13/11/2014 - 20:55

Dinh dưỡng phòng ngừa bệnh đái tháo đường và các biến chứng

Quan tâm, hiểu biết về chế độ dinh dưỡng lành mạnh, phù hợp là điều rất cần thiết không chỉ đối với bệnh nhân đái tháo đường (ĐTĐ) để ngăn ngừa tiến triển bệnh nặng thêm mà còn giúp mỗi người duy trì sức khỏe, tránh những sai lầm, dẫn đến nguy cơ mắc bệnh ĐTĐ, nhất là bệnh ĐTĐ típ 2, căn bệnh phổ biến, mạn tính đang gia tăng nhanh...

* Hãy bắt đầu với bữa sáng lành mạnh

Năm nay, chủ đề Ngày Đái tháo đường thế giới (14-11) là “Hãy bắt đầu với bữa sáng lành mạnh!”. Thông điệp này lần nữa nhấn mạnh vai trò quan trọng của chế độ ăn uống hợp lý, lành mạnh, giúp giảm nguy cơ mắc bệnh ĐTĐ típ 2 và phòng tránh các biến chứng nguy hiểm cho bệnh nhân ĐTĐ. Hiệp hội ĐTĐ Thế giới (IDF) khuyến cáo, chế độ ăn uống lành mạnh gồm nhiều chất xơ: rau lá, trái cây tươi, ngũ cốc nguyên hạt, thịt nạc, cá và các loại hạt có thể giúp làm giảm nguy cơ mắc bệnh ĐTĐ típ 2, đồng thời ngăn ngừa các biến chứng ở người bệnh. IDF cảnh báo việc bỏ qua bữa sáng có thể dễ dẫn đến tăng cân, một trong những yếu tố nguy cơ chính gây bệnh ĐTĐ típ 2. Tuy nhiên, nhiều người không biết điều này, vẫn thường xuyên bỏ bữa sáng, nhất là những bạn trẻ quá bận rộn, thậm chí có người ngộ nhận sai lầm: nhịn ăn sáng để giảm cân…

 Chọn lựa thực phẩm rau xanh nhiều chất xơ cho chế độ ăn khỏe mạnh, phòng ngừa bệnh ĐTĐ.

Theo bác sĩ Lưu Ngọc Trân, Khoa Tim mạch - Lão học, Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ, khi bỏ bữa sáng, người ta thường có cảm giác nhanh đói, ăn ngon miệng và sẽ ăn nhiều, bù vào bữa trưa và tối. Trong khi đó, cơ thể ít hoạt động hơn, nguồn năng lượng cung cấp vào không tiêu hao mà tích trữ từ từ, dẫn đến tăng cân, béo phì. Hậu quả là tăng tình trạng đề kháng insuline, gây tăng đường huyết, dẫn đến ĐTĐ type 2. IDF ước tính khoảng 80% trường hợp ĐTĐ mới phát hiện liên quan thừa cân, béo phì.

* Nguyên tắc chế độ ăn

Theo các bác sĩ, chỉ cần chế độ ăn thích hợp cùng với việc tăng cường hoạt động thể lực đủ giúp bệnh nhân kiểm soát tốt glucose máu và phòng tránh nhiều biến chứng nguy hiểm. Bác sĩ Lưu Ngọc Trân cho biết: “Nguyên tắc chung trong khẩu phần ăn đối với người bệnh ĐTĐ típ 1 hay típ 2 phải tuân thủ chế độ ăn giảm lượng carbohydrate (tinh bột) có trong gạo, các loại hạt, lượng tối thiểu khoảng 130g/ngày; lượng tối đa không quá 60% tổng năng lượng trong ngày, để tránh đường huyết tăng cao sau mỗi bữa ăn. Bên cạnh đó, chế độ ăn cần giàu chất xơ, tối thiểu khoảng 14g/1.000 kcal/ngày, có nhiều trong các loại rau, củ và hạt. Nhu cầu chất đạm khoảng 1g/kg cân nặng/ngày (đối với bệnh nhân không bị suy thận), 100g thịt, cá có thể cung cấp từ 15-20g đạm. Trong khẩu phần đạm, ít nhất ăn cá 3 lần/tuần”. Đối với chất béo nên sử dụng dầu thực vật, hạn chế chất béo bão hòa (từ mỡ động vật) vì dễ gây xơ vữa động mạch ở người ĐTĐ; hạn chế các loại dầu ăn có nguồn gốc hóa học; không dùng lại dầu mỡ qua chiên xào nhiều lần. Người ĐTĐ có thể uống bia nhưng tối đa chỉ 1 lon/ngày, rượu đỏ khoảng 150-200ml/ngày. Nếu ngày đó uống nhiều, bệnh nhân phải giảm nguồn năng lượng chế độ ăn ngày hôm sau; khẩu phần ăn buổi trưa hoặc tối ít lại.

