20/02/2011 - 22:06

Cần trọng trong phòng chống cúm A (H1N1)

Vi-rút cúm đã gây nhiều vụ dịch lớn trên thế giới, với tỷ lệ tử vong cao. Trong 3 týp vi-rút cúm (A, B và C) thì vi-rút cúm A là loại thường gây đại dịch. Các chủng vi-rút có thể thay đổi hàng năm. Bệnh cúm A (H1N1) lây truyền từ người sang người, diễn biến lâm sàng đa dạng. Không ít trường hợp mắc cúm A (H1N1) nặng, tiến triển nhanh, dễ dẫn tới tử vong. Đầu năm 2011, tại Việt Nam, kết quả từ hệ thống giám sát cúm trọng điểm quốc gia và báo cáo của các Viện đã ghi nhận 73 trường hợp có xét nghiệm dương tính với vi-rút cúm A(H1N1) ở 6 tỉnh, thành phố: Hà Nội (53 ca), TP Hồ Chí Minh (16 ca), các tỉnh Long An, Tây Ninh, Lạng Sơn và Bắc Giang, mỗi tỉnh có 1 ca. Đa số đều ở thể nhẹ, không biến chứng và đã hồi phục.

Các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân cúm A (H1N1) dựa trên các yếu tố sau:

- Dịch tễ: Sống hoặc đến từ vùng có dịch cúm A (H1N1); tiếp xúc gần với người bệnh, nguồn bệnh.

Đoàn kiểm tra Bộ Y tế đến kiểm tra công tác phòng, chống cúm A (H1N1) tại Trường THCS Lê Bình, quận Cái Răng, TP Cần Thơ. Ảnh: B.Ng
 

- Lâm sàng: Bệnh diễn biến cấp tính và có một số biểu hiện như sốt (trên 380C), viêm long đường hô hấp, đau họng, ho khan hoặc có đờm; đau đầu, đau cơ, mệt mỏi, nôn, tiêu chảy. Nhiều trường hợp có biểu hiện viêm phổi nặng, thậm chí có suy hô hấp cấp và suy đa tạng.

- Cận lâm sàng: Xét nghiệm chẩn đoán căn nguyên (RT-PCR là xét nghiệm xác định vi-rút cúm A (H1N1); X quang, có biểu hiện của viêm phổi không điển hình).

- Tiêu chuẩn chẩn đoán: Trường hợp nghi ngờ (có yếu tố dịch tễ và sốt) hay có khả năng đã mắc bệnh (có tiếp xúc với nguồn bệnh), biểu hiện lâm sàng phù hợp hoặc tử vong do bệnh hô hấp cấp tính không rõ nguyên nhân, xét nghiệm dương tính với cúm A nhưng không xác định được thứ týp. Trường hợp xác định đã mắc bệnh thì có biểu hiện lâm sàng cúm. Xét nghiệm dương tính khẳng định nhiễm vi-rút cúm A (H1N1). Người lành mang vi-rút thường không có biểu hiện lâm sàng nhưng xét nghiệm có cúm A (H1N1).

Việc điều trị cho bệnh nhân cúm A (H1N1), về nguyên tắc chung là bệnh nhân phải được cách ly và thông báo kịp thời cho cơ quan y tế dự phòng. Dùng thuốc kháng vi-rút đơn độc hoặc kết hợp (oseltamivir, zanamivir) càng sớm càng tốt, kể cả các trường hợp nghi ngờ; không sử dụng các thuốc đã bị kháng như amantadine và rimantadine. Dùng thuốc kháng vi-rút Oseltamivir (Tamiflu), trẻ em từ 1-13 tuổi thì dùng dung dịch uống tùy theo trọng lượng cơ thể; người lớn và trẻ em trên 13 tuổi: 75mg x 2 lần/ngày x 5 ngày. Thuốc Zanamivir, người lớn: 5mg x 2 lần/ngày, dùng dạng hít hoặc khí dung. Trường hợp nặng có thể kết hợp thuốc, thời gian điều trị có thể kéo dài đến 10 ngày. Cần theo dõi chức năng gan, thận để điều chỉnh liều lượng cho phù hợp.

