02/06/2012 - 19:05

Học thuyết “máy bay không người lái” của Tổng thống Obama có phản tác dụng?

Tổng thống Obama là người quyết định cuối cùng đối với các chiến dịch không kích.
Ảnh: BBC

Mới đây, Mỹ đã tiết lộ chính Tổng thống Barack Obama là người quyết định các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái nhằm vào các nghi phạm khủng bố. Tuy nhiên, các nhà phân tích tự hỏi liệu học thuyết “máy bay không người lái” mà Tổng thống Obama đang theo đuổi có thật sự hiệu quả?

Tờ New York Times của Mỹ mới đây đề cập đến một cuộc họp thường kỳ của 100 cố vấn an ninh quốc gia nhằm quyết định những cái tên cần được đưa vào “danh sách tử”, tức mục tiêu cần được “trừ khử” bằng các chiến dịch máy bay không người lái. Một cố vấn an ninh đã tiết lộ cá nhân Tổng thống Obama là người đặt bút ký thông qua từng chiến dịch.

Từ trước đến nay, Tổng thống Obama luôn được biết đến là vị tổng thống “chuộng” giải pháp tấn công bằng máy bay không người lái. Ông tin rằng loại vũ khí này sẽ giúp tiêu diệt các kẻ thù của Mỹ với rủi ro thấp nhất cho người dân. Với tổng thống, những cuộc tấn công bằng máy bay không người lái được ví như những “dấu chân nhạt nhòa” so với “gót giày nặng trĩu” của những cuộc xâm lược và chiếm đóng. Ông chủ Nhà trắng cũng xem máy bay không người lái là giải pháp tối ưu để tránh các vấn đề về đạo đức và hiệu quả mà các chiến dịch quân sự của Mỹ thường mắc phải.

Song, các nhà phân tích không nghĩ như vậy. Nhiều ý kiến cho rằng máy bay không người lái chẳng khác gì “kẻ giết người” và thứ vũ khí này nên được xem là bất hợp pháp theo luật quốc tế. Một số khác thì cho rằng nó lại hoàn toàn phản tác dụng. Gregory Johnson thuộc Đại học Princeton (Mỹ), một chuyên gia về Yemen, khẳng định những cuộc tấn công tới tấp bằng máy bay không người lái của Tổng thống Obama đang vô tình khiến bọn khủng bố gia tăng sức mạnh.

Ông Johnson lấy ví dụ là năm 2009, thời điểm một kẻ đánh bom quần lót định cho nổ tung chiếc máy bay đi từ Yemen đến Mỹ. Ngày đó, lực lượng al-Qaeda tại nước này chỉ có khoảng 200-300 người và chưa chiếm được đất đai. Tuy nhiên, hiện nay, khi mà số đợt tấn công bằng máy bay không người lái của Mỹ đã tăng lên gấp 3, số thành viên của mạng lưới này đã tăng lên đến con số 1.000 và bọn khủng bố đã thâu tóm được nhiều vùng đất quan trọng.

“Mỹ càng dội bom, bọn khủng bố càng lớn mạnh”- Johnson nhận định. Đáng nói là, những đợt không kích ấy đã khiến nhiều người vô tội thiệt mạng và bọn khủng bố cũng lợi dụng điểm này để kêu gọi trả thù.

David Rhode, một phóng viên của tờ New York Times từng bị phiến quân Taliban bắt tại Pakistan, thì cho rằng các chiến dịch máy bay không người lái chẳng phải đơn giản và nhẹ nhàng như Lầu Năm Góc từng miêu tả. Ông kể lại thời điểm mình bị giam, ông đã trải nghiệm âm thanh dữ dội của một chiếc máy bay không người lái trên đầu và nó cho ông cảm giác sợ hãi và kinh hoàng.

Theo các chuyên gia, Tổng thống Obama đã sai lầm khi sử dụng máy bay không người lái một cách dồn dập. Họ cho rằng điều mà Washington cần làm là giảm đi tần suất sử dụng loại phương tiện này, thay vào đó là tăng cường các chính sách ngoại giao và tình báo cứng rắn trên mặt đất. Dù vậy, các chuyên gia dự đoán rằng đối với Nhà Trắng, các cuộc tấn công từ trên bầu trời dường như vẫn có sức hút hơn so với các cuộc tấn công trên bộ.

BẢO TRÂM (Theo BBC)

Tổng thống Obama là người quyết định cuối cùng đối với các chiến dịch không kích. Ảnh: BBC

Chia sẻ bài viết