18/02/2013 - 21:04

THÍCH ỨNG VỚI BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU VÙNG ĐBSCL

Cần tầm nhìn chiến lược và sự linh hoạt

Biến đổi khí hậu (BĐKH) đã và đang tác động đến các tỉnh, thành vùng ĐBSCL, đe dọa đời sống và sinh kế của cư dân trong vùng. Riêng đối với các tỉnh ven biển, nguy cơ nước biển dâng, xâm nhập mặn, hạn hán, xói lở đê biển sẽ ngày càng trầm trọng. Tìm giải pháp để thích ứng với BĐKH, đảm bảo phát triển bền vững nông nghiệp và phát triển nông thôn vùng ven biển ĐBSCL là vấn đề mà các địa phương trong vùng và các bộ, ngành trung ương đặc biệt quan tâm.

Dự báo xu thế BĐKH

Sạt lở, xâm nhập mặn đang đe dọa đời sống và sinh kế của người dân các tỉnh ven biển ĐBSCL. Ảnh: THU HOÀI 

Tháng 8-2011, Tổ chức Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) tài trợ cho Việt Nam triển khai dự án "Thích ứng với biến đổi khí hậu vùng ven biển ĐBSCL" (gọi tắt là Dự án) để phục vụ yêu cầu phát triển bền vững nông nghiệp và nông thôn của 7 tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau và Kiên Giang. Trên cơ sở hợp tác giữa nhóm chuyên gia của JICA với một số cơ quan nghiên cứu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), Viện Quy hoạch Thủy lợi miền Nam, Dự án tập trung vào việc tiến hành dự báo, đánh giá tác động của BĐKH trong trung hạn và dài hạn giai đoạn 2020-2050; xây dựng Quy hoạch tổng thể thích ứng với BĐKH làm căn cứ để kiến nghị các kế hoạch về dự án ưu tiên cho các tỉnh ven biển ĐBSCL.

Tổng diện tích trong vùng dự án là 27.631km2, chiếm khoảng 60% diện tích của ĐBSCL với dân số khoảng 9,07 triệu người, tương đương 52% tổng dân số ĐBSCL. Theo các nghiên cứu và dự báo của nhóm chuyên gia Dự án, khả năng cứ 10 năm nhiệt độ sẽ tăng 0,2-0,3oC khiến năng suất lúa đông xuân giảm 10% vào năm 2030 và 15% vào năm 2050. Song song đó, mực nước biển sẽ dâng khoảng 8-9cm gây ra hiện tượng xâm nhập mặn nghiêm trọng. Tuy nhiên, xâm nhập mặn ở các tỉnh ven biển sẽ phức tạp hơn và khó dự báo do các tác động của lưu lượng nước sông Mekong. Lượng mưa trung bình được dự báo sẽ tăng lên 0,4-0,6% cộng với tác động của nước biển dâng làm gia tăng nguy cơ lũ lụt và giảm năng suất mùa vụ. Xâm nhập mặn sẽ gây thiệt hại đến sản xuất nông nghiệp của vùng, nhất là đối với cây ăn trái và lúa. Trong đó, Sóc Trăng và Kiên Giang là 2 địa phương thiệt hại lớn nhất về lúa; Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh và Cà Mau thiệt hại chủ yếu là cây ăn trái. Bến Tre là tỉnh chịu ảnh hưởng lớn nhất bởi xâm nhập mặn so với các tỉnh trong vùng.

Tại Hội thảo "Kỹ thuật về thích ứng BĐKH cho phát triển bền vững nông nghiệp và phát triển nông thôn vùng ven biển ĐBSCL" vừa tổ chức vào cuối tháng 1, tại TP Cần Thơ, Ban điều phối Dự án thông tin hiện Dự án đã xây dựng khung Quy hoạch tổng thể nhằm cụ thể hóa các vấn đề về BĐKH và các vấn đề cần ưu tiên giải quyết đối với các tỉnh ven biển ĐBSCL. Theo ông Yukio Ishida, đại diện Văn phòng JICA Việt Nam, các tỉnh ven biển ĐBSCL sẽ chịu tác động rất lớn bởi BĐKH, nước biển dâng, xâm nhập mặn… Các kế hoạch và hành động nhằm ứng phó với BĐKH đòi hỏi có sự hỗ trợ và tham gia nhất quán từ Chính phủ, các bộ ngành Trung ương, các địa phương cùng người dân trong vùng. Các kỹ thuật thích ứng được đề xuất trong Dự án sẽ góp phần vào cải thiện sinh kế người dân, phát triển kinh tế xã hội ĐBSCL. Đồng thời, sẽ cung cấp nguồn thông tin quý báu phục vụ công tác nghiên cứu đối với các vùng khác cũng chịu tác động của BĐKH.

