28/03/2011 - 08:26

Cần Thơ tăng cường quản lý giá, ổn định sản xuất

Theo Cục Thống kê TP Cần Thơ, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của thành phố tháng 3-2011 tăng 1,95% so với tháng trước và tăng 5,11% so với tháng 12 năm qua. Trong tháng, dù giá cả đầu vào tăng cao, nhưng hoạt động sản xuất công nghiệp, thương mại trên địa bàn TP Cần Thơ tiếp tục ổn định và tăng trưởng. Để giữ vững nhịp độ tăng trưởng này, công tác quản lý giá, ổn định sản xuất góp phần kiềm chế lạm phát đang là mục tiêu hàng đầu của các ngành, các cấp.

Mặt bằng giá theo cơ chế thị trường

Theo Cục Thống kê TP Cần Thơ, thông lệ hằng năm, tháng 3 là tháng sau Tết, theo xu hướng và quy luật cung - cầu trên thị trường, giá cả hàng hóa - dịch vụ sẽ ổn định. Tuy nhiên, năm nay, do ảnh hưởng của việc điều chỉnh tỷ giá, điện, xăng, dầu và quy luật tạo mặt bằng giá mới sau Tết... đã cộng hưởng và tạo nên mặt bằng giá mới theo xu hướng cơ chế thị trường. Những tác động này khiến hầu hết các nhóm hàng hóa được đưa vào “rổ hàng hóa” tính CPI trong tháng 3-2011 tăng so với tháng trước.

 Lực lượng chức năng TP Cần Thơ kiểm tra việc mua bán hàng hóa trên thị trường.

So với tháng 2-2011, nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 1,59%. Trong đó, nhóm hàng lương thực tăng 0,83% do giá gạo trong tháng tăng nhẹ khoảng 200 - 300 đồng/kg; giá thực phẩm đã dần ổn định nhưng giá các loại thịt vẫn còn cao. Cụ thể như: thịt heo đùi 70.000- 75.000 đồng/kg, tăng so với tháng trước khoảng 5.000 đồng/kg; thịt bò từ 150.000 - 180.000 đồng/kg. Nhóm ăn uống ngoài gia đình (thuộc nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống) vẫn duy trì mức giá sau Tết và tiếp tục xu hướng tăng nên chỉ số giá của nhóm này tăng đến 1,91%. Nhóm nhà ở, điện, nước, chất đốt, vật liệu xây dựng tăng 1,98% do giá điện đầu tháng 3 được điều chỉnh tăng; thép, ga... cũng tăng giá. Trong tháng 3-2011, nhóm giao thông có chỉ số giá tăng cao nhất, tăng ở mức 7,24% do xăng dầu bán lẻ trong nước được điều chỉnh tăng thêm từ 2.110- 3.550 đồng/lít nên giá cước taxi theo đó điều chỉnh tăng 1.000 - 2.000 đồng/km, cước vận tải tăng thêm từ 15-20%.

Ngoài các nhóm hàng trên, tháng 3-2011, còn thêm 3 nhóm hàng có chỉ số giá tăng trên 1% so với tháng trước như: nhóm hàng may mặc, mũ nón và giày dép (tăng 1,98%); văn hóa, thể thao và giải trí (tăng 1,72%); nhóm hàng hóa và dịch vụ khác (tăng 2,64%). Các nhóm hàng còn lại như: đồ uống và thuốc lá; thiết bị và đồ dùng gia đình; thuốc và dịch vụ y tế; bưu chính viễn thông; giáo dục có chỉ số giá tăng so với tháng 2 từ 0,44-0,9%.

Sản xuất tiếp tục ổn định và tăng trưởng

Theo Sở Công Thương TP Cần Thơ, mặc dù gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng bởi tỷ giá ngoại tệ biến động phức tạp, giá cả nguyên vật liệu, lãi suất tăng cao... nhưng tốc độ tăng trưởng của các doanh nghiệp (DN) sản xuất công nghiệp trên địa bàn thành phố trong quý I/2011 vẫn đạt mức khá cao so cùng kỳ. Cụ thể: Giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn TP Cần Thơ ước thực hiện 5.052 tỉ đồng, tăng gần 12% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, công nghiệp ngoài quốc doanh ước thực hiện 4.118,5 tỉ đồng, tăng 12,6%. So với cùng kỳ năm 2010, hàng hóa bán ra trên địa bàn thành phố ước thực hiện 18.539 tỉ đồng, tăng 19,9%; bán lẻ ước đạt 9.582 tỉ đồng, tăng 21%; xuất khẩu hàng hóa 216,4 triệu USD, tăng 19,9%...

