25/12/2011 - 09:16

Iraq bên bờ vực xung đột sắc tộc

Ngày 23-12, hàng ngàn người Iraq ở các thị trấn có đông người Hồi giáo dòng Sunni đã xuống đường biểu tình phản đối chính phủ do dòng Shiite chiếm ưu thế. Họ phản đối việc Phó Tổng thống Tariq al-Hashemi, người Sunni, bị truy bắt vì bị Thủ tướng Nouri al-Maliki cáo buộc điều hành “đội quân tử thần”. Diễn biến trên cùng với hàng loạt vụ nổ ngày hôm trước đang đẩy xứ sở ngàn lẻ một đêm tới bờ vực xung đột sắc tộc.

Bạo lực bùng phát trong cảnh đối đầu căng thẳng giữa Thủ tướng al-Maliki và Phó Tổng thống al-Hashemi (phải, ảnh nhỏ).  Ảnh. Reuters/AP 

Nhật báo Phố Wall của Mỹ ngày 24-12 cho biết Thủ tướng al-Maliki trong tuần này đã tìm cách bắt giữ Phó Tổng thống al-Hashemi vì tội đã tổ chức ám sát người Shiite, trong đó có các quan chức chính phủ. Hôm 22-12, ít nhất 72 người chết và 200 người bị thương trong loạt 16 vụ nổ bom ở Baghdad, chủ yếu ở các khu vực lân cận của người Shiite. Phủ nhận cáo buộc trên, ông al-Hashemi cho rằng thực chất Thủ tướng al-Maliki muốn “bủa lưới” tất cả các đối thủ chính trị và điều hành Iraq theo kiểu “độc diễn”. Với cảnh báo ông al-Maliki đang tìm cách kích động chia rẽ sắc tộc, nhiều tín đồ Sunni đã xuống đường ở các thị trấn Samarra, Ramadi, Baiji và Qaim, lên tiếng ủng hộ ông al-Hashemi và chỉ trích chính phủ. Ahmed al-Abbasi, người biểu tình ở Samarra, cho rằng: “Những tội danh chống ông al-Hashemi được dàn xếp trong những cuộc họp kín. Al-Maliki đang tìm cách tống khứ người Sunni khỏi các vị trí quyền lực, giống như một nhà độc tài mới ở Iraq”.

Trong khi đó, Thời báo New York của Mỹ cho biết Thủ tướng al-Maliki cũng đã giục các nghị sĩ Iraq phế truất cấp phó của mình là ông Saleh al-Mutlaq, người thường xuyên chống đối thủ tướng. Tuần rồi, Phó Thủ tướng al-Mutlaq đã gọi ông al-Maliki là “nhà độc tài lớn nhất từ trước tới nay”. Cuộc họp khẩn cấp của Quốc hội Iraq nhằm tranh luận về cuộc khủng hoảng cũng đã bị hủy bỏ hôm 23-12, khi nhiều bộ trưởng, nghị sĩ của phái Sunni đã dọa sẽ từ chức tập thể. Có 9 bộ trưởng người Sunni thuộc khối Iraqiya, vốn giữ 82/325 ghế ở Quốc hội Iraq, đã tuyên bố sẽ rút khỏi quốc hội vì Thủ tướng al-Maliki không giữ chữ tín trong việc sớm thành lập một chính phủ hợp tác chia sẻ quyền lực giữa các cộng đồng Sunni, Shiite và Kurd.

Các sự kiện trên cho thấy nguy cơ đổ vỡ liên minh cầm quyền ở Iraq và nhen nhóm bùng phát bạo lực sắc tộc, vốn từng đẩy nước này đến bờ vực nội chiến vài năm trước. Chính phủ Iraq do Mỹ bảo trợ tập hợp 3 phái gồm cộng đồng Shiite, người Sunni và người Kurd được thành lập vài tháng trước. Tuy nhiên, khối Iraqiya của người Sunni mà hai ông al-Hashemi và al-Mutlaq là đại diện của họ, đã tẩy chay quốc hội và cả nội các. Những khác biệt giữa khối Iraqiya với phái Shiite của Thủ tướng al-Maliki về Syrie có thể cũng góp phần làm leo thang xung đột trong chính quyền Iraq. Theo báo Bưu điện Washington (cũng của Mỹ), Iraqiya ủng hộ mạnh mẽ phe đối lập Syrie, trong khi ông al-Maliki từ chối cắt đứt quan hệ với chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad.

Vài tháng gần đây, các tỉnh Anbar, Salahuddin và Diyala đã vận động bầu cử thành lập chính quyền khu vực của riêng họ. Ông al-Maliki đã phản ứng cứng rắn, khi cho rằng phong trào này đe dọa gây bất ổn chính quyền trung ương. Điều này càng làm chia rẽ các cộng đồng ở các tỉnh và đào sâu thêm bất ổn chính trị ở Iraq ngay sau khi quân Mỹ rút về nước.

N. MINH (Theo WSJ, NYT)

Chia sẻ bài viết