30/06/2013 - 20:56

Để “vựa khóm” ĐBSCL phát huy giá trị

Việt Nam là một trong 10 quốc gia có sản lượng khóm cao trên thế giới (chủ yếu trồng ở ĐBSCL). Dù có sản lượng lớn nhưng do sản xuất theo tập quán cũ, sản phẩm chủ yếu tiêu thụ ở nội địa nên hiệu quả sản xuất còn thấp, chưa tương xứng với tiềm năng. Mới đây, tại diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp với chủ đề "Sản xuất và tiêu thụ khóm (dứa) an toàn" do Trung tâm Khuyến nông quốc gia phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Hậu Giang tổ chức, nhiều ý kiến cho rằng, để nâng cao giá trị trái khóm cần nhanh chóng cải tiến, đổi mới trong sản xuất, tiêu thụ khóm…

Sản xuất chưa bền vững

Hiện nay, đầu ra trái khóm tại ĐBSCL còn khá bấp bênh, sản phẩm chủ yếu mới tiêu thụ ở nội địa. 

Khóm là một loại quả nhiệt đới có giá trị dinh dưỡng, giá trị năng lượng cao và mùi vị rất hấp dẫn. Trên thế giới, khóm được xếp vào một trong những loại cây ăn trái quan trọng đứng hàng thứ 3 sau chuối và cây có múi, với sản lượng hiện đạt trên 21 triệu tấn/năm. Ở nước ta khóm được trồng từ Bắc đến Nam, trong đó tập trung nhiều ở các địa phương vùng ĐBSCL như: Long An, Kiên Giang, Tiền Giang, Hậu Giang, Cà Mau… với sản lượng chiếm 90% cả nước.

Vùng ĐBSCL có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển cây khóm nhưng do việc sản xuất và tiêu thụ sản phẩm còn gặp các khó khăn nên diện tích trồng khóm tại ĐBSCL có những thời điểm liên tục sụt giảm. Những năm gần đây, nhiều địa phương trong vùng quan tâm khuyến khích phát triển cây khóm, diện tích khóm đã tăng trở lại và ổn định khoảng 40.000ha. Tuy nhiên, sản xuất khóm tại ĐBSCL chưa bền vững, do chi phí sản xuất cao, đầu ra sản phẩm bấp bênh, chủ yếu tiêu thụ ở nội địa, xuất khẩu còn hạn chế. Bên cạnh đó, tập quán canh tác của nhiều nông dân còn lạc hậu, cơ giới hóa hạn chế, năng suất khóm thấp. Giống khóm bị thoái hóa, tình hình dịch bệnh trên khóm có xu hướng phát triển, việc hỗ trợ nông dân tăng cường ứng dụng khoa học và sản xuất theo quy trình VietGAP chưa được ngành chức năng quan tâm đúng mức, mối liên kết "4 nhà" trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm còn lỏng lẻo…

Theo Trung tâm Khuyến nông quốc gia, nước ta là một trong 10 quốc gia có sản lượng khóm cao trên thế giới nhưng không được xếp hạng trong nhóm các nước xuất khẩu do phẩm chất trái và công nghệ chế biến kém. Do nông dân sử dụng giống khóm không đồng nhất nên hiện còn phổ biến tình trạng trên cùng một ruộng khóm có nhiều dạng trái với kích cỡ khác nhau. Bên cạnh đó, việc tuyển chọn, quản lý nguồn cây giống chưa tốt, kỹ thuật canh tác và công nghệ sau thu hoạch còn hạn chế cũng ảnh hưởng lớn đến việc quản lý dịch bệnh, năng suất, chất lượng và giá thành sản xuất khóm.

