13/05/2018 - 18:51

Chung sống hòa bình với bệnh hen 

Theo số liệu thống kê, tại Việt Nam cứ khoảng 1.000 người thì sẽ có 50 đến 60 người bị bệnh hen phế quản. Mỗi năm nước ta có khoảng 3.000 ca tử vong do hen. Tuy nhiên, nếu biết cách kiểm soát, người bệnh hoàn toàn có thể làm việc, học tập, sinh hoạt bình thường...

Dễ chẩn đoán nhầm

Chị T.L.T, ở quận Bình Thủy, kể: Con tôi hay bị ho. Cứ tái đi tái lại nhiều lần. Mỗi lần bệnh, tôi đều đưa cháu đi  khám ở bệnh viện hoặc bác sĩ tư nhưng chỉ một thời gian ngắn sau lại ho tiếp. Tôi đưa cháu đến Bệnh viện (BV) Lao và Bệnh phổi Cần Thơ, bác sĩ chẩn đoán cháu bị hen phế quản. Bác sĩ cũng lập hồ sơ quản lý bệnh. Tôi cho cháu uống thuốc, xịt thuốc theo đúng hướng dẫn của bác sĩ. Từ đó, cháu rất ít khi bị ho, học tập bình thường. Sau vài năm, cháu hết bệnh hen.

Cán bộ BV Lao và Bệnh phổi Cần Thơ đo chức năng hô hấp cho bệnh nhân. Ảnh: H.HOA
Cán bộ BV Lao và Bệnh phổi Cần Thơ đo chức năng hô hấp cho bệnh nhân. Ảnh: H.HOA

Theo bác sĩ Hứa Trung Tiếp, Phó Giám đốc BV Lao và Bệnh phổi Cần Thơ, bệnh hen phế quản, dân gian gọi là suyễn, là một bệnh viêm mạn tính của phế quản trong đó có sự tham gia của nhiều tế bào và nhiều thành phần tế bào. Do là bệnh mạn tính nên bệnh nhân phải được theo dõi, dùng thuốc dự phòng có tác dụng bảo vệ niêm mạc đường thở, giảm sưng và ngăn những kích ứng với tác nhân gây bệnh hen phế quản.

Triệu chứng của bệnh có các biểu hiện: cảm giác nặng ngực, ho dai dẳng, cơn ho kéo dài và nặng hơn về đêm, khó thở, thở khò khè. Tuy nhiên, theo các bác sĩ cũng cần chẩn đoán phân biệt với hen tim, đợt cấp của bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD). Khi bệnh nhân bị ho tái đi tái lại nhiều lần, thở khò khè nghi ngờ hen nên đo chức năng hô hấp để chẩn đoán chính xác bệnh. Ở trẻ nhỏ dưới 3 tuổi, việc đo chức năng hô hấp cũng khó khăn, vì thế chủ yếu dựa vào kinh nghiệm điều trị của bác sĩ.

Hiện nay, ở TP Cần Thơ, Đa khoa Trung ương Cần Thơ, Đa khoa thành phố Cần Thơ, Hoàn Mỹ Cửu Long, Đại học Y dược Cần Thơ, BV Lao và Bệnh phổi có quản lý điều trị hen. Riêng BV Lao và Bệnh phổi có thành lập Đơn vị chẩn đoán và điều trị hen, trang bị máy đo chức năng hô hấp. Phòng khám hiện quản lý hơn 400 bệnh nhân. Các bệnh nhân được chẩn đoán hen phế quản đều được lập hồ sơ theo dõi, quản lý điều trị bệnh. Khi đến hẹn bệnh nhân không lên tái khám, cán bộ gọi điện thoại tư vấn và nhắc nhở. Song, khó khăn hiện nay là khi bệnh nhân có các biểu hiện hen phế quản đến BV tuyến dưới khám thì đa phần các bệnh viện tuyến dưới không đủ trang thiết bị máy móc, thuốc để chẩn đoán và điều trị. Khi không bớt bệnh, bệnh nhân tự đến tuyến trên điều trị nên không được hưởng chế độ bảo hiểm y tế khi khám bệnh ngoại trú.

Cần tuân thủ điều trị

Theo bác sĩ Hứa Trung Tiếp, có trường hợp bệnh nhân khi được chẩn đoán hen phế quản, bác sĩ cho thuốc giãn phế quản cắt cơn và thuốc dự phòng dạng xịt (thuốc chống viêm Glucocorticoid), hẹn tái khám nhưng lúc dùng thuốc thấy khỏe mạnh, bệnh nhân tự ý bỏ thuốc, ngưng điều trị. Ở trẻ nhỏ, nhiều bậc cha mẹ sợ con dùng thuốc lâu sẽ có tác dụng phụ nên thấy con khỏe là ngưng thuốc. Đây là quan điểm rất sai lầm, khiến bệnh trở nên trầm trọng, thậm chí phải nhập viện điều trị cấp cứu.

Bác sĩ Hứa Trung Tiếp cho biết: Hen phế quản cấp nặng là một cấp cứu nội khoa, bắt buộc phải nhập viện. Nếu chẩn đoán là hội chứng đe dọa hen phế quản cấp nặng hay hen phế quản cấp nặng ở nhà thì phải đưa ngay bệnh nhân đến khoa hồi sức bằng xe cấp cứu. Khi qua cơn cấp, bác sĩ tư vấn bệnh nhân dùng thuốc dạng xịt để điều trị dự phòng cơn hen cấp. Thuốc dạng xịt (thuốc chống viêm Glucocorticoid) với bệnh nhân hen phải dùng suốt đời. Tuy nhiên, tùy mức độ, tình trạng bệnh, liều lượng dùng, số lần xịt hằng ngày khác nhau. Bệnh nhân phải tái khám đúng hẹn để bác sĩ khám, theo dõi, điều chỉnh liều lượng thuốc cho phù hợp.

Để phòng ngừa cơn hen tái phát, bệnh nhân phải tuân thủ theo chỉ dẫn của bác sĩ dùng thuốc xịt dự phòng hằng ngày, phòng tránh các yếu tố bất lợi của môi trường, tránh các hoạt động thể lực không cần thiết. Tránh tiếp xúc bụi, khói nhất là khói thuốc lá, phấn hoa, lông thú và các chất kích thích khác; tránh tiếp xúc với những người bị nhiễm trùng hô hấp, giữ môi trường sống, sinh hoạt trong lành.

H.HOA

Chia sẻ bài viết