17/04/2012 - 20:37

Kích cầu hàng Việt - Đòi hỏi tầm nhìn chiến lược

Tại các siêu thị ở TP Cần Thơ, hàng Việt chiếm tỷ lệ khoảng 80-90%.

Tìm đầu ra cho sản phẩm trong bối cảnh kinh tế suy thoái, khách hàng có xu hướng thắt chặt chi tiêu là vấn đề sống còn mà doanh nghiệp, đặc biệt là hệ thống siêu thị - kênh phân phối trực tiếp đang đối mặt. Khai thác thị trường nôi địa với những sản phẩm có nguồn gốc sản xuất trong nước được xem là giải pháp tối ưu trong chiến lược kinh doanh của các siêu thị ở TP Cần Thơ. Tuy nhiên, trên thực tế kích cầu hàng Việt còn lắm gian nan.

Sau khi Bộ Chính trị phát động cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, cùng với chương trình đưa hàng Việt về nông thôn đã góp phần đưa hàng Việt đến gần hơn với người tiêu dùng nội địa. Song song đó, giúp doanh nghiệp có cơ hội quảng bá sản phẩm trên thị trường, củng cố sân nhà và chiếm lĩnh thị trường nội trong cuộc cạnh tranh với hàng ngoại ngày một khốc liệt.

Ông Lê Văn Hừng, Phó Giám đốc Sở Công thương TP Cần Thơ, nhận định: “Ở TP Cần Thơ, tỷ lệ hàng Việt tại các siêu thị chiếm khoảng 80-90% tổng lượng hàng hóa. Trước đây, chất lượng sản phẩm luôn bị đánh giá là khâu yếu nhất làm hạn chế tính cạnh tranh của hàng Việt. Song, hiện nay hàng Việt đã cơ bản tháo gỡ nút thắt này và từng bước tạo dựng niềm tin đối với khách hàng. Bằng chứng là một số sản phẩm đã có chỗ đứng khá vững chắc tại các siêu thị và chợ truyền thống, nhiều sản phẩm đã xây dựng được thương hiệu và trở nên thân thiết đối với người tiêu dùng”. Các doanh nghiệp không ngừng nỗ lực cải thiện chất lượng sản phẩm, đưa ra các dòng sản phẩm đối với từng phân khúc thị trường cụ thể, đặc biệt là ưu tiên chiến lược cho thị trường nông thôn. Tuy nhiên, để hàng Việt tồn tại trong lòng người tiêu dùng cần có chiến lược và tầm nhìn dài hơn; đồng thời có sự phối hợp chặt chẽ giữa doanh nghiệp và các cơ quan chức năng trong thực hiện quảng bá hàng Việt.

Bà Trầm Thị Mỹ Hòa, Giám đốc Siêu thị Maximark Cần Thơ, cho biết: “Đối với hàng may mặc, dù chất lượng không thua kém hàng ngoại nhưng hàng Việt chậm cập nhật mẫu mã, màu sắc và chưa chú trọng phát triển những dòng sản phẩm thời trang dành cho nhiều lứa tuổi khác nhau. Các chủng loại hàng hóa cũng chưa đa dạng, nên người tiêu dùng không có nhiều sự lựa chọn”. Theo bà Hòa, các siêu thị đảm nhiệm vai trò nhà phân phối, nhưng doanh nghiệp phải luôn “làm mới” mình, nâng cao năng lực cạnh tranh để sản phẩm có thể trụ vững trên thị trường. Doanh nghiệp tập trung hoàn thiện sản phẩm, để kích cầu tiêu dùng hàng Việt, các siêu thị không chỉ tập trung phân phối ngay tại khu vực trung tâm thành phố mà còn mở rộng phạm vi cung ứng hàng hóa ra các quận, huyện thông qua hình thức bán hàng lưu động. Điều đó thể hiện siêu thị và doanh nghiệp đã tìm được hướng đi mới cho hàng Việt.

Là đơn vị đồng hành cùng chương trình “Đưa hàng Việt về nông thôn” do Trung tâm Xúc tiến Đầu tư - Thương mại - Du lịch phối hợp với Sở Công thương TP Cần Thơ tổ chức, ông Nguyễn Huy Cường, Giám đốc Siêu thị Vinatex Cần Thơ, chia sẻ: “Mặc dù các đợt bán hàng lưu động chỉ diễn ra trong thời gian ngắn nhưng đã góp phần thay đổi tư duy “sính ngoại” của người tiêu dùng. Khi đưa hàng Việt về nông thôn, chúng tôi gặp không ít khó khăn về chi phí vận chuyển, nhân lực, điểm bán hàng... Do đó, hàng hóa bán lưu động thường thuộc nhóm hàng thực phẩm công nghệ, hóa mỹ phẩm, đồ gia dụng... phù hợp với nhu cầu, thị hiếu của người dân địa phương”. Không chỉ vậy, Vinatex còn chú trọng mang các sản phẩm mới, sản phẩm có giá trị gia tăng cao để giới thiệu đến người tiêu dùng nông thôn. Lợi nhuận thu được không đáng kể nhưng bù lại, ông Cường cho rằng, siêu thị đang góp phần thay đổi thói quen tiêu dùng của nhóm đối tượng khách hàng này. Hiện Vinatex tập trung khuyến mãi thông qua hình thức tặng phẩm đi kèm để kích thích sức mua đối với hàng Việt.

Chủ trương đưa hàng Việt chiếm lĩnh thị trường nội địa rất đúng đắn, nhưng vấn đề còn lại là doanh nghiệp phải vạch ra kế hoạch bài bản và coi đây là mục tiêu dài hạn. Bên cạnh đó, sự trợ lực của Nhà nước thông qua các chính sách ưu đãi để doanh nghiệp tiếp cận vốn, đầu tư hiện đại hóa dây chuyền sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, tiết giảm tối đa chi phí đầu vào sẽ làm tăng khả năng cạnh tranh của hàng Việt so với hàng ngoại nhập. Theo ông Lê Văn Hừng, Phó Giám đốc Sở Công thương TP Cần Thơ, để các chương trình kích cầu hàng Việt của các siêu thị thực hiện đồng bộ hơn, rất cần có sự hỗ trợ từ các nhà cung cấp. Chỉ khi các nhà cung cấp giảm giá thành sản phẩm thì các nhà phân phối, các siêu thị, tiểu thương mới có thể giảm giá hàng hóa và tăng cường khuyến mãi tạo điều kiện để kích thích sức mua của người tiêu dùng.

Bài, ảnh: MỸ THANH

Chia sẻ bài viết