03/09/2014 - 20:13

GẦN 30 NĂM CNH-HĐH Ở ĐBSCL

Đổi mới toàn diện nông nghiệp, nông thôn

* Thanh Long

Bài 4: Trục xoay liên kết cùng phát triển: Nhu cầu tất yếu!

Hơn lúc nào hết, bài toán quy mô sản xuất nông hộ nhỏ, lẻ của kinh tế nông hộ vùng ĐBSCL cần có lời giải thỏa đáng để nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp. Không chỉ vậy, vấn đề liên kết vùng nhằm phát huy lợi thế ngành hàng, lợi thế từng địa phương cũng đang là vấn đề bức thiết cần thực hiện trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa (CNH-HĐH) nông nghiệp, nông thôn vùng ĐBSCL.

* Phải nâng chất mối liên kết "4 nhà"

Những năm gần đây, mô hình cánh đồng lớn trong nông nghiệp đã và đang tỏ rõ là hướng đi phù hợp để đưa nền sản xuất nông nghiệp ở ĐBSCL và cả nước phát triển theo hướng sản xuất lớn, hiện đại. Bởi theo những nhà chuyên môn, mô hình này khắc phục được tình trạng sản xuất manh mún, nhỏ lẻ đang tồn tại khá phổ biến ở ĐBSCL. Qua đó góp phần nâng cao năng suất, nâng cao thu nhập cho người nông dân. Cánh đồng lớn cũng góp phần giải quyết bài toán về tích tụ ruộng đất, vốn sản xuất, tăng cường liên kết "4 nhà" và từng bước nâng cao năng lực quản lý, ứng dụng thành thạo tiến bộ khoa học công nghệ, năng lực tiếp cận thị trường… cho nông dân và doanh nghiệp. Nhiều đơn vị, doanh nghiệp đang đi đầu trong xây dựng cánh đồng lớn, liên kết "4 nhà", như: Công ty Cổ phần Bảo vệ thực vật An Giang (AGPPS), Công ty Võ Thị Thu Hà, Hợp tác xã thủy sản Thới An ở TP Cần Thơ; Hợp tác xã chăn nuôi bò sữa Evergrowth ở Sóc Trăng; HTX dịch vụ sản xuất nông nghiệp Tân Cường của tỉnh Đồng Tháp...

PGS. TS Nguyễn Phú Son, Khoa Kinh tế và Quản trị kinh doanh, Trường Đại học Cần Thơ, cho rằng: Đứng trên góc độ lợi ích xã hội, thông qua liên kết "4 nhà" sẽ giúp cho các địa phương thực hiện được một số tiêu chí trong 19 tiêu chí của Bộ Tiêu chí quốc gia về nông thôn mới, như: tiêu chí số 10 (thu nhập), số 11 (hộ nghèo), số 12 (cơ cấu lao động) và số 13 (hình thức tổ chức sản xuất). Sự ưu việt của liên kết "4 nhà", cánh đồng lớn đã và đang được thực tiễn chứng minh nên không cần bàn luận thêm về lợi ích của mô hình này mang lại. Thay vào đó, việc nhận ra điều gì kìm hãm sự phát triển của mô hình này để có thể đưa ra những đề xuất, nhân rộng những mô hình liên kết có hiệu quả, góp phần vào sự tăng trưởng chung cho "tam nông" là vấn đề cấp thiết. Theo đánh giá của nhiều chuyên gia trong lĩnh vực kết nối thị trường, lý do cơ bản dẫn đến mức độ thành công chưa cao của mô hình chính là giữa người sản xuất/chế biến và người mua chưa có nhu cầu thật sự và tính chia sẻ rủi ro giữa 2 bên còn hạn chế. Chính vì vậy, để phát triển nhân rộng mô hình liên kết "4 nhà", các bên tham gia liên kết cần tuân thủ nguyên tắc "liên kết dựa trên sự tự nguyện và đôi bên cùng có lợi".

