25/09/2019 - 14:47

Đột phá mới giúp rút ngắn thời gian sàng lọc để truyền máu 

Sử dụng công nghệ laser, các nhà khoa học thuộc Đại học Monash (Úc) phối hợp công ty Haemokinesis đã phát triển thiết bị đầu tiên trên thế giới có thể làm ấm máu chỉ trong 40 giây. Tiến bộ này được kỳ vọng giúp tiết kiệm thời gian xét nghiệm máu và sàng lọc kháng thể, từ đó giảm nguy cơ phản ứng truyền máu và kịp thời phát hiện các kháng thể ở thai phụ có thể đe dọa thai nhi. 

Ảnh: Monash University

Hóa trị ung thư, chảy máu do chấn thương, sinh con hoặc các ca đại phẫu là trường hợp phổ biến cần truyền máu, gồm truyền máu toàn phần hoặc chỉ các chế phẩm được lọc ra từ máu hiến. Một trong những biến chứng có thể gặp trong quá trình này là máu người nhận và người hiến không phù hợp, dẫn đến phản ứng truyền máu. Vì vậy, công đoạn kiểm tra nhóm máu và sàng lọc kháng thể bất thường là hết sức quan trọng. Điều kiện sàng lọc kháng thể miễn dịch IgG (hình thành do phản ứng của cơ thể đáp ứng với kháng nguyên hồng cầu lạ sau truyền máu) là máu phải được ủ ấm ở 37°C trong thời gian không quá 15 phút. Hầu hết phương pháp xét nghiệm hiện nay phụ thuộc vào các quy trình nhiệt chậm, làm tăng chi phí và ảnh hưởng đáng kể cơ hội sống của bệnh nhân.

Qua nghiên cứu, Tiến sĩ Clare Manderson và các đồng sự đã khám phá vai trò của thời gian ủ và nhiệt độ giữa kháng thể và kháng nguyên D (Anti-D) của hệ thống nhóm máu Rh. Anti-D là kháng nguyên phổ biến trong huyết tương và gây ra hầu hết phản ứng tan máu ở thai nhi – hiện tượng xảy ra khi nhóm máu của mẹ và bé không tương thích. Thành quả của họ là máy ủ laser dựa trên cơ chế hấp thụ quang nhiệt (ảnh), có thể làm ấm kháng thể trong máu lên 37°C trong vòng 40 giây, nhanh hơn rất nhiều so với tiêu chuẩn "vàng" hiện nay là 5 phút. Quan trọng nhất là với thời gian ủ tối đa 15 phút, máy ủ laser không gây thiệt hại đáng kể đến các tế bào hoặc kháng thể.

ĐƯỜNG THẤT (Theo ANI)

Chia sẻ bài viết