08/09/2018 - 23:35

Cần cú hích

Theo Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), 8 tháng năm 2018, cả nước có 87.448 doanh nghiệp (DN) thành lập mới, tổng vốn đăng ký 878.627 tỉ đồng, tăng 2,4% về số DN và 6,9% về vốn so với cùng kỳ năm 2017. Số lượng DN tạm ngừng kinh doanh không đăng ký hoặc chờ giải thể tăng 45,9% so cùng kỳ, nguyên nhân do công tác rà soát số liệu đăng ký DN và một phần do DN vẫn còn gặp khó khăn, thách thức trong sản xuất kinh doanh, cùng với sự thanh lọc của thị trường đang diễn ra mạnh. Mặc dù vẫn còn nhiều khó khăn và thách thức phải vượt qua, song dự báo lạc quan về tăng trưởng kinh tế năm 2018, cùng với kỳ vọng mới trong dòng chảy đầu tư, thương mại mới đang hướng vào Việt Nam sẽ tạo nên cú hích tăng trưởng.

Các vùng kinh tế trên cả nước đều có sự chuyển động tích cực, trong đó khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) được nhận định có nhiều thay đổi tích cực về cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Nhà đầu tư, DN cũng quan tâm nhiều đến vùng nhờ vào lợi thế, tiềm năng về nông nghiệp và nguồn nhân lực dồi dào. Trong 8 tháng năm 2018, số lượng DN thành lập mới tại vùng là 6.156 DN, vốn đăng ký 58.989 tỉ đồng; tăng 1,2% về số DN và 33,7% về vốn so với cùng kỳ năm 2017. Từ năm 2017 đến nay, hầu hết các địa phương vùng ĐBSCL đều tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư quy mô lớn, với sự tham gia của lãnh đạo Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương và các tập đoàn, DN lớn trong và ngoài nước. Tại những hội nghị này, nhiều dự án được ký kết, số vốn lên đến hàng chục ngàn, hàng trăm ngàn tỉ đồng. Điều này cho thấy các địa phương đều chú trọng công tác xúc tiến đầu tư và đi vào trọng tâm, thị trường trọng điểm. Cùng với đó là những cam kết đồng hành cùng nhà đầu tư, DN trong hoạt động đã tạo nên sức hấp dẫn mới cho vùng ĐBSCL.

Song, do xuất phát điểm thấp, năng lực cạnh tranh cấp tỉnh còn hạn chế, ảnh hưởng rất lớn đến sức cạnh tranh của DN hoạt động tại vùng ĐBSCL. Mặc dù có nhiều điểm cộng về số lượng DN mới gia nhập thị trường, nhưng số DN quay trở lại hoạt động giảm 2,3% so cùng kỳ (chỉ 1.493 DN quay lại hoạt động); số DN tạm ngừng kinh doanh có thời hạn 1.264 DN, tăng 24,5%; 2.856 DN tạm ngừng hoạt động không đăng ký hoặc chờ giải thể, tăng 61%; có 1.283 DN hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 2,1% so với cùng kỳ 2017. Theo nhận định của giới chuyên môn, DN vùng ĐBSCL yếu tiềm lực tài chính, quy mô nhỏ, các hoạt động R&D (nghiên cứu và phát triển) chỉ tập trung vào các DN vừa và lớn, đa số DN nhỏ không đủ tiềm lực để đầu tư R&D. Nhiều DN phải tự bơi trong thời gian dài tìm thị trường, mà thiếu vắng sự hỗ trợ của ngành chức năng, hoặc thiếu liên kết với các DN cùng ngành hàng cũng là một nguyên nhân bào mòn sự sáng tạo và phát triển của DN. Do vậy, các DN phải có cuộc cách mạng cho riêng mình để tạo nên những cú hích mới trong phát triển và cần “đòn bẩy” từ chính sách về vốn tín dụng, đầu tư khoa học công nghệ, đào tạo lao động...

Cuộc cách mạng công nghệ đang được đẩy mạnh, việc làm chủ công nghệ, sẽ giúp DN nâng cao năng lực cạnh tranh và trụ vững trong cuộc sàng lọc của thị trường. Hiện tại, nhiều DN hoạt động tại vùng ĐBSCL cũng đang chuyển động để tiếp cận với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và đổi mới tư duy phát triển, đặc biệt là vấn đề liên kết. Các DN đã nhận định được liên kết để tiến đến khép kín từ sản xuất đến phân phối sản phẩm là con đường phát triển bền vững. Và điều này cũng tạo ra những cú hích mới cho sự phát triển kinh tế của ĐBSCL.

SONG NGUYÊN

Chia sẻ bài viết