14/01/2011 - 10:06

Hiếm muộn ở quý ông

Xét nghiệm tinh trùng để tiến hành thụ tinh trong ống nghiệm.

Trước đây, do thiếu hiểu biết nên khi có trường hợp vợ chồng cưới nhau vài năm mà chưa có con thì một số người thường đổ lỗi cho người vợ. Ngày nay, khoa học phát triển đã “giải oan” cho phụ nữ, giúp tìm ra khá nhiều nguyên nhân gây hiếm đường con cái. Y học đã chứng minh, tỷ lệ hiếm muộn ở nam giới cũng tương đương với tỷ lệ này ở nữ giới.

* Tỷ lệ hiếm muộn ở nam giới khá cao

Anh P. H.V., 35 tuổi, ở quận Ô Môn lập gia đình năm 2007 đến nay chưa sinh con. Do cả 2 vợ chồng đều có vóc dáng cao lớn, khỏe mạnh nên vợ chồng anh V. chỉ nghĩ mình chậm con và không mấy lo lắng. Đợi mãi không thấy tin vui nên một số anh em trong gia đình anh V. khuyên vợ chồng anh đến Bệnh viện Từ Dũ để kiểm tra. Kết quả gây bất ngờ cho vợ chồng anh V. và gia đình: anh V. bị hiếm muộn do tinh trùng yếu. Chị T., vợ anh V., cho biết: “Vợ chồng tôi là nông dân, có cuộc sống bình thường, chồng tôi không nghiện rượu hay thuốc lá. Cả 2 không mắc bệnh tật gì, gia đình hai bên cũng không có ai hiếm con... thế mà... Vợ chồng tôi không hiểu vì sao lại như vậy?”.

Tương tự, vợ chồng chị D. T. (ở tỉnh Hậu Giang) cưới nhau 3 năm vẫn “chưa thấy gì”. Vợ chồng chị D. T. đều là công nhân viên chức, có cuộc sống bình thường. Khi kiểm tra sức khỏe sinh sản tại Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ, vợ chồng chị mới biết nguyên nhân muộn con là do anh. Muốn có con, vợ chồng chị D. T cần phải được hỗ trợ sinh sản bằng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm.

Hiện nay, Khoa Hiếm muộn, Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ, đang tiếp nhận hơn 3.200 cặp vợ chồng hiếm muộn, trong đó có khoảng 25% cặp vợ chồng hiếm muộn do tắt vòi trứng. Hiện bệnh viện chưa có thống kê cụ thể tỷ lệ hiếm muộn có nguyên nhân từ người chồng. Theo tỷ lệ chung của cả nước, hiếm muộn ở nam giới chiếm khoảng 40%, nữ khoảng 40%, và do cả 2 vợ chồng là 10%, chưa rõ nguyên nhân 10%. So với tổng dân số, tỷ lệ hiếm muộn chiếm 10%. Tùy theo bệnh trạng, các cặp vợ chồng hiếm muộn sẽ được bác sĩ áp dụng phương pháp hỗ trợ sinh sản phù hợp. Có 2 phương pháp hỗ trợ sinh sản cơ bản là bơm tinh trùng vào buồng tử cung và thụ tinh trong ống nghiệm. Bên cạnh đó, có rất nhiều kỹ thuật tiên tiến hỗ trợ cho 2 phương pháp này như: chọc hút tinh trứng, lấy tinh trùng từ mào tinh, giúp phôi thoát màng, trưởng thành trứng non trong ống nghiệm... Tỷ lệ thành công trung bình của phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm là 40%.

* Lối sống, nghề nghiệp tác động đến khả năng sinh sản

Theo bác sĩ Nguyễn Việt Quang, Khoa Hiếm muộn, Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ, có nhiều nguyên nhân dẫn đến hiếm muộn ở nam giới như: mắc bệnh quai bị có biến chứng lên tinh hoàn, viêm nhiễm làm tắc ống dẫn tinh, tổn thương tế bào sinh tinh, vô tinh, bệnh lý về nội tiết (tiểu đường, rối loạn cương dương...)... Trong đó, thường gặp nhất là tinh trùng yếu, vô tinh. Đa phần những trường hợp hiếm muộn do các bệnh về rối loạn nội tiết thường gặp ở người lớn tuổi. Những người nghiện rượu, thuốc lá cũng có nguy cơ hiếm muộn. Rượu, thuốc lá không là yếu tố trực tiếp gây hiếm muộn nhưng có thể dẫn đến các bệnh lý khác như cao huyết áp, tăng lượng mỡ trong máu... Các bệnh lý này ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản của nam giới.

Phân tích nguyên nhân dẫn đến các yếu tố gây hiếm muộn, ngoài những bệnh lý nguyên phát, hiếm muộn ở quý ông thường bắt nguồn từ lối sống không lành mạnh và môi trường làm việc. Lối sống không lành mạnh thường gặp như: quan hệ tình dục bừa bãi, không an toàn; nghiện rượu, thuốc lá, ma túy... Nghề nghiệp, môi trường làm việc có nhiệt độ cao, để laptop trên đùi, mặc quần quá chật... đều có thể ảnh hưởng đến khả năng sinh tinh, giảm chất lượng tinh trùng của nam giới.

Bác sĩ Nguyễn Việt Quang cũng cho biết thêm: “Trước đây, việc điều trị hiếm muộn ở nam giới rất khó khăn, nhưng từ khi phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm ra đời thì việc điều trị hiếm muộn ở nam giới cho kết quả khá tốt. Tùy theo tình trạng của bệnh nhân mà bác sĩ sẽ có hướng xử lý thích hợp. Đối với trường hợp hiếm muộn do tinh trùng yếu sẽ được điều trị bằng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm. Trường hợp vô tinh sẽ được thực hiện thêm một số kỹ thuật khác để xác định vô tinh do tắt ống dẫn tinh, tổn thương tế bào sinh tinh hay vô tinh thật sự... Những trường hợp vô tinh do có yếu tố nào đó tác động dẫn đến không xuất tinh được sẽ được điều trị bằng phương pháp chọc hút tinh để tiến hành thụ tinh trong ống nghiệm. Riêng trường hợp bản thân người nam không có tinh trùng (hiếm gặp) thì đành chịu... xin con nuôi”.

Để hạn chế các “rủi ro” gây hiếm muộn, các bác sĩ chuyên khoa hiếm muộn khuyến cáo nam giới nên từ bỏ hoặc hạn chế rượu, thuốc lá; tránh lối sống tĩnh tại, năng vận động để phòng các bệnh về nội tiết, tim mạch; không nên để laptop trên đùi; tạo không gian thoải mái cho “trung tâm sản xuất tinh binh”... Trường hợp phải làm trong điều kiện có nhiệt độ cao thì thỉnh thoảng nên đứng lên, đi lại tránh để “nơi ấy” bị bó chặt, kềm hãm quá lâu...

Bài, ảnh: S. KIM

Chia sẻ bài viết