29/01/2016 - 15:32

Bước tiến mới

H.Hoa

Thời gian qua, với cách vận dụng sáng tạo, từ nhiều nguồn, TP Cần Thơ đã tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các bệnh viện (BV) và các BV cũng nỗ lực triển khai nhiều kỹ thuật điều trị mới. Với quyết tâm và nỗ lực nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, ngành y tế thành phố có những bước tiến tự hào, từng bước khẳng định vai trò đầu tàu của khu vực ĐBSCL...

Cơ sở vật chất khang trang, hiện đại

Đây là mùa xuân đầu tiên đội ngũ cán bộ y tế Bệnh viện (BV) Lao và Bệnh phổi TP Cần Thơ làm việc trong trụ sở mới khang trang, hiện đại, không còn lo cảnh nắng nóng, mưa ngập, dột. Cơ sở trước đây là khu nhà cổ của Pháp được xây dựng từ những năm 1880. Sau gần 125 năm, tòa nhà đã xuống cấp trầm trọng. Bác sĩ Nguyễn Thị Thanh Nhàn, Giám đốc BV, chia sẻ: "BV xuống cấp dữ dội, từ phòng giám đốc đến phòng bệnh, nhà vệ sinh, sân... BV sửa chỗ này thì hư chỗ kia. Thậm chí bệnh nhân không còn giường nằm, BV đành mướn ghế bố cho bệnh nhân...".

Cơ sở mới của BV là tòa nhà 8 tầng, nằm trong khuôn viên rộng gần 30.000m2 ở phường Phước Thới, quận Ô Môn, được đầu tư trên 215 tỉ đồng. BV như một công viên với mật độ cây xanh chiếm hơn 40%. Với cơ sở vật chất khang trang, các y, bác sĩ có điều kiện triển khai các kỹ thuật tiên tiến trong điều trị. Bác sĩ Nguyễn Thị Thanh Nhàn cho biết: "BV triển khai thêm một số khoa để phục vụ tốt công tác điều trị và tiếp nhận thêm nhiều bệnh nhân ở các tỉnh. Đây cũng là điều mà bệnh viện đa khoa các tỉnh trong vùng mong đợi. Đặc biệt BV sẽ triển khai kháng sinh đồ, với kỹ thuật này, bệnh nhân lao không cần đến TP Hồ Chí Minh điều trị nữa".

Hòa cùng niềm vui của cán bộ BV Lao và Bệnh phổi TP Cần Thơ, Trung tâm Kiểm nghiệm Thuốc - Mỹ phẩm - Thực phẩm TP Cần Thơ cũng đã chuyển về "nhà mới" vào giữa tháng 12-2015. Tòa nhà 5 tầng tọa lạc trên mảnh đất hơn 5.000m2 ở đường Nguyễn Văn Cừ, quận Ninh Kiều. Tổng mức đầu tư toàn dự án là 218 tỉ đồng. Trong đó, chi phí xây dựng trên 102,3 tỉ đồng; mua sắm trang thiết bị trên 77,5 tỉ đồng.

Công tác đấu thầu mua sắm trang thiết bị chuyên dùng cho kiểm nghiệm đang tiếp tục thực hiện. Ông Đoàn Cao Sơn, Viện trưởng Viện Kiểm nghiệm Thuốc Trung ương vui mừng cho biết: "Với cơ sở vật chất, trang thiết bị mới, đây sẽ là trung tâm hiện đại nhất ĐBSCL. Đây cũng là trung tâm vùng của ĐBSCL về lĩnh vực kiểm nghiệm thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm".

Theo Giám đốc Sở Y tế TP Cần Thơ Bùi Thị Lệ Phi: "Thời gian qua, thành phố đã xây mới BV Đa khoa thành phố; thành lập BV Phụ sản và BV Tim mạch; đang xây mới BV Nhi đồng, BV Tâm thần và nâng cấp sửa chữa các BV: Ung bướu, Da liễu, Y học cổ truyền... Ngoài ra, ngành y tế cũng đang xúc tiến các thủ tục để xây dựng mới BV Ung bướu. Song song đó, nhiều công trình y tế của Trung ương và tư nhân có khả năng phục vụ cho cả vùng được đầu tư, đưa vào hoạt động như: BV Đa khoa Trung ương, BV Hoàn Mỹ Cửu Long, BV Quốc tế Phương Châu... tạo điều kiện để bệnh nhân TP Cần Thơ và vùng ĐBSCL được chăm sóc sức khỏe tốt hơn".

