01/10/2010 - 08:21

Một số di chứng, biến chứng của bệnh lao phổi phải điều trị bằng phẫu thuật

Bs PHẠM VĂN PHƯƠNG
Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ

Biến chứng và di chứng của bệnh lao phổi để lại hậu quả rất nặng nề cho người bệnh. Việc điều trị để khắc phục những hậu quả do bệnh lao để lại cũng gặp rất nhiều khó khăn.

Một bệnh nhân bị ổ cặn màng phổi được phẫu thuật mở cửa sổ màng phổi tại Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ. Ảnh: P.V.P

Bệnh lao phổi có thể gây ra biến chứng tràn khí hoặc tràn dịch màng phổi hoặc có thể gặp cả 2 biến chứng vừa nêu. Việc điều trị các biến chứng này không đúng cách sẽ dễ dẫn đến viêm mủ màng phổi. Viêm mủ màng phổi trên bệnh nhân lao phổi đang là một bệnh lý rất khó điều trị, vì vi trùng bội nhiễm gây mủ màng phổi gần như kháng thuốc hoàn toàn. Do đó, việc điều trị mủ màng phổi trong giai đoạn này rất khó khăn, dễ dẫn đến viêm mủ màng phổi mãn tính (gọi là ổ cặn màng phổi).

Ở bệnh nhân lao phổi, vi khuẩn lao có thể tấn công vào nhu mô phổi (chủ yếu là thùy trên) sẽ tạo thành những hoại tử bã đậu, sau khi điều trị ổn sẽ để lại những hang lao. Những hang lao này nếu nhỏ sẽ bị xơ hóa và biến mất, nhưng trường hợp nhu mô phổi tổn thương nhiều tạo thành những hang lớn thì rất khó bị xơ hóa và lấp đầy hang. Hang lao tồn tại lâu ngày có thể bị nấm tấn công, phát triển và tạo thành u nấm phổi. Bệnh lý này có thể dẫn đến tình trạng bệnh nhân khạc ra máu dai dẳng thường xuyên. Cũng có những trường hợp trong hang lao có những mạch máu treo lơ lửng có thể bị vỡ bất cứ lúc nào, nếu vỡ mạch máu lớn bệnh nhân có thể ho ra máu ồ ạt (gọi là ho máu sét đánh) dẫn đến tử vong nếu không cấp cứu kịp thời.

Đối với trường hợp ổ cặn màng phổi thì hầu hết cần phải can thiệp bằng phẫu thuật để bóc ổ cặn và làm cho phổi nở ra lấp đầy khoảng trống của khoang màng phổi. Tuy nhiên, có nhiều trường hợp màng phổi thành hóa bị dày lên nhiều, bóc tách lấy ổ cặn có thể bị chảy máu hay rách phổi hoặc có những trường hợp phổi bị xẹp lâu ngày, bị đông đặc không nở ra được nên phẫu thuật trong trường hợp này sẽ bị thất bại. Do đó, bác sĩ thường chọn giải pháp mở ổ cặn ra thành ngực còn gọi là mở cửa sổ màng phổi. Khi đó, bệnh nhân sẽ có một ổ trống trên lồng ngực. Để lấp đầy khoảng trống này cần phải mất từ 6 tháng đến 1 năm trong điều kiện dinh dưỡng đầy đủ. Bệnh nhân sẽ phải bị biến dạng lồng ngực, co rút về bên tổn thương kèm theo co vẹo cột sống.

Đối với những trường hợp di chứng của lao phổi như u nấm phổi hoặc ho máu sét đánh, bác sĩ thường chỉ định cắt bỏ hang lao. Nhưng trên bệnh nhân lao phổi thì màng phổi dày dính rất nhiều, việc cắt bỏ thùy phổi kèm theo hang lao gặp rất nhiều khó khăn, có thể gây chảy máu và nguy hiểm đến tính mạng. Vì vậy, để cứu sống những trường hợp này, bác sĩ phải phẫu thuật mở hang lao, cầm máu và để hở hang lao ra thành ngực. Sau 6 tháng đến 1 năm, mô hạt sẽ mọc đầy hang lao, tương tự như trường hợp ổ cặn màng phổi. Bệnh nhân cần được ăn uống đầy đủ dinh dưỡng để hồi phục.

Hiện nay, bệnh lao có thể chữa khỏi, hiệu quả điều trị tùy thuộc vào bác sĩ và sự hợp tác của bệnh nhân. Việc điều trị không đến nơi đến chốn, không tuân thủ đúng phác đồ điều trị có thể gây ra hiện tượng kháng thuốc, sinh nhiều biến chứng nguy hiểm khó xử lý. Để phòng tránh biến chứng, di chứng do bệnh lao phổi để lại, bệnh nhân lao cần được phát hiện sớm và điều trị đúng cách.

Chia sẻ bài viết