Về điều trị hỗ trợ, nếu người bệnh bị sốt trên 39oC thì dùng paracetamol để hạ sốt (không dùng thuốc hạ sốt nhóm salicylate như aspirin). Quan trọng hơn là đảm bảo chế độ dinh dưỡng: Người bệnh nhẹ cho ăn bằng đường miệng, người bệnh nặng cho ăn sữa và bột dinh dưỡng qua ống thông dạ dày, hoặc kết hợp nuôi dưỡng bằng đường tĩnh mạch. Giúp người bệnh ho, khạc, vỗ rung vùng ngực, hút đờm. Sử dụng kháng sinh thích hợp khi có bội nhiễm vi khuẩn. Khi bị suy hô hấp thì nên cho người bệnh nằm đầu cao, thở oxy với lưu lượng thích hợp. Những trường hợp không đáp ứng với thở oxy cần hỗ trợ hô hấp bằng máy thở không xâm nhập hoặc xâm nhập.

Khi phát hiện người bệnh nghi ngờ mắc cúm A(H1N1) cần phải khám, phân loại và cách ly kịp thời. Bố trí khu vực cách ly trong bệnh viện đối với các bệnh truyền nhiễm gây dịch nguy hiểm khác. Bố trí phòng khám sàng lọc phát hiện người bệnh nghi nhiễm cúm ở khu vực khám bệnh. Bố trí buồng bệnh riêng cho các trường hợp nghi ngờ và mắc bệnh tại khoa truyền nhiễm và các khu điều trị riêng. Hạn chế và kiểm soát người ra vào khu vực cách ly.

Khi ở trong buồng bệnh hoặc đi ra ngoài buồng bệnh, người bệnh, người nghi ngờ mắc bệnh phải mang khẩu trang ngoại khoa. Người bệnh cần được hướng dẫn vệ sinh đường hô hấp. Khi vận chuyển người bệnh cần báo trước cho nơi tiếp đón để trang bị đầy đủ phương tiện phòng hộ cá nhân. Khử khuẩn các phương tiện vận chuyển sau khi dùng. Người nhà chăm sóc người bệnh hoặc tiếp xúc với người bệnh phải được hướng dẫn, đăng ký và áp dụng các biện pháp phòng lây nhiễm như nhân viên y tế.

Đối với nhân viên y tế cần rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn nhanh thường quy, trước và sau khi thăm khám người bệnh. Phương tiện phòng hộ gồm: Khẩu trang ngoại khoa, khẩu trang N95, kính bảo hộ, mặt nạ che mặt,... phải luôn có sẵn ở khu vực cách ly. Bệnh phẩm xét nghiệm phải đặt trong túi nilon hoặc hộp vận chuyển đóng kín theo quy định đến phòng xét nghiệm. Lập danh sách nhân viên y tế trực tiếp chăm sóc, điều trị cho người bệnh, nhân viên làm việc tại khoa có người bệnh và nhân viên phòng xét nghiệm xử lý bệnh phẩm. Những nhân viên này cần được theo dõi thân nhiệt và các biểu hiện lâm sàng hàng ngày. Những nhân viên mang thai, mắc bệnh tim phổi mạn tính tránh tiếp xúc với người bệnh. Nhân viên y tế và những người trực tiếp chăm sóc người nhiễm cúm A (H1N1) cần dự phòng bằng thuốc kháng vi-rút. Liều dùng: oseltamivir 75 mg, 1 viên/ngày x 5 ngày. Hiện nay chưa có vắc-xin đặc hiệu với vi-rút cúm A (H1N1).

Xử lý dụng cụ y tế, đồ vải và dụng cụ dùng cho người bệnh phải theo đúng qui định. Phương tiện dùng cho người bệnh cần tẩy uế và cọ rửa bằng xà phòng và hóa chất khử khuẩn. Người bệnh dùng dụng cụ phục vụ vệ sinh và dinh dưỡng riêng. Thu gom đồ vải nhiễm khuẩn nguy hiểm trong túi nilon màu vàng trước khi vận chuyển xuống nhà giặt. Không ngâm đồ vải tại khu vực cách ly. Giặt đồ vải trong các dung dịch khử khuẩn; nếu giặt bằng tay thì trước khi giặt đồ vải phải ngâm khử khuẩn.

Bác sĩ TRẦN VĂN TUẤN
(Trung tâm Y tế Dự phòng TP Cần Thơ)

Chia sẻ bài viết