Hiệp hội ĐTĐ Hoa Kỳ nhấn mạnh rằng, không có chế độ ăn nào phù hợp cho tất cả bệnh nhân ĐTĐ. Mỗi người cần chế độ ăn riêng linh động, phù hợp với cân nặng, nghề nghiệp, thói quen, sở thích, tập quán văn hóa ăn uống từng địa phương, dân tộc. Vì vậy, bệnh nhân cần tham khảo hướng dẫn của các bác sĩ nội tiết, chuyên gia dinh dưỡng để được tư vấn, xây dựng chế độ ăn cụ thể, phù hợp với cân nặng, giới tính, tuổi tác, sở thích và nghề nghiệp.

* Một vài lưu ý

Bác sĩ Trân lưu ý, người bệnh ĐTĐ típ 2 không nên kiêng khem quá mức, cũng không nên ăn vượt quá, cần ăn đúng 3 bữa/ngày: sáng, trưa, chiều. Việc chia nhiều bữa ăn nhỏ thường áp dụng đối với bệnh nhân bị ĐTĐ típ 1, phải tiêm insuline. Còn đa số bệnh nhân ĐTĐ típ 2 ở người lớn tuổi có thừa cân, béo phì, nếu ăn nhiều bữa sẽ không kiểm soát được đường huyết. Bệnh nhân nên hạn chế ăn xế, ăn khuya (trừ trường hợp phải tiêm insuline buổi tối).

Bữa ăn sáng, bệnh nhân có thể dùng 1 chén cơm, 1 tô hủ tíu hoặc 1 tô mì; sau đó, có thể dùng gói cà phê hoặc uống ly sữa đậu nành không đường. Trưa và chiều tối dùng 1-1,5 chén cơm/bữa, thêm các loại thức ăn thịt, cá và tăng cường nhiều rau xanh. Trưa ăn xong, có thể dùng khoảng 100g trái cây (1/2 trái lê hoặc 1/2 trái táo, 1 trái chuối già, 1 quả ổi, 2 quả mận hoặc 4-5 quả chôm chôm, vải…). Một số bệnh nhân nghĩ rằng, trái cây ít đường nên ăn nhiều là không đúng, có những loại trái cây lượng đường cao như: dưa hấu, nho, nhãn, lựu, mít, chuối, mãng cầu hay những loại trái cây có nước nhiều thường làm tăng sự hấp thu đường vào máu nhanh hơn. Trái cây chỉ nên ăn vừa phải, trung bình khoảng 100g-200g/ngày, nên chọn loại ít nước như: táo, ổi, mận, ăn luôn vỏ để có chất xơ giúp làm chậm sự hấp thu đường vào máu. Tuyệt đối không ăn thay thế trái cây cho những loại thực phẩm khác và cũng không nên dùng trái cây chung với bữa ăn, như vậy sẽ không kiểm soát được lượng ăn vào. Bệnh nhân cũng nên tránh dùng những loại đường hấp thu nhanh như: nước ngọt, bánh kẹo, mạch nha, socola; các loại thức ăn chế biến ở nhiệt độ cao như thức ăn chiên giòn, thường tích tụ lại lượng dầu mỡ rất cao.

Nếu người bệnh có thói quen uống sữa buổi tối trước khi đi ngủ thì nên chuyển sang uống buổi sáng hoặc trưa (lưu ý giảm khẩu phần ăn những bữa sau). Các loại sữa có thể dùng là sữa không đường, sữa tách béo, sữa đậu nành, yaourt không đường hoặc sữa đặc biệt dành riêng cho người ĐTĐ.

Bài, ảnh: NGUYỆT HƯƠNG

Chia sẻ bài viết