09/05/2014 - 14:43

Cẩn trọng với các bệnh “thầm kín” của chị em

Một bộ phận chị em trong độ tuổi sinh sản thường mắc các bệnh lý phụ khoa, tuy nhiên, họ chưa ý thức chủ động tầm soát bệnh và khi xuất hiện triệu chứng bất thường lại không kịp thời đến các cơ sở y tế chuyên khoa để được điều trị. Từ đó, tiềm ẩn nhiều nguy cơ dẫn đến các bệnh lý nguy hiểm về đường sinh sản như: vô sinh, ung thư cổ tử cung (CTC), ảnh hưởng sức khỏe sinh sản và chất lượng cuộc sống chị em.

* Từ viêm nhiễm phụ khoa

Hằng năm, Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ) TP Cần Thơ phối hợp với Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản TP Cần Thơ, chính quyền địa phương và ban, ngành, đoàn thể các cấp tổ chức các chiến dịch truyền thông lồng ghép cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản – KHHGĐ (Chiến dịch truyền thông dân số) cho chị em trong độ tuổi sinh sản. Trong chiến dịch truyền thông dân số đợt I năm 2014, qua công tác thăm khám, sàng lọc, phát hiện số lượng lớn chị em mắc các bệnh viêm nhiễm đường sinh sản. Một trong những bệnh lý phụ khoa thường gặp ở chị em gồm: Viêm âm hộ, âm đạo, viêm CTC (viêm loét CTC, viêm lộ tuyến, viêm sùi CTC), đa số có biểu hiện triệu chứng huyết trắng kéo dài. Bác sĩ Nguyễn Thị Bé Năm, Giám đốc Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản TP Cần Thơ, cho biết: bệnh lý viêm lộ tuyến là do vi khuẩn xâm nhập bộ phận sinh dục phụ nữ, gây viêm nhiễm vùng âm hộ, âm đạo, CTC. Tình trạng viêm nhiễm kéo dài làm bong tróc lớp tế bào bề mặt CTC, tế bào tuyến vùng lỗ trong CTC lấn sang lớp tế bào biểu mô lỗ ngoài CTC dẫn đến tình trạng lộ tuyến vùng CTC, làm cho tình trạng viêm nhiễm ngày càng trầm trọng. Để điều trị tốt viêm lộ tuyến CTC đòi hỏi người bệnh kiên trì, tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa nhằm ngăn chặn tình trạng viêm nhiễm, giúp tế bào trên bề mặt CTC phát triển, phủ lấp trở lại làm cho CTC trơn láng bình thường. Có thể thấy, nếu chị em mắc phải tình trạng huyết trắng kéo dài, viêm mãn tính thì dễ dẫn đến bệnh lý viêm lộ tuyến. Đối với bệnh viêm loét âm hộ, âm đạo CTC, cũng là dạng bệnh thường gặp ở chị em trong độ tuổi sinh sản. Bệnh do một loại virus tên là Herpes Simplex gây nên, làm viêm loét âm hộ, âm đạo và bên trong biểu mô CTC thường xảy ra ở tình trạng viêm cấp tính, người bệnh có triệu chứng huyết trắng nhiều và đau rát vùng âm hộ, CTC. Đối với tình trạng xuất hiện huyết trắng ở chị em, theo bác sĩ Nguyễn Thị Bé Năm, thuật ngữ chuyên môn gọi là khí hư. Huyết trắng có 2 dạng, một là do sinh lý và hai là do bệnh lý (thường là nguyên nhân bị viêm nhiễm đường sinh dục). Cơ quan sinh dục của người phụ nữ luôn được tiết dịch giữ cho vùng sinh dục ẩm ướt gọi là huyết trắng sinh lý, có tính chất trong, dai, không mùi hôi, xuất hiện nhiều nhất vào giữa chu kỳ kinh nguyệt. Do vậy, loại trừ các trường hợp trên, khi chị em thấy xuất hiện huyết trắng thất thường, có hiện tượng loãng, đổi màu, kèm theo mùi hôi… đó là những dấu hiệu huyết trắng bệnh lý.

Bác sĩ Nguyễn Thị Bé Năm (áo trắng) đang tư vấn cho chị em các biện pháp chăm sóc sức khỏe sinh sản.

