền kinh tế của nước ta chuyển biến tích cực, đạt kết quả quan trọng trên hầu hết các lĩnh vực, tạo tiền đề để phát triển mạnh hơn, vững chắc hơn trong những năm tới. Tuy nhiên, chúng ta không được chủ quan, thỏa mãn vì còn nhiều mặt khó khăn, hạn chế cần phải ra sức khắc phục. Chúng ta phải nỗ lực với tinh thần ra sức khắc phục khó khăn, phát huy những kết quả, những mặt tích cực, kinh nghiệm hay, cách làm tốt, nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý điều hành để thực hiện đạt mục tiêu, chỉ tiêu kế hoạch năm 2016 và các năm tiếp theo…

Bài, ảnh: KHÁNH TRUNG

Chia sẻ bài viết