21/03/2024 - 09:02

Giữ vững chất lượng tín dụng chính sách 

Đó là mục tiêu mà Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) TP Cần Thơ luôn tập trung thực hiện. Trong đó, đối với việc xây dựng xã, phường, thị trấn không nợ quá hạn (NQH), nổi bật vai trò của lãnh đạo địa phương và các hội, đoàn thể nhận ủy thác quan tâm hướng dẫn hộ dân tiếp cận, sử dụng hiệu quả vốn vay ưu đãi, tăng thu nhập.

Cán bộ PGD NHCSXH huyện Thới Lai và hội, đoàn thể xã Thới Thạnh tham quan vườn sầu riêng Ri6 của nông dân.

Ông Huỳnh Việt Tiến, Phó Giám đốc Phòng giao dịch (PGD) NHCSXH quận Cái Răng, cho biết: Đến cuối tháng 2-2024, dư nợ thông qua các hội, đoàn thể nhận ủy thác trên 413 tỉ đồng, với 7.511 hộ còn dư nợ; nợ NQH 421 triệu đồng, tỷ lệ 0,1%. Toàn quận có 164/168 tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV) xếp loại tốt, khá; 159/168 tổ TK&VV không NQH; 3 phường không NQH là Phú Thứ, Hưng Thạnh và Ba Láng.

Hướng dẫn khách tham quan 6 công vườn trồng các loại cây ăn trái: mít Thái, xoài Thái, xoài cát Hòa Lộc, dừa Malaysia, chuối xiêm… ông Phạm Văn Nhàn ở khu vực Phú Khánh, phường Phú Thứ, nói: “Tôi thu hoạch trái cây quanh năm, lợi nhuận dành để cất nhà, mua sắm vật tư, thiết bị để cải thiện điều kiện lao động... Tôi được vay 50 triệu đồng để thêm vốn phát triển sản xuất, tăng thu nhập. Hằng tháng, tôi hoàn trả vốn, lãi đúng hạn và tham gia gởi tiết kiệm”. Mỗi năm, ông Nhàn thu lợi nhuận từ vườn cây ăn trái bình quân trên 200 triệu đồng.

Ông Võ Minh Thiện, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND phường Phú Thứ, cho biết: “Hai năm 2022-2023, phường không có NQH. Dư nợ thông qua các hội, đoàn thể nhận ủy thác trên 97,7 tỉ đồng, với 1.853 hộ còn dư nợ. Toàn phường có 34/35 tổ TK&VV xếp loại tốt. Phường phối hợp giải ngân tốt nguồn vốn tín dụng, quan tâm đôn đốc hộ vay hoàn trả vốn, lãi theo quy định. Đồng thời, thường xuyên kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn để kịp thời phát hiện, chấn chỉnh sai sót, đảm bảo phát huy hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách, góp phần cải thiện và nâng cao đời sống người dân”.

Sau 6 năm canh tác 5 công sầu riêng Ri6, ông Từ Văn Thành ở ấp Thới Thuận, xã Thới Thạnh, huyện Thới Lai vừa bán 2 tấn trái đợt đầu tiên, giá 43.000 đồng/kg. Ông Thành đang ứng dụng kỹ thuật để sầu riêng ra trái nghịch mùa, sẽ thu hoạch tầm cuối tháng 3-2024. Ngoài ra, ông Thành đầu tư trồng 5 công sầu riêng Monthong được hơn 7 tháng. Ông Thành chia sẻ, khoảng 10 năm trước, ông trồng 10 công nhãn. Thời gian đầu thu hoạch ổn định, nhưng về sau nhãn liên tục rớt giá. Nhạy bén nắm bắt xu hướng thị trường, ông Thành mạnh dạn phá bỏ vườn nhãn, phụ thêm 50 triệu đồng vốn vay ưu đãi để cải tạo đất trồng sầu riêng, mua phân bón, lắp đặt hệ thống bơm tưới, giảm chi phí sản xuất, công lao động.

Theo ông Phạm Văn Kiệt, Giám đốc PGD NHCSXH huyện Thới Lai, đến cuối tháng 2-2024, dư nợ qua các hội, đoàn thể nhận ủy thác trên 519,5 tỉ đồng, với 14.172 hộ còn dư nợ; NQH 623 triệu đồng, tỷ lệ 0,12%. Toàn huyện có 305/311 tổ TK&VV xếp loại tốt, khá; 179/311 tổ TK&VV không NQH; 2 xã Thới Thạnh và Xuân Thắng không NQH.

Theo Chi nhánh NHCSXH thành phố, đến cuối tháng 2-2024, dư nợ ủy thác qua các hội, đoàn thể trên 4.124 tỉ đồng, với 94.346 khách hàng còn dư nợ. NQH 7,1 tỉ đồng, tỷ lệ 0,17%. Hầu hết hội, đoàn thể duy trì hiệu quả hoạt động ủy thác, tổ TK&VV. Hiện có 5 hội cấp huyện, 130 hội cấp xã không NQH. Toàn thành phố có 1.963/2.027 tổ TK&VV xếp loại tốt, khá; 1.705 tổ TK&VV không NQH.

Năm 2024, PGD NHCSXH các quận, huyện tích cực thu hồi nợ đến hạn và huy động các nguồn vốn, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn các chương trình tín dụng chính sách; phối hợp cấp ủy, chính quyền địa phương, tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác tăng cường kiểm tra, giám sát; chủ động phân tích, xử lý và nâng cao tỷ lệ thu hồi đối với các khoản nợ đến hạn; rà soát, xử lý các khoản nợ tồn đọng, nợ khoanh hết hạn, kịp thời lập hồ sơ xử lý nợ rủi ro. Chi nhánh phối hợp ngành Lao động - Thương binh và Xã hội, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng và nhân rộng các mô hình giảm nghèo, hướng dẫn cách làm ăn, chuyển giao khoa học kỹ thuật để giúp hộ nghèo, cận nghèo, các đối tượng chính sách sử dụng vốn đúng mục đích, hiệu quả, góp phần thoát nghèo bền vững. Đồng thời, tập trung đào tạo nghề phù hợp điều kiện địa phương, kết hợp đầu tư đủ vốn để người lao động phát triển sản xuất, kinh doanh nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng vốn vay và hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu. Chi nhánh tổ chức tập huấn, đào tạo nâng cao trình độ nghiệp vụ cán bộ ngân hàng, chủ tịch UBND cấp phường, xã, thị trấn và đội ngũ cán bộ hội, đoàn thể liên quan...

Bài, ảnh: ANH PHƯƠNG

Chia sẻ bài viết