16/01/2010 - 21:08

TP CẦN THƠ ĐẾN NĂM 2030

Đô thị hiện đại và đậm bản sắc sông nước Cửu Long

Mới đây, lãnh đạo TP Cần Thơ đã có buổi làm việc với Ban Chủ nhiệm Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng TP Cần Thơ đến năm 2030 (quy hoạch mới). Tại cuộc họp, trên cơ sở thẳng thắn nhìn nhận những hạn chế, thách thức trong Quy hoạch chung xây dựng TP Cần Thơ đến năm 2025 được phê duyệt năm 2006 (quy hoạch cũ), nhiều đại biểu cho rằng: Phát triển đô thị đến năm 2030, TP Cần Thơ phải là đô thị hiện đại, mang đậm bản sắc sông nước Cửu Long.

NHẬN DIỆN ĐIỂM YẾU TRONG QUY HOẠCH CŨ

Ngày 7-9-2006, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 207/2006/QĐ - TTg về phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng TP Cần Thơ đến năm 2025. Về Đồ án quy hoạch này, kiến trúc sư Ngô Quang Hùng, Giám đốc Phân viện Quy hoạch kiến trúc đô thị - nông thôn miền Nam thuộc Viện Kiến trúc, quy hoạch đô thị và nông thôn Bộ Xây dựng, nhận xét: Công tác dự báo còn ngắn hạn, đặc biệt là dự báo nhu cầu đầu tư quốc tế. Riêng về cấu trúc không gian trong quy hoạch cũ, các khu đô thị nhỏ, lẻ, phân tán bám dọc sông Hậu phá vỡ hệ sinh thái tự nhiên, có nguy cơ ảnh hưởng do biến đổi khí hậu; thiếu các đô thị lớn đáp ứng nhu cầu các nhà đầu tư lớn, tạo tính đột phá thể hiện ý tưởng, tầm nhìn lâu dài mang tính quốc tế. Bên cạnh đó, trong quy hoạch cũ, nhiều vấn đề khác như: định hướng hạ tầng kỹ thuật chưa đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững; thiếu loại hình giao thông công cộng; chưa đề cập đến việc đa dạng phương tiện giao thông công cộng... Vì thế, theo ông Hùng, còn nhiều tồn tại trong định hướng của quy hoạch cũ. Cụ thể như: Chưa khẳng định được vai trò TP Cần Thơ là đô thị tầm cỡ khu vực tiểu vùng sông Mê Công; thiếu mối liên kết của đô thị TP Cần Thơ với các đô thị trong vùng với bán kính ảnh hưởng 30-40km; chưa khai thác đặc trưng cảnh quan sông nước của thành phố. Mặt khác, trong quy hoạch cũ, có sự mất cân đối về phân bố khu đô thị (trọng tâm quá lệnh về phía Đông Nam), không đảm bảo bán kính ảnh hưởng đến khu vực phía Bắc. Không những thế, việc phân bố các khu công nghiệp tập trung cũng chưa phù hợp với mối quan hệ vùng...

Về đồ án quy hoạch cũ, Tiến sĩ - Kiến trúc sư Kely Sanon, Trường Đại học tổng hợp Kuluven, Vương quốc Bỉ, nhận định: Logic cơ bản của đồ án quy hoạch cũ tương đối có căn cứ. Tuy nhiên, tháng 8-2009, TP Cần Thơ chính thức trở thành đô thị loại I. Đặc biệt, TP Cần Thơ được xác định là một trong những thành phố sẽ chịu nhiều hậu quả của biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Đây là hai điều kiện mới làm thay đổi một cách cơ bản tình trạng của tính chất đô thị TP Cần Thơ trong tương lai. Trong khi đó, quy hoạch cũ dường như quá thiếu để thích ứng với tình trạng và thách thức mới. Mặt khác, theo định hướng phát triển, TP Cần Thơ đồng thời là một thành phố của các trường đại học và đào tạo, một thành phố của công nghiệp và chế biến (thủy sản), một thành phố hành chính và dịch vụ và là một trung tâm văn hóa. Theo Tiến sĩ - Kiến trúc sư Kely, thực tế, không thiếu vai trò trung tâm nào mà TP Cần Thơ có tiềm năng phát triển. Tuy nhiên, những gì còn thiếu trong đồ án quy hoạch cũ là một tầm nhìn rõ ràng và có tính khả thi để có thể khớp nối, tạo thành tính thống nhất của các thành phố vừa nêu trong tương lai...

Đến năm 2030, TP Cần Thơ hướng đến đô thị xanh, sạch, đẹp, hiện đại mang đậm bản sắc miệt vườn sông nước Cửu Long. Trong ảnh: Một góc đô thị TP Cần Thơ. 

Ngoài ra, để điều chỉnh đồ án quy hoạch cũ, theo Phân viện Quy hoạch kiến trúc đô thị - nông thôn miền Nam, còn nhiều khó khăn, thách thức. Đó là: TP Cần Thơ - thành phố trực thuộc trung ương, trung tâm của ĐBSCL - nhưng Cần Thơ vẫn chưa có “cổng chính” để đi ra khu vực và thế giới. Sản xuất công nghiệp và dịch vụ so với các đô thị phía Nam khác như TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu... quy mô còn khiêm tốn, tầm ảnh hưởng hạn chế. Trong khi đó, hạ tầng kỹ thuật đô thị của thành phố đầu tư thiếu đồng bộ và quá ít để hấp dẫn đối với các nhà đầu tư...

