13/08/2019 - 08:11

Cuộc chơi giá rẻ 

Những con số thống kê thu nhập bình quân đầu người gia tăng hằng năm là cơ sở dữ liệu thông tin hỗ trợ các nhà kinh doanh trước khi ra quyết định. Đối với nhiều siêu thị, cần có nhiều dữ liệu khác để quyết định cuộc chơi.

Cái giá của những cách tính

Bản thân các siêu thị trong cái thế phải đạt đỉnh lợi nhuận trong cùng hệ thống và cạnh tranh với bao nhiêu siêu thị khác. Giá rẻ là cuộc chơi hợp lý giữa số đông thu nhập có giới hạn.

Chị Thu ở quận Ninh Kiều, đi siêu thị Big C, mải miết ở khu vực khuyến mãi, nói rằng mua hàng ở đây, giá giảm từ 20-50%, yên tâm hơn vì đó là hàng chất lượng cao. Là người lo việc nội trợ, chồng lo kinh doanh, từ lâu chị Thu mua đồ ở siêu thị, cửa hàng tiện lợi vì tin như vậy là đúng.

Nói xong, chị tiếp tục xem sản phẩm của Vĩnh Tiến, Công ty TNHH May Trần Trúc, Binga, PTL Men Fashion…

Ngược lại, chị Trà Giang, ở Phong Điền, nói hàng may sẵn bây giờ quá phong phú, kiểu cọ, giá cả thì cạnh tranh nhau cho nên không xê xích nhiều. Những sản phẩm giảm giá nghe tên không mấy gì quen nhưng vì rẻ nên coi mặt vải, giá cả, xem nhãn có tên công ty, coi như có xuất xứ là được. Hiện nay, các mặt hàng may mặc, giày dép đều giảm giá từ 10.000–50.000 đồng/sản phẩm, thậm chí có món giảm gần phân nửa giá tiền (trên 100.000 đồng/sản phẩm).

“Có lần, tui mua 3 bộ đồ em bé (giá 120.000 đồng/3 bộ) giá niêm yết 55.000 đồng, giảm còn 35.000–40.000 đồng, hàng rẻ thấy ham nên mua về xài, nhưng giặt lần đầu thấy vải bị rút, chất lượng không khác đồ chợ bao nhiêu”, chị nói.

Chị Lê Thị Ngọc Bích làm điều dưỡng ở Bệnh viện Ung Bướu Cần Thơ ít khi mua hàng siêu thị, chỉ mua ở mấy lô thuê diện tích trong siêu thị hoặc ghé ngay tại mấy cửa hàng của công ty vì ở đây tư vấn nhiệt tình, mẫu mã đa dạng hơn. Trong siêu thị , thấy vậy chứ mẫu mã không phong phú bằng bên ngoài. Không thấy hàng An Phước, Tây Đô, Việt Tiến, Biti’s… chị Bích nói.

Hầu hết siêu thị lớn đều tính giá thuê mặt bằng 20-30 USD/m2. “Chê mắc? Nếu hàng anh tốt quá, có khách hàng thì tự bán đi”, một doanh nhân nói tiếp: Các nhà sản xuất chấp nhận chiết khấu 30%, chậm thanh toán, chấp nhận hoa hồng 3%  (ở gầm bàn) và muốn nương tựa vào sân chơi giá rẻ - đương nhiên phải chấp nhận ở phần đáy của tháp giá rẻ. 

Cuộc chơi mới

“Ai làm chủ cũng phải tính, chính mình cũng vậy thôi. Khi đã bỏ cả tỉ đô-la để mua chuỗi siêu thị mà hàng họ như chợ Tân Bình thì họ sẽ phải cải tổ”, ông Nguyễn Thái Hùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, nói.

Thông thường, nếu 3 cơ sở chào hàng siêu thị- cùng là áo sơ mi- chào 3 giá: 150.000, 200.000 hay 300.000 đồng, siêu thị yêu cầu để mẫu lại. Người ta biết chắc giá được chọn là 150.000 đồng. Đàng sau cái giá là cái gì? Nhiều cơ sở nhập khẩu vải sợi hương trấn bên Trung Quốc. Nhiều lô hàng không thể có chất lượng đồng đều, không có gì là chuẩn mực cũng khiến các doanh nghiệp, cơ sở sẵn sàng cạnh tranh nhau. Đó là cái giá của cuộc chơi giá rẻ.