Vấn đề này, GS.TS Võ –Tòng Xuân cho rằng: "Chúng ta không thể dừng lại ở khâu cánh đồng lớn như hiện nay vì thực chất đó chỉ là một mắt xích trong chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp. Chỉ lo phát triển cánh đồng lớn mà không tổ chức cả chuỗi giá trị thì nông dân tiếp tục chưa giàu". Điển hình như mô hình "Chuỗi sản xuất lúa gạo theo qui trình bền vững" thông qua mô hình cánh đồng lớn mà AGPPS đã và đang có những bước đi hiệu quả, chắc chắn. Ông Huỳnh Văn Thòn, Chủ tịch Hội đồng quản trị AGPPS, cho biết: Để giúp nông dân an tâm hơn trong quá trình sản xuất, giảm bớt nỗi lo về đầu ra cho hạt lúa và với triết lý kinh doanh "Góp phần chăm lo lợi ích cho xã hội ngày hôm nay chính là vì sự phát triển của công ty trong tương lai", "Cùng nông dân phát triển bền vững", AGPPS đã thực hiện chiến lược tham gia toàn bộ chuỗi giá trị, sản phẩm, dịch vụ trong lĩnh vực nông nghiệp. AGPPS đầu tư, phát triển vùng nguyên liệu lúa giống, lúa hàng hóa: quy hoạch sản xuất tập trung, quy mô lớn; ký hợp đồng Hợp tác sản xuất lúa hàng hóa với từng hộ nông dân; cung ứng vật tư nông nghiệp (giống xác nhận, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật) cho nông dân nợ không tính lãi 120 ngày; cán bộ "3 cùng" hướng dẫn, hỗ trợ kỹ thuật, quy trình canh tác từ khâu làm đất, xử lý giống đến quá trình thu hoạch… Nông dân tham gia mô hình với công ty được hướng dẫn ghi chép nhật ký đồng ruộng, lưu lại toàn bộ quá trình canh tác lúa từ khâu xử lý đất đến thu hoạch. Cách làm chủ động trong tiêu thụ lúa hàng hóa, giá bán và thời điểm bán khiến thay đổi vị thế của người nông dân. Nông dân cũng an tâm khi có dịch bệnh xảy ra: luôn có "3 cùng" cùng nông dân xử lý kịp thời, đảm bảo chất lượng lúa hàng hóa, tiết kiệm chi phí…Với việc tổ chức vùng nguyên liệu được kiểm soát từ giống đến chế biến nên gạo của AGPPS luôn có chất lượng cao, ổn định, độ thuần chủng cao (tối thiểu 90%). Đặc biệt, cuối năm 2013, AGPPS triển khai chương trình phát hành 2,48 triệu cổ phiếu giá ưu đãi cho nông dân vùng ĐBSCL. "Hình thức này giúp nông dân trở thành những người chủ sở hữu thực sự của công ty. Hoạt động của công ty gắn chặt với bà con nên chúng tôi rất muốn hỗ trợ họ nhiều hơn nữa", ông Huỳnh Văn Thòn, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty AGPPS nói.

Nhiều ý kiến cho rằng, phát triển nhiều năm qua trong mối liên kết "4 nhà", đến thời điểm hiện nay, có 3 nhà cần quan tâm. Đó là: công ty/doanh nghiệp thực sự có chịu và sẵn lòng "ngồi chung nhà" hay không? Nhà nước lo được tới đâu với các đòi hỏi của "phát triển bền vững nông nghiệp". Nhà khoa học luôn sẵn lòng tham gia các mục tiêu phát triển "tam nông". Vai trò của từng nhà trong mới liên kết đã không còn là vấn đề bàn cải nhiều mà vấn đề là họ thể hiện trách nhiệm như thế nào và tới đâu trong hiệu quả liên kết sản xuất. Phát triển, nhân rộng một cách có hiệu quả mô hình liên kết "4 nhà", cánh đồng lớn sẽ là cơ sở để các địa phương vùng ĐBSCL và cả nước đẩy nhanh tiến trình CNH-HĐH nông nghiệp, nông thôn và thực hiện thành công chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Nhận ra điều gì kìm hãm sự phát triển của liên kết "4 nhà" để đưa ra những đề xuất, nhân rộng mô hình là vấn đề cấp thiết hiện nay. Trong ảnh: Thu hoạch trên cánh đồng lớn ở huyện Thới Lai, TP Cần Thơ. Ảnh: T. LONG

* Liên kết vùng – vấn đề cấp bách

Liên kết vùng trong phát triển rất cần thiết để phát huy thế mạnh của từng địa phương. Nhưng, hiện nay, các địa phương trong vùng ĐBSCL chưa thật sự đặt lợi ích chung lên trên lợi ích cục bộ nên từ đó phát triển còn manh mún, thiếu sức cạnh tranh trong nước và khu vực. Ông Nguyễn Minh Nhị, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, thẳng thắn nhìn nhận: "Cách quản lý của ta hiện nay ở ĐBSCL là một địa bàn đặc trưng cây lúa và con cá như nhau có tới 13 ông lãnh đạo, quản lý. Mỗi tỉnh, thành như một quốc gia, có cảng biển, có phi trường… thì giá thành hàng hóa làm ra cao nhất ngưỡng. Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ nếu nâng cấp thành Ban quản lý kinh tế vùng cùng với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý theo kiểu ngành dọc thì mới giải quyết, khắc phục được tầng nấc, ngăn cách như hiện nay. Quản lý kinh tế vùng ĐBSCL là quản lý – liên kết không gian. Hạt gạo và con cá tra xuất khẩu chỉ có ở một vùng ĐBSCL chứ không phải ở 13 vùng (tỉnh). Như vậy, 2 thế mạnh của vùng ĐBSCL chỉ có một ông chủ, sẽ khắc phục được tình trạng manh mún, cạnh tranh tự hủy diệt nhau như lâu nay. Ngoài ra, các ngành kinh tế - kỹ thuật khác cũng giao cho một ông chủ này. Các tỉnh chỉ có vai trò phối hợp".

