10/09/2014 - 15:56

Máu lưu trữ lâu sẽ không chất lượng?

Mặc dù ngân hàng máu rất quan trọng đối với công tác cứu người, song việc lưu trữ nó quá lâu dường như không tốt. Các nhà khoa học mới đây phát hiện máu được lưu trữ càng lâu, khả năng chúng đưa ôxy vào các mao mạch nhỏ xíu của cơ thể càng ít. Điều đó làm tăng lo ngại bệnh nhân được truyền máu có thể phát triển tình trạng cục máu đông hoặc nhiều biến chứng khác.

Cục Quản lý Dược và Thực phẩm Mỹ (FDA) cho biết thời hạn sử dụng của máu hiến tặng là 42 ngày. Tuy nhiên trong thời gian này, một vài thay đổi có thể xảy ra đối với các tế bào máu – đó là chúng có thể bị hư hỏng và trở nên vô dụng. "Kết quả của chúng tôi cho thấy một vài sự thật đáng kinh ngạc: Mặc dù bề ngoài máu trông có vẻ tốt, song chức năng của nó giảm dần theo thời gian" - Giáo sư Gabriel Popescu, trưởng nhóm nghiên cứu tại Đại học Illinois, cho biết.

Hình ảnh SLIM cho thấy lớp màng của tế bào máu trở nên kém mềm dẻo khi được lưu trữ quá lâu.

Popescu và các đồng nghiệp muốn đánh giá số lượng tế bào máu theo thời gian để xem điều gì đã thay đổi và điều gì vẫn giữ nguyên nhằm tìm hiểu tác động của máu cũ lên cơ thể bệnh nhân như thế nào. Họ đã sử dụng một kỹ thuật quang học đặc biệt gọi là kính hiển vi giao thoa ánh sáng không gian (SLIM). Phương pháp ra đời năm 2011 này sử dụng ánh sáng để đo khối lượng tế bào và cấu trúc liên kết ở cấp độ nano mà không xâm lấn tế bào. Nhờ sự cải tiến cả về phần mềm lẫn phần cứng, hệ thống SLIM ngày nay thu được hình ảnh nhanh hơn gần 100 lần so với cách đây 3 năm.

Các nhà nghiên cứu đã ghi lại hình ảnh của các tế bào máu qua một thời gian, đo đạc và lập biểu đồ về các đặc tính của chúng. Đặc biệt, họ có thể xác định cả những chuyển động ở cấp độ nano của màng tế bào, vốn biểu hiện độ cứng và chức năng của tế bào. Theo các chuyên gia, chuyển động của lớp màng càng yếu đồng nghĩa chức năng của tế bào càng thấp. Kết quả kiểm tra cho thấy trong khi nhiều đặc tính của tế bào hồng cầu (gồm hình dạng, khối lượng và thành phần hemoglobin) vẫn nguyên vẹn theo thời gian thì tính chất của màng tế bào lại thay đổi. Cụ thể là chúng trở nên cứng và ít đàn hồi. Điều này rất quan trọng bởi vì tế bào máu cần phải mềm dẻo và linh hoạt để có thể di chuyển trong các mao mạch bé xíu, cũng như phải đủ độ thấm để vận chuyển khí ôxy.

"Trong hệ thống vi tuần hoàn như trong não, tế bào cần nén chặt lại để mang ôxy đi qua các mao mạch rất hẹp" - nhà nghiên cứu Basanta Bhaduri nêu ví dụ. "Nếu chúng không đủ khả năng biến dạng, việc vận chuyển ôxy tới cơ quan nào đó bị cản trở và có thể phát sinh các vấn đề nghiêm trọng. Đây là lý do tại sao các tế bào hồng cầu mới được sản xuất liên tục bởi tủy xương và không có tế bào nào hơn 100 ngày tuổi tồn tại trong hệ tuần hoàn của chúng ta", ông giải thích thêm.

Các nhà nghiên cứu hy vọng rằng các phương pháp tạo hình ảnh SLIM sẽ được sử dụng để kiểm tra độ an toàn của máu được lưu trữ trong ngân hàng máu trước khi chúng được dùng cho bệnh nhân, đặc biệt là khi nó được lưu trữ trong một thời gian dài. Đồng tác giả nghiên cứu, Giáo sư Krishna Tangella, cho biết: "Dữ liệu về chức năng của các tế bào hồng cầu sẽ giúp các bác sĩ xác định khi nào cần truyền máu cho các bệnh nhân bị thiếu máu. Nghiên cứu này có thể giúp tối ưu hóa hoạt động truyền máu, không chỉ giảm chi phí chăm sóc y tế mà còn nâng cao chất lượng chăm sóc". Ngoài ra, SLIM cũng sẽ là công cụ hữu hiệu để giám sát chất lượng máu ở trong ngân hàng máu.

HOÀNG ĐIỂU
(Theo Science World Report, Science 2.0)

Chia sẻ bài viết