25/07/2012 - 22:33

Phòng chống bệnh chổi rồng trên cây nhãn ở ĐBSCL

Không thể chần chờ

Theo Cục Bảo vệ Thực vật (BVTV) thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), đến cuối tháng 6-2012, có 7 tỉnh, thành khu vực ĐBSCL gồm: Tiền Giang, Vĩnh Long, Đồng Tháp, Trà Vinh, Cần Thơ, Sóc Trăng và Hậu Giang đã công bố dịch bệnh chổi rồng trên cây nhãn. Tuy nhiên, theo đánh giá của Cục BVTV, thời gian qua, công tác phòng chống dịch bệnh này ở nhiều địa phương trong vùng còn chậm. Vì vậy, phòng chống bệnh chổi rồng trên cây nhãn không thể chần chờ nữa!...

Nông dân Sóc Trăng cắt và gom cành, bông nhãn bị nhiễm bệnh chổi rồng ra khỏi vườn để xử lý. 

Kỹ sư Lâm Thị Thanh Tùng, Chi cục Phó Chi cục BVTV tỉnh Sóc Trăng, cho biết: Bệnh chổi rồng xuất hiện ở Sóc Trăng từ năm 2008 với tỷ lệ nhiễm rải rác và diện tích nhiễm bệnh ngày càng tăng dần. Tính đến tháng 9-2011, 3.094,97/3.305.38 ha nhãn của tỉnh công bố dịch; trong đó, diện tích nhiễm nhẹ chiếm 156,04 ha, nhiễm trung bình 572,42 ha và nhiễm nặng chiếm đến 2.366,51 ha. Kết quả nghiên cứu và thực hiện các mô hình thí điểm phòng trừ bệnh chổi rồng của Chi cục BVTV tỉnh Sóc Trăng từ năm 2009-2010, cho thấy, chính việc ít sử dụng phân hữu cơ bón cho cây nhãn cùng với việc xử lý nhãn ra hoa bằng Chlorate Kali là nguyên nhân làm cho nhiều vườn nhãn bị suy kiệt dinh dưỡng, tạo cơ hội cho bệnh phát triển mạnh. Vì vậy, Chi cục đã khuyến cáo nông dân nên đưa phân hữu cơ vào vào bón cho cây, kết hợp với phun chế phẩm sinh học Trichoderma vào gốc nhãn, cắt tỉa cành bị bệnh đến khi ra cơi đọt 3 thì bắt đầu xử lý ra hoa. Đặc biệt, trong quy trình xử lý nhãn ra hoa, nông dân không nên sử dụng chất Chlorate Kali, chỉ xử lý bằng cách khoanh gốc nhãn.

Tại các mô hình trình diễn ở Sóc Trăng, hiện nhãn đang ra cơi đọt 2 với tỷ lệ tái nhiễm bệnh chổi rồng chỉ 2-5% so với các vườn đối chứng có tỷ lệ nhiễm từ 5-10%. Tuy nhiên, theo đánh giá của Chi cục BVTV, phần lớn các mô hình do cắt tỉa quá sâu nên chủ vườn tiếp tục lấy cơi đọt 3, sau đó mới xử lý ra hoa. Ngoài các mô hình do Chi cục BVTV và các huyện thực hiện, các công ty thuốc BVTV như: Công ty Hóa nông Hợp Trí, Công ty Tam Nông... cùng tham gia hỗ trợ nông dân các xã Nhơn Mỹ, An Lạc Tây, thị trấn Kế Sách... thực hiện nhiều mô hình phòng trừ bệnh chổi rồng. Sau thời gian thực hiện, đến tháng 6-2012, diện tích nhiễm bệnh đã giảm xuống còn 1.720,43ha; trong đó chỉ có 80,06ha nhiễm nặng và 384,3ha nhiễm trung bình, còn lại là nhiễm nhẹ. Lý giải về nguyên nhân còn một số diện tích nhiễm chổi rồng, kỹ sư Lâm Thị Thanh Tùng cho rằng: “Vì muốn xử lý ra hoa riêng lẻ để bán được giá cao hơn, nên một số nhà vườn cắt tỉa, chùm hoa không đồng loạt. Mặt khác, việc vệ sinh vườn và tiêu hủy cành, chùm hoa bị nhiễm chổi rồng chưa tốt; việc chăm sóc, tưới nước, bón phân, phun thuốc trừ nhện chưa được nhà vườn quan tâm đúng mức...”.

