17/02/2011 - 21:25

Mưa bão khắc nghiệt gắn liền với ấm nóng toàn cầu

Băng giá không còn là hiện tượng hiếm gặp. Ảnh: Guardian

Mưa bão, tuyết phủ trên thế giới ngày càng trở nên dữ dội và khắc nghiệt hơn. Hai nghiên cứu của các nhà khoa học Anh và Mỹ vừa đăng trên tạp chí Nature hôm 16-2 khẳng định đó chính là hậu quả không thể chối cãi của hiện tượng Trái đất ấm dần lên.

Phân tích các trận mưa tuyết tồi tệ nhất từ năm 1951 đến 1999 ở Bắc Bán cầu, các nhà nghiên cứu nhận thấy những trận mưa gần đây có lượng nước cao hơn các trận mưa trong quá khứ đến 7%. Số liệu này góp phần chứng minh hiệu ứng nhà kính là tác nhân khiến thời tiết trở nên khó chịu hơn. Theo các chuyên gia, thời điểm phân tích đã kết thúc năm 1999. Tuy nhiên, các trận mưa lũ lúc bấy giờ được cho không khác mấy với những trận mưa lũ, bão tuyết gây chết người ở Pakistan và nhiều bang của Mỹ trong năm qua. Cả hai nghiên cứu mới có điểm chung là cùng bác bỏ giả thuyết hiệu ứng nhà kính “vô tội”.

Nhiều năm trước đây, dựa vào những kiến thức về thời tiết và vật lý, các nhà khoa học trên thế giới từng đưa ra giả thuyết có mối liên hệ giữa sự khắc nghiệt của thời tiết với hiệu ứng nhà kính. Tuy nhiên, trong nghiên cứu lần này, với phương pháp khoa học nhất, các chuyên gia đã chỉ rõ thiên nhiên ngày càng khắc nghiệt chính là hậu quả nhãn tiền của tình trạng ấm nóng toàn cầu do con người gây ra.

Với các thông tin thu thập được về thời tiết trong giai đoạn 1951-1999, các nhà nghiên cứu đã dùng nhiều chương trình máy tính để phân tích lặp đi lặp lại. Họ giả thuyết các hiện tượng thời tiết có thể xảy ra khi không có yếu tố hiệu ứng nhà kính - gây ra do việc đốt nhiên liệu hóa thạch như xăng, dầu, than đá. Kết quả cho thấy chỉ khi có nhân tố này, những thay đổi đột biến về thời tiết mới diễn ra. Còn lại tất cả các yếu tố thiên nhiên khác không đủ để gây mưa bão lớn.

Ngoài ra, những nghiên cứu tương tự khác cho thấy hiệu ứng nhà kính ảnh hưởng đến hệ sinh thái qua rất nhiều cách khác nhau, chẳng hạn làm tăng nhiệt độ đất, mặt biển, lòng đại dương, không khí; gia tăng lượng mưa; làm băng tan, tuyết rơi, cháy rừng...

Hệ quả là mưa lũ khiến 2,3 triệu người trên thế giới thiệt mạng từ năm 1950, theo số liệu của Tổ chức Y tế Thế giới. Tại Anh và xứ Wales, mưa và lụt lội khiến nước này thiệt hại 1,7 tỉ USD và ngập lụt nhất trong vòng 230 năm trở lại đây. Nhiều nghiên cứu tương tự cũng đang được thực hiện nhằm kiểm tra xem các trận lũ ở Pakistan và Nga vừa qua có phải là hệ quả của hiệu ứng nhà kính hay không. Các chuyên gia cho rằng hai nghiên cứu lần này đã đưa ra nhiều căn cứ mạnh mẽ và thuyết phục nhất cho thấy con người đang hứng chịu hậu quả do chính mình gây ra.

BẢO TRÂM (Theo AP) 

Chia sẻ bài viết