Có thể thấy, những triệu chứng thường gặp khi chị em bị viêm nhiễm phụ khoa là huyết trắng. Tuy nhiên, đa số chị em khi thấy dấu hiệu lại không quan tâm, lơ là, đó chính là nguyên nhân dễ dẫn đến nguy cơ viêm nhiễm phụ khoa mãn tính. Tình trạng viêm nhiễm kéo dài, dẫn đến nhiều nguy cơ chuyển từ giai đoạn mãn tính sang cấp tính. Ở mức độ nặng, chị em gặp các triệu chứng như: lượng huyết trắng ngày càng nhiều, hôi; đau bụng dưới, gây cảm giác khó chịu; đau, nóng rát tại vùng âm hộ, âm đạo. Thậm chí, nhiều trường hợp viêm nhiễm gây nóng sốt, đau bụng dưới âm ỉ kéo dài thường gặp viêm ở hai bên phần phụ hoặc viêm vùng tiểu khung. Đây là một trong những nguyên nhân gây vô sinh ở phụ nữ.

* Đến ung thư CTC

Chị Huỳnh Kim Dung (40 tuổi, ở phường An Khánh, quận Ninh Kiều), cho biết: "Trước đây, tôi không có điều kiện quan tâm chăm sóc sức khỏe sinh sản. Giờ tuổi đã cao, tôi lo lắng về nguy cơ mắc các bệnh lý đường sinh sản, đặc biệt thường nghe nói về bệnh ung thư CTC ở phụ nữ nên tôi chủ động thăm khám, tầm soát bệnh. Tôi còn hướng dẫn con gái 14 tuổi biết giữ vệ sinh cá nhân, đặc biệt trong những ngày kinh nguyệt, để đảm bảo sức khỏe sinh sản".

Theo bác sĩ Nguyễn Thị Bé Năm, tình trạng viêm nhiễm phụ khoa sẽ ảnh hưởng trực tiếp lên tế bào của bề mặt CTC, trong một số trường hợp làm thay đổi cấu trúc tế bào của bề mặt CTC. Trong trường hợp viêm CTC nguyên nhân do nhiễm vi-rút HPV (Human Papilloma Virus) đây là nguyên nhân chính gây ung thư CTC, tình trạng viêm sẽ làm biến đổi tế bào và có thể dẫn đến ung thư CTC. Đặc biệt, giai đoạn tiền ung thư hầu như không có triệu chứng, người bệnh khó nhận biết nếu không thăm khám phụ khoa định kỳ. Đến khi bệnh ở giai đoạn muộn, việc điều trị không còn đạt hiệu quả. Do đó, chị em phụ nữ cần nâng cao ý thức chăm sóc sức khỏe sinh sản, giữ gìn vệ sinh sinh dục, vệ sinh kinh nguyệt, vệ sinh trước và sau khi giao hợp. Bên cạnh đó, cần tuân thủ khám phụ khoa định kỳ 6 tháng/lần, tầm soát ung thư CTC mỗi năm/lần, có thể kịp thời phát hiện những trường hợp viêm nhiễm và tầm soát được ung thư CTC ở giai đoạn sớm và có biện pháp can thiệp, điều trị hiệu quả.

Thời gian qua, Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản TP Cần Thơ thực hiện nhiều hoạt động hỗ trợ chị em trong độ tuổi sinh sản các vấn đề chăm sóc sức khỏe sinh sản – KHHGĐ. Đầu tháng 5 – 2014, đội ngũ bác sĩ chuyên khoa của Trung tâm trực tiếp thăm khám, phết tế bào âm đạo cho 2.000 phụ nữ trong độ tuổi từ 30 đến 54 tuổi, để khám và sàng lọc, phát hiện sớm ung thư CTC. Đây là đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ, do Trường Đại học Y Dược Hà Nội phối hợp với Vụ Sức khỏe sinh sản thực hiện, góp phần tạo điều kiện cho chị em trong độ tuổi sinh sản tầm soát căn bệnh hiểm nghèo, đồng thời nâng cao ý thức của chị em trong việc chăm sóc sức khỏe sinh sản và nâng cao chất lượng cuộc sống.

Bài, ảnh: T. Sương

Chia sẻ bài viết