02/04/2010 - 08:20

Gay cấn cuộc bầu cử Tổng thống Brazil

Bà Rousseff luôn “sát cánh” bên ông Lula.
Ảnh: Reuters

Cuộc đua vào chiếc ghế tổng thống Brazil đã được khởi động ngày 31-3 với việc hai ứng viên hàng đầu từ chức để đủ điều kiện ra tranh cử theo qui định của hiến pháp.

Hai ngày trước đó, Tổng thống Lula da Silva đã công bố một kế hoạch đầu tư cơ sở hạ tầng đầy tham vọng trị giá 660 tỉ euro trong 6 năm tới. Kế hoạch mang tên “Chương trình thúc đẩy tăng trưởng” (PAC) lần thứ hai này sẽ tập trung vào 6 lĩnh vực ưu tiên, trong đó đáng chú ý là lĩnh vực năng lượng sẽ nhận được 400 tỉ euro, nhà ở và các dịch vụ cấp - thoát nước 114 tỉ euro, giao thông 46,9 tỉ euro...

Ngay sau khi được công bố, Chánh văn phòng nội các Dilma Rousseff, người được ông Lula chọn làm người kế nhiệm, cho biết bà ủng hộ kế hoạch này như là chiến lược duy trì đà phát triển kinh tế từ nhiều năm qua và xây dựng một xã hội tương lai thịnh vượng hơn. Bà Rousseff năm nay 62 tuổi, từng là bộ trưởng năng lượng và hầm mỏ trong nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên của ông Lula. Bà được kỳ vọng sẽ trở thành nữ tổng thống đầu tiên của đất nước có nền kinh tế lớn nhất khu vực Mỹ La-tinh. Tuy nhiên, một cuộc thăm dò dư luận vừa được công bố ngày 27-3 cho thấy ứng viên của đảng Lao động cầm quyền đang bị đối thủ Jose Serra từ đảng Dân chủ Xã hội dẫn trước (bà nhận được 27% số phiếu ủng hộ so với 36% của ông Serra). Ông Serra, 68 tuổi, là thống đốc bang Sao Paulo, bang lớn nhất tại Brazil. Trước đây, ông từng là ngoại trưởng, bộ trưởng kế hoạch và bộ trưởng y tế.

Trở lại với kế hoạch của ông Lula, phe đối lập cho rằng đó là “chiêu” quảng cáo giúp đánh bóng hình ảnh của bà Rousseff trước ông Serra. Thực tế, bà Rousseff được coi là “kiến trúc sư” của “Chương trình thúc đẩy tăng trưởng” lần thứ nhất trị giá gần 100 tỉ euro bắt đầu từ nhiệm kỳ thứ hai (đầu năm 2007) của ông Lula. Chương trình này mặc dù đã tạo ra 5,5 triệu việc làm, nhưng theo số liệu thống kê chính thức, chỉ có 40% dự án công bố được triển khai và 11% trong số đó được hoàn thành. Vì vậy, phe đối lập cho rằng giai đoạn đầu của chương trình còn lâu mới kết thúc và chưa đánh giá được hiệu quả như thế nào, nên không thể đưa ra giai đoạn hai với số vốn đầu tư khổng lồ vào thời điểm hiện tại. Thế nhưng, một bộ phận không nhỏ dân chúng Brazil ủng hộ kế hoạch của ông Lula và bà Rousseff, xem đó là chiến lược nhằm đưa Brazil chuyển mình thành một cường quốc lớn, có tiếng nói quan trọng hơn trên trường quốc tế, nhất là trong bối cảnh đất nước vũ điệu samba quyến rũ này đang tất bật chuẩn bị tổ chức Cúp bóng đá thế giới 2014 và Olympic mùa hè 2016. Là nền kinh tế lớn thứ 10 thế giới và đứng thứ 5 về diện tích, dân số, Brazil đang nhắm tới chiếc ghế ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc một khi cơ quan này mở rộng.

Cùng với sự hậu thuẫn của Tổng thống Lula, người có ảnh hưởng rất lớn đối với cử tri Brazil, kế hoạch đầu tư vào cơ sở hạ tầng trị giá 660 tỉ euro hoàn toàn có thể giúp bà Rousseff lật ngược thế cờ trong cuộc bầu cử vào tháng 10 tới.

KIẾN HÒA (Tổng hợp từ THX, Bloomberg)

Chia sẻ bài viết