Ứng biến linh hoạt

Xâm nhập mặn, khô hạn gây thiếu nước ngọt cho sản xuất và đời sống, nước biển dâng, lũ nghiêm trọng hơn, mưa cường độ lớn và nhiệt độ tăng trong tương lai là những vấn đề mà các tỉnh ven biển ĐBSCL phải ưu tiên giải quyết. Tiến sĩ Nguyễn Trọng Uyên, Phó phân viện trưởng Phân viện Quy hoạch và Thiết kế nông nghiệp-Bộ NN&PTNT, cho rằng: "Cần có các nghiên cứu bổ sung, đánh giá toàn diện hơn về những thiệt hại do BĐKH gây ra đối với sản xuất nông nghiệp các tỉnh ven biển ĐBSCL. Đối với đề xuất thay đổi cơ cấu mùa vụ phải xem xét sao cho phù hợp với tình hình thực tế của từng địa phương. Đồng thời đặt ra mục tiêu giải quyết chỗ ở cho người dân nông thôn vùng ven biển chịu ảnh hưởng bởi sạt lở, xâm thực của nước biển dâng". Theo Phó Giáo sư Tiến sĩ Hoàng Văn Huân, Viện trưởng Viện Kỹ thuật biển, tình trạng xói lở bờ biển ở ĐBSCL hiện nay rất nghiêm trọng, bờ biển bị xâm thực mạnh. Tỉnh Trà Vinh hiện có 3 điểm sạt lở nghiêm trọng, từ cửa Xoài Rạp đến cửa Tiểu của tỉnh Tiền Giang cũng chung số phận. Còn ở tỉnh Cà Mau nơi các cửa sông đổ ra biển trước đây được bồi lấn thì nay không thể bù đắp cho sạt lở. Vì vậy, việc đầu tư xây dựng hệ thống đê bao theo khu vực để bảo vệ bờ biển là rất cấp bách. Ngoài ra, các địa phương ven biển cần chú trọng bảo vệ rừng ngập mặn, trồng rừng phòng hộ để bảo vệ bờ biển.

Theo Ban điều phối Dự án, để ứng phó với BĐKH cho các tỉnh ven biển, các dự án mục tiêu đã được xác định gồm xây dựng 68 cửa cống ngăn xâm nhập mặn (giai đoạn 2013-2050), cải tạo và bảo vệ bờ biển. Song song đó, các dự án đối phó cấp vùng sẽ được triển khai, ưu tiên Dự án cải tạo hệ thống thủy lợi cù lao Bắc Bến Tre; Dự án phát triển nguồn nước ngọt ở tỉnh Trà Vinh; Dự án quản lý nước khu vực ven biển Bạc Liêu; Dự án cải thiện dòng chảy vùng giáp nước Cà Mau. Thông tin từ Bộ NN&PTNT, Bến Tre và Trà Vinh là 2 địa phương cần sớm được đầu tư xây dựng các cống ngăn mặn, cải thiện kênh dẫn nước để cung cấp nước ngọt phục vụ sản xuất và đời sống. Trong đó, nhu cầu vốn cho Dự án cải tạo hệ thống thủy lợi cù lao Bắc Bến Tre dự kiến khoảng 200 triệu USD; Dự án phát triển nguồn nước ngọt ở tỉnh Trà Vinh từ 40-50 triệu USD.

Thời gian qua, Chính phủ rất quan tâm đầu tư phát triển hạ tầng vùng ĐBSCL, nhất là những công trình ứng phó với BĐKH. Tuy nhiên, nguồn vốn đầu tư về dài hạn vẫn còn gặp không ít khó khăn. Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hoàng Văn Thắng, các nghiên cứu và đề xuất của Dự án "Thích ứng với biến đổi khí hậu vùng ven biển ĐBSCL" sẽ góp phần cung cấp thông tin về BĐKH để các địa phương xây dựng kế hoạch ứng phó. Đồng thời, đây là cơ sở để Chính phủ vận động nguồn tài trợ cho các công trình ứng phó với BĐKH, tranh thủ vốn ODA cho một số dự án ưu tiên, cấp bách. "Chúng ta chưa thể lường trước được hết các tác hại, ảnh hưởng của BĐKH trong tương lai nên cách tiếp cận, ứng phó cần phải linh hoạt, đánh giá định kỳ để tránh đầu tư lãng phí. Vấn đề còn lại là cần có những chỉ đạo mang tính liên vùng, sự phối hợp giữa các địa phương để cùng chung tay hành động vì sự phát triển bền vững của vùng ĐBSCL"-Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hoàng Văn Thắng khẳng định.

MINH HUYỀN

Chia sẻ bài viết