24/03/2021 - 15:52

COVID-19 có thể làm tăng nguy cơ khởi phát bệnh tiểu đường 

Khi đại dịch COVID-19 bùng phát, những người mang sẵn bệnh nền như tim mạch và tiểu đường được biết là có nguy cơ chịu các biến chứng nghiêm trọng hơn khi nhiễm bệnh. Song, một nhóm nghiên cứu quốc tế còn cảnh báo có nhiều bằng chứng cho thấy SARS-CoV-2 có thể làm khởi phát bệnh tiểu đường ở người khỏe mạnh.

Từ đầu năm 2020, bác sĩ Francesco Rubino ở  Ðại học Hoàng đế Luân Ðôn (Anh) đã chú ý đến việc có nhiều trường hợp được chẩn đoán mắc bệnh tiểu đường sau khi nhiễm COVID-19. Do đó, Rubino cùng các đồng nghiệp trên khắp thế giới thành lập dự án trực tuyến CoviDiab nhằm kêu gọi các bác sĩ trên toàn cầu đóng góp tư liệu về những ca tiểu đường mới khởi phát có liên quan đến COVID-19.

Từ khi được thành lập, CoviDiab thu thập được những bằng chứng tuy nhỏ nhưng ngày càng nhiều về mối liên quan giữa tiểu đường mới khởi phát và COVID-19. Như trong một phân tích quy mô lớn vào cuối năm ngoái, các chuyên gia đã xem xét dữ liệu lấy từ 8 nghiên cứu và nhận diện được 492 ca bệnh tiểu đường mới trên 3.711 bệnh nhân COVID-19. Còn gần đây, các nhà nghiên cứu theo dõi gần 50.000 bệnh nhân COVID-19 trong 5 tháng và nhận thấy có 4,9% trường hợp được phát hiện mắc bệnh tiểu đường sau nhiều tháng khỏi bệnh.

“SARS-COV-2 có khả năng liên kết với các thụ thể ACE-2, hiện diện trong một số nội tạng chuyển hóa quan trọng - bao gồm tế bào tuyến tụy, mô mỡ, ruột non, gan và thận. Vì thế, nó có thể gây ra nhiều thay đổi đồng thời trong quá trình chuyển hóa glucose, làm phức tạp tình trạng của bệnh tiểu đường sẵn có hoặc dẫn đến các ca tiểu đường mới”- các chuyên gia lý giải về cơ chế gây ra tiểu đường ở bệnh nhân COVID-19.

Cũng liên quan đến bệnh tiểu đường, các nhà khoa học Mỹ cho biết việc ăn sáng trước 8 giờ 30 phút có thể giúp giảm nguy cơ mắc tiểu đường tuýp 2.

Trước đó, các chuyên gia tại Ðại học Northwestern xem xét dữ liệu của hơn 10.500 người từng tham gia một khảo sát quy mô lớn. Trong đó, người tham gia được chia thành 3 nhóm dựa trên thói quen ăn uống, gồm nhóm chỉ ăn trong khoảng thời gian ít hơn 10 tiếng (nhịn ăn gián đoạn), từ 10-13 giờ hoặc hơn 13 tiếng mỗi ngày.

Kết quả cuối cùng cho thấy mức đường huyết lúc đói không có nhiều khác biệt giữa các nhóm. Tuy vậy, tình trạng kháng insulin đã cao hơn ở nhóm có thời gian nhịn ăn ngắn hơn, trong khi thấp hơn ở tất cả các nhóm có thời gian bắt đầu ăn sáng trước 8h30 mỗi ngày. Theo trưởng nhóm nghiên cứu - Tiến sĩ Marriam Ali, các phát hiện mới cho thấy rằng việc ăn đúng thời điểm có liên hệ mạnh mẽ với các biện pháp chuyển hóa hơn là thời gian nhịn ăn, đồng thời củng cố thêm lợi ích của việc ăn sớm hơn trong ngày.

HƯƠNG THẢO (Theo New Atlas, Study Finds)

Chia sẻ bài viết