12/08/2010 - 21:22

Cảnh giác với bệnh sa sút tâm thần

* Ths, bs Lê Hoàng Vũ
Bệnh viện Tâm thần TP Cần Thơ

Bệnh sa sút tâm thần (SSTT) thường khởi phát âm thầm, tiến triển từ từ khó nhận biết. Bệnh gây ra bởi nhiều bệnh lý nội, ngoại khoa, các loại thuốc... Việc chẩn đoán, phát hiện sớm nguyên nhân gây bệnh để điều trị tích cực có thể giúp bệnh nhân hồi phục.

Kiểm tra sức khỏe tâm thần. Ảnh: Đ.HUỲNH 

SSTT (hay sa sút trí tuệ) là một bệnh cảnh lâm sàng, phản ánh sự suy giảm khả năng hoạt động của nhận thức, triệu chứng nổi bật nhất là suy giảm trí nhớ. Dấu hiệu điển hình nhất là hay quên, tình trạng tiến triển ngày càng nặng hơn. Lúc đầu người bệnh có thể để quên vật dụng, quên sự việc trong quá khứ, dần bệnh nặng hơn, bệnh nhân có thể quên đóng cửa, mở vòi nước mà quên khóa... Nếu không được quan tâm, điều trị phục hồi, bệnh ngày càng nặng thêm với nhiều triệu chứng khác như: mất khả năng nhận thức, giảm dần rồi mất năng lực làm việc, mất khả năng ngôn ngữ, mất khả năng thực hiện các động tác, mất khả năng chấp hành...

Có nhiều nguyên nhân gây ra SSTT. Trong đó, SSTT do bệnh Alzheimer (thoái hóa não bộ không hồi phục) là hay gặp nhất, chiếm tỷ lệ 50-60% các trường hợp. SSTT do bệnh lý mạch máu não như tai biến mạch máu não đứng hàng thứ nhì, chiếm tỷ lệ 15-30%. SSTT có đồng thời bệnh Alzheimer và bệnh lý mạch máu não chiếm tỷ lệ 10-15%. Còn lại các nguyên nhân khác như: chấn thương sọ não, nghiện rượu, bệnh Huntington, bệnh Parkinson, nhiễm HIV, động kinh... chiếm tỷ lệ thấp hơn, chỉ khoảng 1-5%.

Nguy cơ mắc bệnh SSTT cũng tăng dần theo độ tuổi: dưới 65 tuổi tỷ lệ mắc bệnh dưới 0,1%, trên 65 tuổi là 1%, 75 tuổi đến trên 85 tuổi tỷ lệ tăng lên từ 10% đến 20%. Tuy nhiên, ở người cao tuổi, biểu hiện quên của bệnh SSTT với quên (lành tính) do hoạt động thần kinh người lớn tuổi chậm dần. Người cao tuổi quên lành tính khi được động viên, giúp đỡ thì mọi sinh hoạt vẫn bình thường. Riêng bệnh nhân SSTT diễn tiến nặng có thể mất khả năng sinh hoạt bình thường, khả năng tự chăm sóc mình.

Để chẩn đoán bệnh SSTT, trên lâm sàng thầy thuốc căn cứ vào tiêu chuẩn:

- Suy giảm khả năng thu thập thông tin mới hoặc giảm khả năng hồi tưởng lại các kinh nghiệm đã trải qua trong quá khứ.

- Bệnh nhân có thêm ít nhất là 1 trong 4 triệu chứng rối loạn hoạt động nhận thức như: mất khả năng nhận biết (không phân biệt được thời gian, không biết người thân hay người xa lạ, không biết xác định không gian xung quanh); mất ngôn ngữ, bệnh nhân vẫn phát âm được nhưng không thành lời không thành câu; mất dùng động tác (không thực hiện được các động tác tay chân hoặc toàn thân nên không tự phục vụ bản thân); mất khả năng thực hành (không thể lên kế hoạch làm việc, không tổ chức thực hiện được, mất khả năng tư duy trừu tượng).

Ngoài ra, để chẩn đoán xác định bệnh SSTT và xác định đúng nguyên nhân, bác sĩ tiến hành các xét nghiệm cận lâm sàng như: trắc nghiệm tâm lý, chụp CT Scanner, MRI, PET... Việc chẩn đoán, phát hiện sớm các nguyên nhân đưa đến SSTT để điều trị thích hợp có thể giúp bệnh nhân hồi phục. Riêng đối với nguyên nhân do bệnh Alzheimer thì không điều trị khỏi mà có thể làm chậm diễn tiến nặng thêm của bệnh.

SSTT thuộc dạng bệnh tâm thần và có thể phòng tránh được. Trước hết cần loại trừ nguyên nhân gây bệnh tâm thần, gồm:

- Phòng chống gây tổn thương tổ chức não như: các bệnh nhiễm trùng thần kinh, đặc biệt các bệnh viêm não, màng não, bệnh nhiễm độc thần kinh (như nhiễm độc rượu, ma túy, nhiễm độc nghề nghiệp...), tránh để chấn thương sọ não.

- Hạn chế và loại trừ các sang chấn tâm lý: tránh những mâu thuẫn, những xung đột gia đình, giáo dục con đúng phương pháp, không quá nghiêm khắc hoặc quá chiều chuộng; Tránh những mâu thuẫn căng thẳng kéo dài trong mối quan hệ công sở; Người bị thất vọng, bị đau khổ nặng nề cần được quan tâm, động viên, đối xử đúng mức và giúp đối tượng tìm lối thoát.

Chia sẻ bài viết