Theo báo cáo của Cục BVTV, tính đến cuối tháng 6-2012, có 7 tỉnh, thành khu vực ĐBSCL gồm: Tiền Giang, Vĩnh Long, Đồng Tháp, Trà Vinh, Cần Thơ, Sóc Trăng và Hậu Giang đã công bố dịch bệnh chổi rồng trên cây nhãn với tổng diện tích nhiễm bệnh trên 26.000 ha; trong đó trên 20.000 ha bị nhiễm nặng. Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, từ tháng 9-2011 đến tháng 6-2012, các tỉnh, thành trên đã chủ động xây dựng kế hoạch phòng chống dịch bệnh trên phạm vi toàn tỉnh. Sau thời gian thực hiện, đến cuối tháng 6-2012, các địa phương đã tiến hành cắt tỉa cành bị bệnh được trên 10.000 ha và tiến hành phun xịt thuốc diệt trừ nhện lông nhung (đối tượng truyền virus gây bệnh chổi rồng) gần 7.500ha nên đã giúp 3.273ha nhãn phục hồi. Tuy nhiên, theo đánh giá của Cục BVTV, tiến độ triển khai thực hiện phòng chống dịch vừa qua còn chậm, do các địa phương chủ yếu trông chờ vào nguồn ngân sách hỗ trợ của Trung ương. Riêng một số ít địa phương như: Sóc Trăng, Trà Vinh và Tiền Giang nhờ chủ động, tích cực phòng chống dịch từ năm 2011 nên diện tích nhiễm bệnh đã giảm đáng kể, nhãn phát triển và ra bông bình thường trong mùa nhãn năm 2012.

Ông Kim Sê, Chi cục Trưởng Chi cục BVTV tỉnh Trà Vinh, băn khoăn: Việc chỉ định nhà thầu cung ứng thuốc trừ nhện là rất khó khăn vì trên thị trường hiện có đến 23 hoạt chất phòng trị nhện. Mặt khác, việc phun thuốc phải thực hiện đến 6 lần, trong khi thời gian còn lại của năm không nhiều sẽ khó khăn khi quyết toán. Ông Võ Văn Quốc, Chi cục trưởng Chi cục BVTV tỉnh Vĩnh Long lại có băn khoăn khác: Trong khi giá nhãn vẫn còn bấp bênh mà việc phân khai nguồn vốn lại chưa có hướng dẫn rõ ràng nên rất khó vận động nông dân thực hiện đồng loạt. Việc chỉ định thầu hay phải đấu thầu đến nay cũng chưa có chủ trương chính thức từ Bộ NN&PTNT. Theo ghi nhận của Chi cục BVTV tỉnh Vĩnh Long, bệnh chổi rồng đã bắt đầu có biểu hiện lây lan sang cây chôm chôm nên việc phòng trị tới đây sẽ khó khăn hơn. Vì vậy, ngoài việc áp dụng biện pháp hóa học, nên có thí điểm thêm bằng biện pháp sinh học như tỉnh Sóc Trăng đã làm. Theo đại diện ngành nông nghiệp tỉnh Hậu Giang, việc cấp kinh phí phải đi liền với thời vụ mới đảm bảo hiệu quả phòng trị và quyết toán với tài chính. Cán bộ phúc tra rất khó xử lý đối với một số trường hợp vườn nhãn trước đây bị bệnh, sau khi xử lý nay đã khỏi. Kinh phí chỉ cấp trên diện tích công bố dịch, trong khi thực tế sau công bố dịch diện tích nhiễm lại cao hơn...

Tại cuộc họp về công tác phòng chống bệnh chổi rồng trên cây nhãn vừa diễn ra ở Sóc Trăng, lãnh đạo ngành nông nghiệp các địa phương vùng ĐBSCL cũng đã trình bày những khó khăn trong quá trình phòng chống bệnh. Điển hình như: giá nhãn xuống thấp, chi phí cắt tỉa cao, thủ tục hỗ trợ sau công bố dịch còn nhiều vướng mắc… Chính việc triển khai chậm tại một số địa phương đã làm cho mầm bệnh có điều kiện lây lan, thời gian xử lý kéo dài làm trễ vụ nhãn năm 2012. Cục Trưởng Cục BVTV Nguyễn Xuân Hồng đánh giá cao sự chủ động, tích cực của tỉnh Sóc Trăng, Trà Vinh, Tiền Giang và đề nghị các địa phương đang có dịch cần thường xuyên trao đổi, học tập kinh nghiệm lẫn nhau vì chống dịch là không thể chần chờ. Các văn bản hướng dẫn đã khá cụ thể, ngành nông nghiệp các địa phương cần nghiên cứu kỹ để tham mưu tốt cho lãnh đạo UBND tỉnh, thành phố ban hành các văn bản chỉ đạo thực hiện. Cục Trưởng Cục BVTV Nguyễn Xuân Hồng nhấn mạnh: “Các địa phương phải chủ động, tích cực để triển khai thực hiện dứt điểm từ nay đến đầu tháng 8-2012, vì chính sách hỗ trợ đã rất rõ ràng. Cần giải thích cho người dân hiểu, đây là chính sách hỗ trợ phòng chống dịch chứ không phải hỗ trợ thiệt hại do thiên tai, dịch hại”.

Bài, ảnh: XUÂN TRƯỜNG

Chia sẻ bài viết