Khuyến mãi hàng giá rẻ ở siêu thị luôn thu hút khách hàng. 

“Với giá đó và cách làm sân chơi giá rẻ, các công ty lớn không tham dự vì không muốn bị đồng hóa với những hàng hóa có phân khúc thấp hơn, không rõ ràng”, theo ông Nguyễn Thái Hùng.

Trước đây May Tây Đô từng làm hàng cho Auchan,  xuất khẩu qua EU. Từ EU vòng về bán trong siêu thị của họ với giá cao gấp hàng chục lần. Không thể bán trực tiếp cho họ vì quyết định thuộc về hệ thống và cách chọn phân khúc thị trường của mỗi CEO. 

Hãng thời trang đầu tiên vô Việt Nam là Mango (hàng hiệu từ Tây Ban Nha), ông Hùng kể lại: Họ bán hàng model, giá hợp lý lại sống được trong khi nhiều hãng nổi tiếng từ EU vào Việt Nam, chẳng bao lâu thì “rớt đài” (GAP, CK) vì tin vào nhu cầu, thu nhập và giá cao.

Mango tự đổi mới, tạo đột phá về sản lượng, thiết kế giỏi và giá cả xã hội chấp nhận. Mỗi năm Mango có doanh thu gần 3.000 tỉ đồng tại thị trường Việt Nam.

Cải tổ

Central Group bắt đầu cải tổ khi mua lại Big C, rồi hàng Thái và nhiều hãng danh tiếng sẽ vào thị trường Việt Nam theo các Hiệp định FTAs. Những doanh nghiệp đặt hàng từ Việt Nam bán khắp thế giới, họ có tầm nhìn và luôn đi trước 6 tháng đến 1 năm.

Việt Nam xây dựng ngành may công nghiệp và chọn  gia công xuất khẩu làm mũi nhọn vì đó là cách nắm bắt xu hướng thời trang, nắm chắc kỹ thuật và bước tiến hóa của thiết bị bằng cách làm việc ẩn nhẫn. Giữa sản xuất nguyên vật liệu - thiết bị và thời trang luôn bắt tay nhau, họ độc quyền trong sản xuất thời trang và đòn quyết định là những nhãn hàng khác không làm được.

 Trong vài thập niên, điện tử thay thế cơ điện tử, máy cơ không còn nữa. May mặc bây giờ từ nguyên liệu máy móc thiết bị, công nhân bây giờ phải biết điều khiển máy lập trình. Đáng nói là ngay cả máy đóng nút 3 lỗ, 4 lỗ lập trình chạy dọc, ngang, tam giác - Việt Nam không làm được, hiện nay chỉ làm được cây kim nhờ Đức – Nhật đưa công nghệ vào Việt Nam, ông Nguyễn Thái Hùng cho rằng cải tổ là việc phải làm để bắt kịp xu hướng.

Yếu nhất là nhuộm - hoàn tất mặc dù Việt Nam luôn có tham vọng làm khu liên hợp sản xuất nguyên liệu. Ngoài đồng trồng bông vải, không phải dân mình dở mà do khí hậu mưa nắng thất thường, bông ra hoa nhưng lá không chịu rụng; đưa máy vô thu hoạch không được, phun hóa chất thì bông dính thuốc (!). Doanh nhân Thái chia sẻ kinh nghiệm: Nếu dệt là năng lực lõi thì chỉ cần lựa chọn nơi nào có sợi tốt nhất mua, nhà máy nào mắc canh tốt nhất đặt mắc canh. Tại sao phải lo sợi, nhuộm, hoàn tất, xử lý chất thải trong khi các nguồn khác tốt hơn, hợp khung pháp lý khi hội nhập và không phải lo về môi trường? Ở các nước, mỗi nhà máy làm 1 công đoạn chuyên môn sâu (kéo sợi hoặc nhuộm- hoàn tất, dệt hoặc mắc canh). Việt Nam có tham vọng làm đủ thứ... nhưng mỗi thứ một chút nên trống trước hụt sau. 

Không chỉ Central Group cải tổ khi thay chủ đổi ngôi, hiện nay, Uniqlo, Nhật Bản, đang nghiên cứu, tìm mua chuỗi cửa hàng của Việt Nam, thương lượng xong họ cũng sẽ cải tổ”, ông Nguyễn Thái Hùng cho biết.

Bài, ảnh: Châu Lan

Chia sẻ bài viết
Từ khóa
May Tây Đô