ĐỊNH HƯỚNG, Ý TƯỞNG ĐÔ THỊ MỚI

Ngày 18-2-2009, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 221/QĐ-TTg về phê duyệt Nhiệm vụ điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng TP Cần Thơ đến năm 2030 (quy hoạch mới). Theo đó, tính chất quy hoạch chung xây dựng TP Cần Thơ đến năm 2030: Là đô thị loại I trực thuộc trung ương, trung tâm công nghiệp, thương mại - dịch vụ, khoa học - công nghệ, y tế, giáo dục, đào tạo, văn hóa, thể thao vùng ĐBSCL; là đầu mối giao lưu quốc tế quan trọng của vùng ĐBSCL và quốc gia; là đô thị cửa ngõ của các tiểu đô thị vùng sông Mê Công...

Kiến trúc sư Ngô Quang Hùng, Giám đốc Phân viện Quy hoạch kiến trúc đô thị - nông thôn miền Nam, Chủ nhiệm đồ án quy hoạch mới, nhận định: TP Cần Thơ được xây dựng trên nguyên tắc tạo lập một điểm đến đẳng cấp thế giới, trong đó cân bằng giữa môi trường, xã hội và cơ hội phát triển dựa trên nguyên tắc chủ đạo là phát triển bền vững... Trong Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng TP Cần Thơ đến năm 2030, một số hạng mục được bổ sung như: Hình thành khu đô thị mới khoảng 20.000 ha với chức năng là trung tâm hành chính, trung tâm thương mại- tài chính quốc tế, trung tâm công nghệ sinh học, trung tâm nghiên cứu - đào tạo quốc gia... Đồ án quy hoạch mới, ngoài định hướng phát triển khung giao thông đối ngoại (đường hàng không, đường bộ cao tốc, đường sắt tốc độ cao), giao thông đô thị (chủ yếu là các tuyến đường trục sông Hậu, các trục ngang... còn có hệ thống giao thông công cộng như các tuyến xe buýt, các tuyến taxi; các bến xe khách; đặc biệt là các tuyến taxi thủy nối các điểm đô thị, các khu du lịch dọc sông Hậu, sông Cần Thơ, Ô Môn, Thốt Nốt...

Tổng quan về các vấn đề cần lưu ý trong xây dựng Đồ án Quy hoạch mới, Tiến sĩ - Kiến trúc sư Kely Sanon, Tư vấn thiết kế hỗ trợ kỹ thuật thuộc Trường Đại học tổng hợp Kuluven, Vương quốc Bỉ, cho rằng: Bản sắc của vùng ĐBSCL (trong đó có Cần Thơ) là đặc trưng địa lý sông nước với hệ thống sông ngòi, kênh rạch chằng chịt. Vì thế, TP Cần Thơ cần lưu ý điểm khác biệt của thành phố đối với các địa phương khác trong vùng. Thành phố phải tìm cách phát triển theo mô hình đô thị hóa sáng tạo; đồng thời thu hút đầu tư và tạo ra cân đối giữa kinh tế và sinh thái, đô thị và nông thôn, văn hóa và thiên nhiên một cách bền vững. Ngoài những thách thức đặt ra bởi sự phát triển đô thị và các yêu cầu hiện đại hóa, đồ án quy hoạch mới cũng cần phải nhanh chóng xác định những dự đoán hậu quả của sự biến đổi khí hậu...

Theo Tiến sĩ - Kiến trúc sư Kely, đồ án quy hoạch cũ Cần Thơ từ 2006 khởi đầu tầm nhìn của một thành phố dạng tuyến có tầm quan trọng của vùng. Sự phát triển trong tương lai của thành phố dự kiến là sự mở rộng của khu vực trung tâm bờ phía Nam sông Hậu. Tầm nhìn này thậm chí có thể được tăng cường hơn nữa và giữ một tiềm năng to lớn cho việc nâng cấp toàn diện thành phố. Tuy nhiên, để tầm nhìn này bền vững, điều cốt yếu là sự đô thị hóa dự kiến không phát triển tại một điểm đô thị hóa khổng lồ nằm cạnh sông, hỗn loạn, chung chung. Do đó, điều quan trọng là tăng cường phát triển của TP Cần Thơ theo hướng đại đô thị xanh lá cây và xanh dương. Có nghĩa, một đô thị với chất lượng cao, không gian đô thị nhỏ gọn thay thế bằng mặt nước hoặc với không gian màu xanh lá cây (sản xuất hoặc sinh thái) theo nhiều chiều. Trong đồ án quy hoạch mới, Tiến sĩ - Kiến trúc sư Kely, nhấn mạnh: Sông Hậu trực giao với nhiều con sông nhánh và số lượng lớn ốc đảo của hệ thống sông là các đại diện đặc trưng của thành phố sông nước. Sự gần gũi của vườn cây ăn trái quy mô nhỏ đến từ phía Nam trung tâm thành phố cung cấp sắc xanh mạnh mẽ cho Cần Thơ - một hình ảnh có thể được tăng cường cho cả vùng sâu nông thôn và khu vực đô thị... Ngoài ra, khu vực đô thị hiện hữu và các quận, huyện; khu công nghiệp và thể thao, sân bay... cũng là những yếu tố cần được xem là điểm độc đáo riêng biệt của cảnh quan đô thị và nông thôn Cần Thơ đáng được bảo vệ và tăng cường.

Bài, ảnh: Đông Triều

Chia sẻ bài viết