10/05/2020 - 09:50

Liên kết trong quản lý tài nguyên, môi trường 

Công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH) luôn đặt ra nhiều thách thức cho các địa phương. Tại TP Cần Thơ, lãnh đạo thành phố luôn quan tâm chỉ đạo công tác này và xem đây là nền tảng để phát triển Cần Thơ theo hướng bền vững. Ông Đào Anh Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Cần Thơ, đã có cuộc trao đổi với Báo Cần Thơ về vấn đề quản lý tài nguyên, môi trường.

* Ông nhận định như thế nào về công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với BĐKH tại TP Cần Thơ, thưa ông?

Ông Đào Anh Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Cần Thơ

- Hiệu quả trong công tác quản lý nhà nước về tài nguyên, môi trường rõ nhất là xây dựng, hoàn thiện hành lang pháp lý góp phần ổn định kinh tế - xã hội tại địa phương, như: quy định quản lý đất công; quy định phân công nhiệm vụ quản lý chất thải; chỉ thị tăng cường quản lý, xử lý chất thải rắn; quy định bộ tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án xử lý chất thải rắn công nghiệp thông thường… Công tác quản lý quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được triển khai thực hiện đồng bộ theo hướng nâng cao chất lượng và tính khả thi của phương án quy hoạch, làm rõ được những nội dung quy hoạch của từng cấp, từng ngành, tạo tính chủ động, linh hoạt trong xây dựng phát triển kinh tế - xã hội.

Việc quản lý, sử dụng đất bước đầu được đảm bảo đúng mục đích, phát huy được nguồn lực đất đai, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Công tác quản lý nhà nước về môi trường đi vào khuôn khổ; Nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt phát điện tại huyện Thới Lai hoạt động đã cơ bản giải quyết được lượng rác thải sinh hoạt của thành phố. Quản lý môi trường đô thị, khu công nghiệp, nông thôn được chú trọng theo chức năng, nhiệm vụ của từng sở ngành, lĩnh vực.  

Bên cạnh đó, hoạt động hợp tác quốc tế cũng mang lại nhiều nguồn lực. Cụ thể như: Ngân hàng Thế giới hỗ trợ thực hiện dự án Phát triển thành phố Cần Thơ và tăng cường khả năng thích ứng đô thị; Quỹ Rockefeller hỗ trợ thực hiện một số dự án về ứng phó với BĐKH tại thành phố; tổ chức CSIRO - Úc thực hiện dự án ứng phó BĐKH thông qua phát triển bền vững; phối hợp Viện Chiến lược môi trường toàn cầu hỗ trợ thực hiện xây dựng kịch bản thành phố các-bon thấp…

* Thưa ông, trong quá trình thực thi quản lý tài nguyên, môi trường trên địa bàn thành phố, có những khó khăn, vướng mắc gì?

- Cũng như các địa phương khác, công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó BĐKH của thành phố từng lúc, từng nơi vẫn còn lúng túng và chưa đạt kết quả cao như mong đợi. Việc kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật về đất đai được thực hiện quyết liệt nhưng vẫn còn một số hạn chế do lực lượng mỏng, công việc quá nhiều; công tác quản lý đất đai ở một số địa phương còn thiếu chặt chẽ, còn xảy ra tình trạng lấn chiếm đất công, tranh chấp đất đai, phân lô nền, hình thành khu dân cư tự phát.

Tài nguyên nước đối mặt với nhiều áp lực: suy giảm trữ lượng do các đập thủy điện ở thượng nguồn sông Mekong, nước thải sinh hoạt; chưa có liên kết vùng chặt chẽ giữa các địa phương lân cận trong việc quản lý khai thác cát. Chiều hướng ô nhiễm môi trường có nguy cơ gia tăng do tốc độ đô thị hóa, phát triển công nghiệp, hoạt động y tế, thương mại, dịch vụ… dẫn đến áp lực xử lý rác thải, nước thải gia tăng; tiến độ xây dựng hạ tầng kỹ thuật môi trường chưa theo kịp tốc độ công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Nguồn lực đầu tư cho thích ứng với BĐKH còn hạn chế. Các chính sách về ứng phó với BĐKH cơ bản đã phù hợp và đầy đủ, nhưng quá trình thực hiện còn lúng túng, bị động do BĐKH tác động sâu rộng đến tất cả các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội... 

* Vậy, nguyên nhân của những khó khăn, vướng mắc là gì, thưa ông?

