21/10/2012 - 21:31

Chú trọng sàng lọc trước sinh và sơ sinh trong cộng đồng

Sàng lọc trước sinh và sơ sinh là một trong những chương trình mục tiêu quốc gia của ngành dân số, góp phần nâng cao chất lượng nòi giống. Thời gian qua, ngành dân số TP Cần Thơ đã phối hợp với ngành y tế cùng các cấp, các ngành chức năng, chú trọng tuyên truyền cho người dân, đặc biệt là thai phụ, hiểu được lợi ích của việc sàng lọc trước sinh và sơ sinh.

Bác sĩ Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ tập huấn cho cán bộ y tế, cán bộ quản lý Trung tâm dân số tuyến quận, huyện về kỹ thuật sàng lọc trước sinh và sơ sinh. 

Chị Ng.Th.Qu.A. (39 tuổi, ở quận Ninh Kiều) mang thai lần thứ hai, đến khám thai tại Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ. Chị được các bác sĩ tư vấn thực hiện sàng lọc trước sinh và sơ sinh, bằng phương thức lấy máu gót chân thai nhi. Qua xét nghiệm, em bé có dấu hiệu giảm G6PD và chị được hướng dẫn điều trị kịp thời. Hầu hết chị em phụ nữ đến khám sức khỏe thai kỳ và đăng ký sinh tại Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ đều được tư vấn về tầm quan trọng và lợi ích của việc sàng lọc trước sinh và sơ sinh, nhằm sớm phát hiện một số bệnh lý thai kỳ và bệnh lý di truyền của trẻ sơ sinh. Nếu phát hiện bệnh, sẽ được các bác sĩ tham vấn hướng điều trị thích hợp kịp thời.

Điều dưỡng đa khoa Trần Thị Xíu, cán bộ phụ trách dân số phường Hưng Lợi, quận Ninh Kiều, cho biết, sau khi được Trung tâm dân số- Kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ) quận Ninh Kiều tập huấn thực hiện mô hình sàng lọc trước sinh và sơ sinh, chị đã phổ biến đến đội ngũ cộng tác viên để tuyên truyền đến phụ nữ trên địa bàn lợi ích việc làm này đối với thai phụ và thai nhi. Ngoài ra, cán bộ và cộng tác viên dân số tại địa phương còn lồng ghép tuyên truyền bằng nhiều hình thức như: tuyên truyền miệng tại các buổi họp nhóm, tại trạm y tế khi chị em đến khám, điều trị bệnh và tiêm ngừa, vãn gia, đồng thời lồng ghép vào nhiều chương trình sức khỏe khác,… Cán bộ, cộng tác viên dân số phường giới thiệu thai phụ đến khám sàng lọc trước sinh và sơ sinh tại Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ, Bệnh viện Phụ sản Phương Châu và trực tiếp tư vấn, trả lời đối với thai phụ có vấn đề về kết quả sàng lọc. Hiện nay, tuyến quận, huyện của TP Cần Thơ chỉ có Bệnh viện Đa khoa Ô Môn thực hiện sàng lọc trước sinh và sơ sinh. Ngành y tế chưa triển khai được đến các bệnh viện quận, huyện khác và các trạm y tế do chưa đủ điều kiện về trang thiết bị và nguồn nhân lực.

Năm 2012, ngành dân số TP Cần Thơ thực hiện nhiều chương trình tuyên truyền về Đề án sàng lọc trước sinh và sơ sinh cho phụ nữ mang thai từ cấp thành phố đến cấp xã, phường. Trong tháng 8, Chi cục Dân số- KHHGĐ TP Cần Thơ vừa tổ chức tập huấn kỹ thuật sàng lọc trước sinh và sơ sinh cho khoảng 40 học viên là cán bộ dân số, cán bộ y tế khoa Sản của các bệnh viện tuyến quận, huyện trong thành phố. Bà Ngô Thị Thanh Nga, Phó Chi cục trưởng Chi cục Dân số- KHHGĐ TP Cần Thơ cho biết: "Tham gia lớp tập huấn, các học viên được trang bị các kiến thức về tầm quan trọng của việc sàng lọc trước sinh và sơ sinh, giúp phát hiện các bệnh lý như thiếu men G6PD, suy giáp và tăng sản tuyến thượng thận bẩm sinh, là những bệnh rất nguy hiểm cho trẻ. Trong thời gian này, các học viên còn được thực hành kỹ thuật lấy máu gót chân cho trẻ, tại Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ và Bệnh viện Đa khoa quận Ô Môn". Thông qua các lớp tập huấn, ngành dân số thành phố hướng đến trang bị kiến thức để cán bộ làm công tác quản lý tại các trung tâm dân số tuyến quận, huyện có kế hoạch chỉ đạo, đẩy mạnh tuyên truyền trong cộng đồng về mô hình sàng lọc trước sinh và sơ sinh. Tại Liên hoan tuyên truyền viên dân số cấp khu vực được tổ chức tại Bạc Liêu vào tháng 10 - 2012, tiểu phẩm dự thi của đội tuyên truyền viên dân số TP Cần Thơ có chủ đề về lợi ích của sàng lọc trước sinh và sơ sinh trong cộng đồng, với nhiều kiến thức bổ ích, hình ảnh trực quan sinh động, tạo ấn tượng tốt cho người xem.

Bên cạnh nỗ lực của ngành dân số địa phương, mới đây, Bệnh viện Từ Dũ TP Hồ Chí Minh chiêu sinh 4 cán bộ cấp quận, huyện để triển khai kỹ thuật lấy máu gót chân cho trẻ sơ sinh. Ngoài ra, trong năm 2012, Bệnh viện Từ Dũ hỗ trợ 1.500 mẫu xét nghiệm lấy máu gót chân, giao cho các bệnh viện tuyến quận, huyện thực hiện. Thời gian qua, đã tiến hành lấy 1.000 mẫu xét nghiệm. Tiến hành lấy mẫu xét nghiệm càng nhiều, nhiều thai nhi được phát hiện sớm các bệnh lý để kịp thời điều trị, góp phần nâng cao chất lượng nòi giống.

Bài, ảnh: Thu Sương

Chia sẻ bài viết