27/07/2012 - 21:07

Học giả quốc tế chỉ trích Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông

Liên quan đến những căng thẳng xảy ra ở Biển Đông trong thời gian qua, nhiều học giả nổi tiếng trên thế giới đã đưa ra những bình luận, trong đó chỉ trích Trung Quốc đã có những hành động sai lầm làm gia tăng căng thẳng ở khu vực.

“Đường 9 đoạn có thể là cái gông lớn đeo vào cổ Trung Quốc”

Giáo sư Mahbubani phê phán đường 9 đoạn mà Trung Quốc tự vẽ ra để liếm cả Biển Đông. Ảnh: DESMOND FOO 

Trong bài viết có tựa đề “Có phải Trung Quốc đang thua về mặt ngoại giao?” đăng trên báo Strait Times số ra ngày 27-7, Hiệu trưởng Trường Chính sách công Lý Quang Diệu thuộc Đại học Quốc gia Singapore, Giáo sư Kishore Mahbubani, đã phê phán Trung Quốc “bắt đầu có những sai lầm nghiêm trọng”, thể hiện qua hội nghị ASEAN ở Campuchia. Theo ông, việc làm của Bắc Kinh đã làm nước này mất 20 năm gây dựng thiện chí với ASEAN khi gây áp lực lên nước chủ nhà khiến ASEAN lần đầu tiên trong lịch sử không thể thông qua được thông cáo chung.

“Chiến thắng của Trung Quốc (khi ngăn cản ASEAN ra tuyên bố chung về vấn đề Biển Đông) là một chiến thắng phải trả giá đắt. Đó là thiện chí mà Trung Quốc đã gây dựng 20 năm với ASEAN, kết quả của những nỗ lực như hiệp định mậu dịch tự do ASEAN-Trung Quốc ký kết vào tháng 11-2002”- Giáo sư Mahbubani, một trong những học giả danh tiếng về châu Á và thế giới, đã viết như thế.

Đáng chú ý, Giáo sư Mahbubani cho rằng việc Trung Quốc năm 2009 gửi Công hàm lên Liên Hiệp Quốc để đưa ra yêu sách đường 9 đoạn (đường lưỡi bò) là hành động không khôn ngoan vì Bắc Kinh sẽ gặp khó khăn trong việc biện hộ cho yêu sách của mình theo luật quốc tế. Theo Giáo sư Mahbubani, “đường 9 đoạn có thể là cái gông lớn đeo vào cổ Trung Quốc”.

Lo ngại nguy cơ xung đột bùng nổ

Căng thẳng ở Biển Đông cũng khiến cho giới phân tích quan ngại về nguy cơ gây ra những tác động có tính chất toàn cầu. Tiến sĩ Michael Wesley, Giám đốc Viện Chính sách Quốc tế Lowy ở Sydney (Úc) cho rằng những bất đồng về chủ quyền lãnh thổ tại Biển Đông leo thang đang khiến nhiều người e ngại nguy cơ một cuộc xung đột có thể bùng nổ trong khu vực. Ông nhận định là một khu vực trọng yếu cho hoạt động hàng hải quốc tế, Biển Đông chiếm đến 1/3 khối lượng hàng hóa chuyên chở bằng đường biển trên toàn thế giới, chính vì vậy cần phải nỗ lực hơn nữa để tìm ra một giải pháp thỏa hiệp cho cuộc khủng hoảng này.

Ông cho rằng ASEAN đang tiếp tục tìm kiếm những ý tưởng mới để giải quyết vụ tranh chấp này, đồng thời kêu gọi Úc cùng tham gia các nỗ lực để tìm ra một thỏa hiệp về vấn đề Biển Đông. Ông cho rằng Úc có những quyền lợi lớn ở Biển Đông vì khoảng 54% lượng giao dịch thương mại Úc đi qua khu vực này.

H.D (Theo Strait Times, TTXVN)

Chia sẻ bài viết