 |
Ông Mohamed ElBaradei (giữa) tham gia cuộc biểu tình hôm 25-11. Ảnh: AP |
Hôm qua lại là một ngày đầy căng thẳng ở Ai Cập khi Liên minh Thanh niên Cách mạng tuyên bố huy động một triệu người biểu tình tại Thủ đô Cairo để phản đối thủ tướng lâm thời Kamal al-Ganzuri vừa được quân đội chỉ định, nhân vật mà họ cho là “người còn sót lại của chế độ cũ” (ông al-Ganzuri từng là thủ tướng dưới thời Tổng thống bị lật đổ Hosni Mubarak). Sức nóng của ngày chống đối này được lan tỏa từ cái chết của một người biểu tình 19 tuổi do bị xe cảnh sát tông vào hôm 26-11 trước văn phòng chính phủ. Đây được coi là “cao trào” của hơn một tuần lễ bạo lực mà trong đó cảnh sát đã bắn đạn thật và sử dụng hơi cay giải tán đám đông quá khích làm tổng cộng 42 người chết và 3.000 người bị thương. Cuộc biểu tình này làm gia tăng sức ép lên Hội đồng Tối cao các lực lượng vũ trang (SCAF) ngay trước ngày diễn ra cuộc tổng tuyển cử dân chủ đầu tiên, bắt đầu vào hôm nay 28-11.
Ngoài ông ElBaradei và Mussa, các phe chống đối quân đội hiện nay còn ủng hộ những gương mặt đang có nhiều triển vọng như Abd El-Moneim Abu El-Fotouh (cựu thành viên Huynh đệ Hồi giáo), Hamdim El-Sabahi (thành viên đảng Karama), giáo sư luật Hossam Eisa, Hazem Abu Ismail của đảng Hồi giáo cấp tiến, nhà kinh tế Ahmed el-Naggar, nhà vật lý Mohamed Ghoneim và thẩm phán Zakaria Abd El-Aziz. |
Mặc dù cuộc tổng tuyển cử phức tạp và kéo dài đến tháng 1-2012 với sự tham gia của 6.000 ứng viên đại diện cho hơn 40 đảng phái gần như chắc chắn sẽ mang lại chiến thắng cho đảng Huynh đệ Hồi giáo, nhưng dư luận lo ngại sẽ xảy ra chuyện dàn xếp ứng viên và đảng phái, gian lận và mua phiếu bầu, đe dọa bạo lực. Mặt khác, người biểu tình tin rằng hạ viện 498 thành viên và thượng viện 270 ghế sẽ chẳng có quyền lực gì nếu SCAF vẫn can thiệp vào chính quyền chuyển tiếp. Vì thế, các nhóm biểu tình đã đề xuất một số kịch bản khác nhau. Kịch bản thứ nhất là thành lập “chính phủ cứu quốc” tạm quyền, trong đó có các nhân vật như cựu Tổng giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) Mohamed ElBaradei, cựu Tổng thư ký Liên đoàn A-rập (AL) Amr Mussa. Kịch bản thứ hai là thành lập một ủy ban cố vấn cho SCAF mà trong đó cũng phải có sự tham gia của hai ông này. Kịch bản thứ ba là thành lập chính phủ chuyển tiếp do ông ElBaradei lãnh đạo. Nhưng nếu quân đội chọn kịch bản thứ hai thì khó nhận được sự ủng hộ của đa số người dân và điều này có nguy cơ kéo dài thêm sự bất ổn.
Theo các nhà phân tích, kịch bản thứ ba là khả dĩ nhất, bởi ông ElBaradei sau cuộc gặp với các quan chức SCAF hôm 26-11 đã tuyên bố sẵn sàng từ bỏ tham vọng chạy đua vào chiếc ghế tổng thống (dự kiến diễn ra vào tháng 3 hoặc 4-2012) nếu được yêu cầu đứng ra thành lập chính phủ chuyển tiếp, thay thế quân đội giám sát tiến trình cải cách dân chủ của đất nước. Tuy nhiên, theo hãng tin Pháp AFP, dù bản thân ông ElBaradei được các phong trào dân chủ kính trọng nhưng đa số người dân Ai Cập không biết nhiều về ông do phần lớn sự nghiệp của ông đều ở nước ngoài, nhất là thời gian làm việc tại IAEA.
KIẾN HÒA (Tổng hợp)