- Thứ nhất là nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận người dân, doanh nghiệp còn hạn chế, chưa xem trọng bảo vệ tài nguyên và môi trường, chưa chủ động sáng kiến thích ứng BĐKH. Tiếp đến là khởi điểm nền tảng hạ tầng kỹ thuật về môi trường của thành phố ở giai đoạn tương đối thấp. Đến nay, một số khu công nghiệp đã đi vào hoạt động nhưng chưa hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật theo yêu cầu, tiến độ xây dựng nhiều dự án về bảo vệ môi trường còn chậm, chưa theo kịp sự phát triển. BĐKH diễn ra nhanh hơn so với dự báo, đặc biệt là nguy cơ xâm nhập mặn, sạt lở. Việc ứng phó với BĐKH đòi hỏi phải có sự đầu tư lớn nhưng nguồn kinh phí còn hạn chế.

Đô thị Cần Thơ.  

Ngoài ra, công tác phối hợp giữa các sở, ban, ngành còn thiếu chặt chẽ. Cơ chế chính sách xã hội hóa chưa đủ mạnh để huy động được sự tham gia của toàn xã hội, nhất là vai trò, trách nhiệm các doanh nghiệp trong quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó BĐKH. Chất lượng công tác dự báo và quy hoạch chưa theo kịp yêu cầu phát triển. Kết quả nghiên cứu khoa học về lĩnh vực bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học, BĐKH chưa đáp ứng đủ nhu cầu thực tế; kết quả chuyển giao công nghệ từ các nghiên cứu khoa học còn hạn chế.

* Thành phố có kế hoạch gì để giải quyết những khó khăn, vướng mắc trên, thưa ông?

- Thành ủy đã có Kế hoạch số 166-KH/TU ngày 7-10-2019, về thực hiện Kết luận số 56-KL/TW ngày 23-8-2019 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa XI về chủ động ứng phó với BĐKH, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường. Các Sở, ngành và các quận huyện cần thực hiện hiệu quả kế hoạch này. Triển khai một cách đồng hộ, lồng ghép nội dung này trong tất cả các ngành, lĩnh vực và các địa bàn.

Nghiên cứu áp dụng các giải pháp giải quyết xung đột giữa khai thác, sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với BĐKH với phát triển kinh tế - xã hội. Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm lĩnh vực đất đai, khai thác khoáng sản trái phép và hoạt động gây ô nhiễm môi trường. Phát huy tối đa vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội, đặc biệt vai trò của các doanh nghiệp, cộng đồng dân cư trong công tác giám sát, bảo vệ môi trường.

Song song đó, đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ. Đầu tư cho hạ tầng thủy lợi, hạ tầng kỹ thuật môi trường ở đô thị, nông thôn, khu công nghiệp để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, ứng phó với BĐKH và bảo vệ môi trường. Đầu tư nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo thiên tai, giám sát BĐKH, ô nhiễm môi trường. 

* Để đạt mục tiêu phát triển bền vững, theo ông, thành phố cần phối hợp như thế nào với các địa phương trong vùng ĐBSCL?

- Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 120 về phát triển bền vững vùng ĐBSCL thích ứng với BĐKH. Mỗi tỉnh, thành phố chắc chắn không thể hành động riêng lẽ mà phải “đồng tâm hiệp lực” để đạt được mục tiêu phát triển bền vững. Sau Hội nghị đánh giá 2 năm thực hiện Nghị quyết 120/NQ-CP, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 23/CT-TTg về đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết 120.

Chỉ thị 23/CT-TTg đã đưa ra các nhiệm vụ quan trọng, then chốt cho vùng ĐBSCL. Một số vấn đề cần chung tay thực hiện trong thời gian tới là: tiếp tục phối hợp chặt chẽ trong xây dựng thể chế điều phối vùng, liên kết và chủ động tham vấn giữa các tỉnh, thành phố trong hoạch định cơ chế, chính sách phát triển kinh tế - xã hội; đầu tư cơ sở hạ tầng, đặc biệt là kết nối sản xuất và tiêu thụ. Các tỉnh, thành phố trong vùng kinh tế trọng điểm ĐBSCL gồm: An Giang, Kiên Giang, Cà Mau và Cần Thơ phải thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa các hoạt động liên kết phối hợp toàn vùng trong giai đoạn tiếp theo cũng là đang tạo động lực để liên kết toàn vùng ĐBSCL.

Song song đó, các lĩnh vực trong đầu tư phát triển mang tính liên vùng như hệ thống hạ tầng kết nối liên tỉnh, liên vùng mang tính đồng bộ để tạo đột phá phát triển cho vùng. Liên kết chặt chẽ hơn nữa trong công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường nhất là tài nguyên nước, cát. Phối hợp trong thu hút các nguồn tài trợ quốc tế với những dự án về bảo vệ môi trường, thích ứng BĐKH, tạo sinh kế cho người dân của vùng.

* Xin cảm ơn ông!

Lê Thanh (thực hiện)

Chia sẻ bài viết