Kết quả khảo sát của các ngành chức năng cùng với thực tế sản xuất gần đây của nhiều nông dân, doanh nghiệp trồng khóm tại ĐBSCL cho thấy, do các hạn chế về năng suất, chất lượng, giá bán sản phẩm và chi phí sản xuất đầu vào quá cao nên hiệu quả sản xuất mang lại từ cây khóm còn thấp. Hiện năng suất khóm tại nhiều địa phương ĐBSCL chỉ ở mức bình quân 15,8 tấn/ha, trong khi nhiều nước trên thế giới đã trồng khóm đạt năng suất từ 30-60 tấn/ha, thậm chí cao hơn.

Năng suất thấp, cộng với việc chưa chủ động phòng tránh các loại dịch hại, bón phân xịt thuốc chưa hợp lý và phải thuê nhân công giá cao vì khâu cơ giới hóa còn yếu đã đẩy chi phí đầu tư sản xuất khóm lên rất cao, với trên 60 triệu đồng/ha. Hiện nay, nông dân trồng khóm ở ĐBSCL có thể đạt lợi nhuận khoảng 15-25 triệu đồng/ha khóm nhưng mức lợi này là thấp so với nhiều loại cây trồng khác. Theo ông Dương Văn Thanh, Chủ doanh nghiệp tư nhân Dương Thanh ở xã Tân Tiến, TP Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang, ngoài hoạt động thu mua tiêu thụ khóm của nông dân, doanh nghiệp còn đầu tư trồng khoảng 100 ha khóm trong hệ thống đê bao khép kín, chủ động nước tưới tiêu. Có lợi thế về điều kiện sản xuất và tiêu thụ khóm, năng suất khóm lại đạt khá cao từ 20-25 tấn/ha/năm (ngoại trừ các vườn khóm mới cho trái lần đầu chỉ đạt 15 tấn/ha/năm) nhưng do chi phí sản xuất cao, doanh nghiệp chỉ đạt lợi nhuận khoảng 25 triệu đồng/ha, dù tổng thu hàng năm khoảng 87 triệu đồng/ha.

Sớm khắc phục những hạn chế

Hiện nay, nhu cầu tiêu thụ khóm ở thị trường nội địa khá lớn và nhiều nước trên thế giới có nhu cầu nhập khẩu khóm như: Pháp, Nhật, Mỹ, Ý, Tây Ban Nha, Anh và Canada…Theo Viện Cây ăn quả miền Nam, các vùng đất phèn ở ĐBSCL rất thích hợp để phát triển trồng khóm, nhất là giống khóm Queen có ưu điểm chịu phèn mà các loại cây ăn quả khác khó có thể thay thế được. Nhưng để phát triển ngành trồng khóm trên đất phèn vùng ĐBSCL cần có những biện pháp đầu tư cải tạo, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất để giúp khắc phục các hạn chế về năng suất, chất lượng sản phẩm. Từng bước hướng đến hình thành các vùng khóm chuyên canh hàng hóa cho năng suất cao, đạt chất lượng tốt và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm để phục vụ cho thị trường ăn tươi và làm nguyên liệu chế biến cung cấp cho thị trường trong nước và xuất khẩu.

