15/01/2014 - 10:45

Kỹ thuật tiêm insulin "từ xa" cho bệnh nhân tiểu đường

Kỹ thuật tiêm insulin từ xa hứa hẹn giúp bệnh nhân tiểu đường giảm bớt đau đớn trong tương lai.

Nhằm giúp các bệnh nhân tiểu đường bớt đau đớn do phải tiêm insulin mỗi ngày, các nhà nghiên cứu tại Đại học Bắc Carolina (Mỹ) đã phát triển phương pháp tiêm không xâm lấn mới. Đó là sử dụng 1 dụng cụ điều khiển từ xa có khả năng bắn sóng siêu âm qua da ở cánh tay, nơi cấy thiết bị chứa insulin để nó giải phóng hoóc-môn này vào máu.

Đầu tiên, phần mô ghép chứa lượng insuline đủ dùng trong 10 ngày (kích cỡ bằng 1 sim điện thoại di động) sẽ được cấy dưới da ở vùng bắp tay nhờ thủ thuật gây tê cục bộ. Khi bệnh nhân cần tiêm insulin, họ sẽ dùng một thiết bị giống như remote ti-vi hướng về bắp tay và bấm nút kích hoạt trong 30 giây. Sóng siêu âm do thiết bị phát ra sẽ tác động vào mô cấy chứa hàng nghìn phân tử nano bao bọc insulin, khiến chúng rung động và tách rời ra, giải phóng insulin vào máu. Khi bấm nút tắt, các phân tử nano trên bề mặt mô cấy sẽ khép lại để giữ chặt lượng insulin còn lại. Tuy kỹ thuật tiêm insulin bằng remote mới được thử nghiệm trên chuột, nhưng các chuyên gia nhận định nó có thể sớm giúp hàng ngàn bệnh nhân tiểu đường không còn phải chịu cảm giác đau đớn vì cảnh phải tiêm 4 mũi insulin/ngày.

Được biết, căn bệnh tiểu đường - đang ảnh hưởng hàng triệu người trên thế giới - xảy ra khi tuyến tụy giảm hoặc ngừng sản xuất insulin, hoóc-môn cần thiết để chuyển hóa dinh dưỡng thành năng lượng. Tình trạng thiếu hoóc-môn insulin có thể làm suy giảm chức năng của các cơ quan như thận, mắt, dây thần kinh, tim và các động mạch.

NGUYỆT CÁT (Theo Daily Mail)

 

Chia sẻ bài viết