24/03/2015 - 09:34

Gánh nặng lao đa kháng thuốc và siêu kháng thuốc

Từ khi tìm ra thuốc chống lao, bệnh lao không còn là bệnh nan y mà là bệnh chữa được, tuy nhiên, vi khuẩn lao kháng thuốc và siêu kháng thuốc vẫn còn là vấn đề nan giải. Nhân Ngày Thế giới phòng, chống lao (24-3), phóng viên Báo Cần Thơ có cuộc trao đổi với bác sĩ Nguyễn Thị Thanh Nhàn, Giám đốc Bệnh viện Lao và Bệnh phổi TP Cần Thơ về vấn đề này như sau:

- Nhiều năm nay, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đưa ra khái niệm bệnh lao đa kháng thuốc MDR-TB (Multi Drug Resistance Tuberculosis) tức là vi khuẩn lao kháng hai loại thuốc lao thiết yếu là Isoniazide và Rifampicine. Bệnh lao này gặp nhiều ở bệnh nhân có nhiễm HIV. Theo điều tra tình hình kháng thuốc của vi khuẩn lao trên toàn quốc lần thứ 2 vào năm 2001-2002 cho thấy, 3% bệnh nhân lao mới phát hiện và 23,5% bệnh nhân lao cũ đã mắc bệnh lao đa kháng thuốc và theo điều tra tình hình kháng thuốc của vi khuẩn lao lần thứ 4 năm 2011, tình hình kháng thuốc của bệnh nhân lao phổi mới phát hiện là 4%. Bên cạnh gánh nặng lao đa kháng thuốc, vừa qua WHO báo động tình hình vi khuẩn lao siêu kháng thuốc XDR-TB (Extreme Drug Resistance Tuberculosis). Hiện nay, 63 tỉnh, thành trong cả nước có bệnh nhân lao siêu kháng thuốc.

 Thưa bác sĩ, hiện nay bệnh viện triển khai những kỹ thuật mới nào để chẩn đoán và điều trị bệnh nhân lao đa kháng thuốc ?

- Hiện tại, bệnh viện đã thực hiện kỹ thuật Gene Xper. Đây là kỹ thuật mới để chẩn đoán lao đa kháng thuốc, giúp thời gian chẩn đoán nhanh, với độ nhạy, độ chính xác rất cao, bệnh nhân được chẩn đoán và điều trị sớm…Bệnh nhân lao phổi điều trị thất bại hay tái phát phác đồ 1 hoặc phác đồ 2 được miễn phí xét nghiệm Gene Xpert (chi phí cho xét nghiệm này khoảng trên 2 triệu đồng do WHO tài trợ). Sau khi xác định bệnh, người bệnh mắc lao đa kháng thuốc phải được điều trị một chế độ đặc biệt. Những nguyên tắc điều trị bệnh lao đa kháng thuốc bao gồm: Giai đoạn tấn công (6 tháng) với 6 loại thuốc, mỗi tháng đều soi và cấy đàm. Giai đoạn duy trì (13-14 tháng) với 5 loại thuốc và cấy đàm 3 tháng một lần.

 Cán bộ Bệnh viện Lao và Bệnh phổi TP Cần Thơ vận hành hệ thống gene xper. Ảnh: H.Hoa

Ngoài TP Cần Thơ, bệnh viện đang quản lý điều trị bệnh nhân lao đa kháng thuốc cho 7 tỉnh ĐBSCL (An Giang, Kiên Giang, Vĩnh Long, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cà Mau). Tất cả bệnh nhân sau khi được chẩn đoán lao đa kháng thuốc được tư vấn quản lý điều trị tại các tỉnh và chuyển về Bệnh viện Lao và Bệnh phổi TP Cần Thơ quản lý và điều trị 2 tuần để theo dõi tác dụng phụ của thuốc kháng lao. Sau đó sẽ chuyển gởi bệnh nhân về tuyến tỉnh để được tiếp tục quản lý và điều trị tại địa phương.

 Khó khăn trong điều trị bệnh lao đa kháng thuốc và siêu kháng thuốc là gì?

- Đáng phấn khởi là bệnh nhân lao đa kháng thuốc được cấp thuốc miễn phí. Tuy nhiên, khó khăn hiện nay là các công thức điều trị hiện có cho bệnh nhân lao đa kháng thuốc chưa thật sự hiệu quả. Việc điều trị phải kéo dài ít nhất là 20 tháng với sự kết hợp rất nhiều loại thuốc chống lao hạng hai có độc tính cao. Trên toàn cầu, kết quả điều trị lô bệnh nhân năm 2010 cho thấy, tỷ lệ điều trị thành công của bệnh nhân lao đa kháng thuốc là 48%; tỷ lệ tử vong và bỏ trị lần lượt là 15% và 28% chủ yếu liên quan các tác dụng không mong muốn của thuốc. Bên cạnh đó, việc điều trị bệnh nhân siêu kháng thuốc khó khăn hơn so với điều trị bệnh nhân lao đa kháng thuốc với tỷ lệ thành công rất thấp. Trong số 200 bệnh nhân siêu kháng thuốc (XDR-TB) ở 14 quốc gia, tỷ lệ điều trị thành công chỉ khoảng 33% và có 26% bệnh nhân tử vong. Ở TP Cần Thơ, tỷ lệ điều trị thành công lao đa kháng thuốc gần 62% (chuyên môn gọi là tỷ lệ âm hóa), tỷ lệ thất bại điều trị là 26,7% và tử vong là 6,7%. Vì thế giải pháp ngăn chặn lao đa kháng thuốc là: phát hiện sớm và điều trị kịp thời cho tất cả bệnh nhân lao phổi mới; đồng thời bệnh nhân tuân thủ điều trị (uống thuốc phối hợp các thuốc kháng lao, uống thuốc đúng liều, đủ thời gian và bệnh nhân được điều trị 2 giai đoạn tấn công và củng cố có kiểm soát).

Năm 2015, được chỉ đạo của Bệnh viện Phổi Trung ương, Bệnh viện Lao và Bệnh phổi TP Cần Thơ là 1 trong 3 đơn vị (Hồ Chí Minh, Hà Nội, Cần Thơ) của cả nước được điều trị bệnh nhân tiền siêu kháng thuốc và bệnh nhân siêu kháng thuốc với thuốc mới là Bedaquiline. Đây là cơ hội tốt để TP Cần Thơ điều trị những bệnh nhân tiền siêu kháng thuốc và siêu kháng thuốc, góp phần thanh toán bệnh lao trong cộng đồng.

 Xin trân trọng cảm ơn!

H.HOA (Thực hiện)

Chia sẻ bài viết