Tiến sĩ Nguyễn Trịnh Nhất Hằng, Viện Cây ăn quả miền Nam, phân tích: "Có nhiều nguyên nhân khiến năng suất, chất lượng khóm của ta còn thấp mà nhà vườn cần phải quan tâm khắc phục ngay. Chẳng hạn, việc nhà vườn chưa chú ý chọn giống tốt, quy trình canh tác chưa phù hợp từ khâu lên liếp, đến bố trí mật độ trồng cây chưa đúng quy cách và có thời gian lưu vụ khá lâu (trên 6 năm), liều lượng và thời gian bón phân, xịt thuốc chưa hợp lý, đặc biệt nông dân còn bón phân, xịt thuốc lúc sắp thu hoạch… Ngoài ra, khi thu hoạch trái nhà vườn thường ném trái xuống kênh mương cho tiện vớt lên ghe chở đi tiêu thụ, điều này cũng ảnh hưởng đến chất lượng khóm". Theo tiến sĩ Nguyễn Trịnh Nhất Hằng, các kết quả nghiên cứu gần đây của Viện Cây ăn quả miền Nam cho thấy, việc chọn giống tốt và bố trí mật độ trồng cây hợp lý sẽ giúp tăng năng suất rất nhiều. Ở những nước có ngành trồng khóm phát triển như: Thái Lan, Philippines, Malaysia, vùng Hawaii khóm Cayenne được trồng với mật độ dày 50-60 nghìn cây/ha và có chừa lối đi, vì thế năng suất rất cao, trong khi mật độ trồng khóm ở nước ta còn thấp, chỉ 35-40 nghìn cây/ha từ đó năng suất cũng bị giới hạn. Phó Giáo sư, tiến sĩ Lê Văn Bé, Bộ môn Sinh Lý Hóa, Khoa Nông nghiệp và Sinh học ứng dụng, Đại học Cần Thơ cho rằng, để tăng năng suất, chất lượng và giảm giá thành sản xuất cũng rất cần phải quản lý tốt các loại dịch hại, chủ động phòng tránh các loại bệnh khó trị do virus gây ra như bệnh héo khô đầu lá bằng cách sử dụng nguồn cây giống cấy mô sạch bệnh.

Hậu Giang là một trong những địa phương trồng nhiều khóm ở ĐBSCL, trong đó khóm Cầu Đúc thuộc giống Queen từ lâu đã nổi tiếng nhờ chất lượng, hương vị thơm ngon. Trước năm 1990, diện tích khóm Cầu Đúc lên tới 7.000 ha nhưng hiện nay chỉ còn 1.680ha, đồng thời cả năng suất và sản lượng cũng giảm do cây bị nhiễm bệnh héo khô đầu lá và bà con còn ít quan tâm đầu tư cải tạo vườn khóm. Ông Lê Văn Đời, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hậu Giang cho biết: "Để phục hồi, phát triển cây khóm, Hậu Giang không chỉ quan tâm giúp nông dân các vùng trồng khóm trong tỉnh đầu tư cải thiện kỹ thuật trồng, phục tráng giống để triển vùng chuyên canh cây khóm Queen sạch bệnh mà còn tiến hành hỗ trợ nông dân xây dựng và quảng bá thương hiệu, phát triển sản xuất khóm theo tiêu chuẩn VietGAP… Hiện khóm được tỉnh xác định là một trong bốn cây trồng chính, sau cây lúa, mía và cây ăn quả. Tỉnh đang từng bước đầu tư, hoàn thiện vùng chuyên canh cây khóm tập trung, ổn định với diện tích 2.000ha, trong đó TP Vị Thanh 1.400 ha và huyện Long Mỹ 600ha".

Phát biểu tại diễn đàn, Phó giáo sư, tiến sĩ Mai Thành Phụng, Trưởng Bộ phận Thường trực phía Nam, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, nhấn mạnh, để nâng cao hiệu quả sản xuất khóm, nông dân cần phải có sự đổi mới, cải tiến để khắc phục ngay các hạn chế trong sản xuất, đồng thời cần tăng cường liên kết "4 nhà" nhất là liên kết với doanh nghiệp để được doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm đầu ra. Đối với ngành nông nghiệp các địa phương cần có các chương trình, hành động ngay nhằm hỗ trợ, khuyến khích nông dân phát triển sản xuất, tiêu thụ khóm theo hướng nâng cao hiệu quả sản xuất, an toàn và bền vững. Trong đó, Trung tâm khuyến nông các tỉnh cần tập hợp thông tin tại diễn đàn cũng như các tư liệu, tài liệu và tình hình sản xuất thực tế của địa phương để xây dựng một tài liệu riêng cho địa phương mình để phổ biến, hướng dẫn và định hướng sản xuất cho nông dân.

Bài, ảnh: Khánh Trung

Chia sẻ bài viết