Kết quả trên, theo Sở Công Thương TP Cần Thơ, nhờ các ngành, các cấp hữu quan và các DN luôn chủ động các giải pháp, đẩy mạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh, khuyến khích xuất khẩu, kiềm chế nhập siêu. Điển hình như: ngành công thương chủ động chỉ đạo các DN đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, chú trọng sản xuất những mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu sản xuất và tiêu dùng của người dân. Khuyến khích các DN trong sản xuất, đầu tư chú trọng sử dụng hàng hóa, vật tư, thiết bị sản xuất trong nước, nhằm hạn chế nhập siêu (quý I/2011, giá trị kim ngạch nhập khẩu của thành phố ước thực hiện 82,8 triệu USD, giảm 22,5% so với cùng kỳ). Song song đó, thành phố thường xuyên tổ chức khảo sát thực tế DN, nhằm nắm các khó khăn, vướng mắc, kịp thời đề xuất các giải pháp giải quyết, giúp DN ổn định sản xuất và phát triển xuất khẩu. Các siêu thị, DN sản xuất, kinh doanh thực hiện tốt công tác dự trữ hàng hóa để phục vụ nhân dân, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán. Từ đó, nguồn hàng đảm bảo cung ứng ổn định, dồi dào, không xảy ra sốt hàng, tăng giá đột biến góp phần bình ổn thị trường...

Để ổn định sản xuất

Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, tình hình kinh tế thế giới hiện vẫn diễn biến phức tạp, lạm phát tăng, giá dầu thô, nguyên vật liệu cơ bản đầu vào của sản xuất, giá lương thực, thực phẩm trên thị trường thế giới trong xu hướng tăng cao. Tình hình thiên tai, thời tiết trong nước diễn biến bất lợi đến sản xuất và đời sống; một số mặt hàng đầu vào quan trọng của sản xuất như: điện, xăng dầu vẫn chưa thực hiện đầy đủ theo cơ chế thị trường, buộc phải điều chỉnh tăng... Chính vì thế, tăng cường công tác quản lý giá, ổn định sản xuất nhằm kiềm chế lạm phát là một trong những mục tiêu hàng đầu của các ngành, các cấp.

Để đạt mục tiêu bình ổn giá, ổn định sản xuất, Sở Công Thương TP Cần Thơ kiến nghị: Chính phủ tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ vốn cho các DN thu mua chế biến nông, thủy sản, giúp tiêu thụ hàng hóa nông dân được tốt; đồng thời có chính sách hỗ trợ vốn cho người sản xuất nhằm tạo nguồn nguyên liệu chế biến xuất khẩu bền vững; ưu tiên đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng cho thương mại điện tử phục vụ công tác xúc tiến thương mại trên địa bàn thành phố. UBND thành phố cần tăng cường chính sách thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu hàng xuất khẩu theo hướng tăng tỷ trọng hàng công nghiệp, công nghiệp chế biến; quan tâm đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, hỗ trợ các DN trong việc tìm kiếm và mở rộng thị trường xuất khẩu... Song song đó, thành phố cần ưu tiên thực hiện các chính sách khuyến khích đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, nhất là ở các khu, cụm công nghiệp tập trung, hệ thống hạ tầng thương mại, hệ thống kho bãi phục vụ xuất nhập khẩu...; đẩy mạnh xã hội hóa các dịch vụ dạy nghề và đào tạo lao động; cân đối nguồn ngân sách của thành phố hỗ trợ đào tạo nghề cho một số danh mục nghề phục vụ sản xuất hàng xuất khẩu, nhất là ngành may mặc, giày da.

Ngoài ra, thành phố cũng cần có biện pháp hữu hiệu trong giám sát việc thực hiện kế hoạch ưu tiên cung cấp điện cho các DN sản xuất kinh doanh nói chung và xuất khẩu nói riêng, thông báo kịp thời lịch cắt điện để DN chủ động kế hoạch sản xuất.

Bài, ảnh: HÀ TRIỀU

Chia sẻ bài viết