Theo ông Trần Hữu Hiệp, Vụ trưởng vụ Kinh tế, Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, kết quả quá trình phát triển sản xuất kinh doanh trong nhiều thập kỷ qua và những điều kiện tự nhiên của vùng ĐBSCL, có thể xác định một số sản phẩm mũi nhọn tạo điều kiện hình thành và phát triển một số cụm liên kết. Như: cụm liên kết lúa gạo, cụm liên kết thủy sản và cụm liên kết trái cây của vùng gắn với TP Hồ Chí Minh. Hình thành các cụm liên kết sẽ dễ dàng liên kết ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, chế biến và dịch vụ theo chuỗi giá trị sản phẩm. Việc xây dựng các cụm ngành sản phẩm chủ lực cần được thực hiện trên cơ sở nền tảng của liên kết vùng từ khâu quy hoạch, chỉ đạo thực hiện theo quy hoạch, sử dụng các nguồn lực đầu tư, ứng dụng tiến bộ khoa học từ khâu lai tạo, chọn giống, tổ chức sản xuất, chế biến và tiêu thụ lúa gạo, thủy sản trái cây; đồng thời phản hồi cơ chế, tổ chức và chính sách về liên kết vùng, liên kết "4 nhà" đến tạo môi trường đầu tư thuận lợi cho cả vùng.

Gần 30 năm đổi mới, trước những khó khăn, thách thức đã và đang đặt ra cho tiến trình CNH – HĐH nông nghiệp, nông thôn vùng ĐBSCL yêu cầu cấp thiết và mang tính tất yếu là phải tăng cường các mối quan hệ, liên kết vùng. Ông Nguyễn Phong Quang, Phó Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, cho rằng: Liên kết vùng ĐBSCL để cùng nhau đưa ra những chính sách, mục tiêu sản xuất nông nghiệp bền vững, nhằm đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của toàn vùng và cả nước. Liên kết vùng là là một trong những cơ sở quan trọng để tiến hành quá trình tái cơ cấu nền kinh tế nói chung và tái cơ cấu nông nghiệp vùng ĐBSCL nói riêng. Tạo được liên kết vùng vững chắc và thực chất sẽ nâng cao hiệu quả đầu tư, tránh tình trạng đầu tư dàn trải, lãng phí và sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các địa phương; hướng đến mục tiêu hiện đại hóa ngành sản xuất lúa gạo, thủy sản, cây ăn trái và xây dựng nông thôn mới, giúp hàng chục triệu nông dân ĐBSCL trở thành "doanh nhân nông nghiệp", vươn lên khá giàu bằng chính nghề nông.

Trước yêu cầu cấp thiết cần phải tăng cường liên kết vùng, Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, lãnh đạo 13 tỉnh, thành ĐBSCL đã cùng với Trường Đại học Cần Thơ, Viện Lúa ĐBSCL, Viện Cây ăn quả miền Nam xây dựng Đề án Liên kết vùng với sự tham gia "4 nhà" để hỗ trợ và phát triển nông nghiệp vùng ĐBSCL trong thời gian tới. Mục tiêu chung của Đề án là: Phát triển bền vững các ngành hàng nông nghiệp chủ lực ở ĐBSCL thông qua liên kết vùng với sự tham gia của " 4 nhà" (nhà nước - nhà khoa học - nhà doanh nghiệp - nhà nông), làm nền tảng khoa học và thực tiễn vững chắc phát triển cơ chế, tổ chức và chính sách cải tiến năng lực cạnh tranh của ngành nông nghiệp trong bối cảnh hội nhập quốc tế và ứng phó với biến đổi khí hậu, góp phần đảm bảo an ninh lương thực quốc gia và phát triển nông thôn vùng ĐBSCL bền vững. Theo ông Nguyễn Phong Quang, muốn xây dựng được cơ chế, chính sách trong liên kết vùng, yêu cầu đặt ra là các địa phương vùng ĐBSCL phải xuất phát trên tinh thần tự nguyện, nhận thấy lợi ích của việc liên kết, lấy lợi ích chung, lợi ích của toàn vùng để xác định mục tiêu liên kết. Trong đó, cần tập trung giải quyết tốt các vấn đề: đảm bảo an ninh quốc phòng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội bền vững, hạn chế ô nhiễm môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. Nếu không có sự liên kết thì không thể nâng cao năng lực cạnh tranh, không phát huy được lợi thế, tiềm năng của vùng, của từng địa phương, thậm chí còn triệt tiêu lợi thế của nhau. Liên kết vùng không chỉ nhằm phát huy lợi thế của từng địa phương trong vùng mà còn phát huy lợi thế quốc gia. Các nội dung liên kết, triển khai thực hiện cần có vai trò của Nhà nước, Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương, các địa phương trong vùng ĐBSCL và cả hệ thống chính trị vào cuộc.

(Còn tiếp)


Bài cuối: Phát triển nông nghiệp toàn diện - "chìa khóa của thành công"

Chia sẻ bài viết