Ứng dụng kỹ thuật điều trị tiên tiến

Cán bộ của Bệnh viện Phụ sản TP Cần Thơ  vận hành thiết bị hỗ trợ phôi thoát màng. 60 trẻ (của các cặp vợ chồng hiếm muộn) ra đời nhờ kỹ thuật này. Ảnh: H.HOA 

Tại Hội nghị ung bướu toàn quốc được tổ chức ở TP Cần Thơ vào cuối tháng 10-2015, Giáo sư Nguyễn Chấn Hùng, Chủ tịch Hội Ung thư Việt Nam xúc động, nói: "Mỗi năm tôi đều có dịp đến BV Ung bướu TP Cần Thơ, thật sự vui mừng khi chứng kiến sự phát triển của BV. Với tư duy chủ động, sáng tạo, các bạn đã lắp đặt được nhiều thiết bị mới, triển khai nhiều kỹ thuật điều trị tiên tiến. Thật vui khi biết trên 65% bệnh nhân ung thư điều trị ở BV đến từ các tỉnh trong vùng ĐBSCL. Nhiều bệnh nhân không phải tốn kém chi phí đi lại, chen chúc điều trị ở các BV tại TP Hồ Chí Minh nữa".

Câu nói của Giáo sư làm tôi nhớ đến trường hợp chị Nguyễn Thị Bé Tám, ở xã Trung Hưng, huyện Cờ Đỏ, bị ung thư cổ tử cung giai đoạn IIB. Khi biết chị bị ung thư, gia đình, xóm giềng khuyên chị lên TP Hồ Chí Minh điều trị. Tuy nhiên, chồng chị Tám nghe nhiều người khen chất lượng điều trị của BV Ung bướu TP Cần Thơ nên muốn vợ điều trị ở đây, vừa gần nhà, vừa đỡ chờ đợi và tốn kém. Được nghe bác sĩ ở BV Ung bướu TP Cần Thơ tư vấn, chị Tám yên tâm chọn điều trị ở Cần Thơ, với phương pháp vô thuốc hóa chất đồng thời với xạ trị ngoài phối hợp với xạ trị áp sát xuất liều cao nạp nguồn sau (còn gọi là xạ trị áp sát). Sau thời gian điều trị, đến nay sức khỏe chị Tám đã hồi phục tốt. Hôm tôi đến, chị đang tất bật trong bếp chuẩn bị thức ăn cho mười mấy người thợ chạy máy gặt thuê cho gia đình. Nhìn ánh mắt ngạc nhiên của tôi, chị vui vẻ nói: "Ai cũng nói tôi bị ung thư, sức khỏe ở đâu mà "mần" dữ vậy. Bây giờ tôi khỏe lắm, có sự giúp đỡ của con gái, tôi đi chợ, cơm nước cho mười mấy thợ, trông nom vườn tược và chăm cháu ngoại 15 tháng tuổi...".

Trung tâm Kiểm nghiệm Thuốc- Mỹ phẩm - Thực phẩm TP Cần Thơ. Ảnh: H.HOA 

Trước đây, bệnh nhân cần xạ trị áp sát đều phải chuyển đến TP Hồ Chí Minh. Nhận thấy nhu cầu bức xúc của bệnh nhân, BV Ung bướu TP Cần Thơ đã thực hiện xã hội hóa mua máy xạ trị áp sát và đưa ê kíp gồm bác sĩ, kỹ sư, kỹ thuật viên, điều dưỡng đi tập huấn ở BV Ung bướu TP Hồ Chí Minh và Thái Lan. Bác sĩ Trần Thanh Phong, Trưởng khoa Điều trị tia xạ, BV Ung bướu TP Cần Thơ, cho biết: "Ưu điểm của xạ trị áp sát là nguồn phóng xạ được đưa thẳng vào trung tâm khối bướu, do đó liều tác dụng khối bướu rất cao và tránh ảnh hưởng đến các bộ phận cơ thể khác, ít tác dụng phụ và biến chứng cho bệnh nhân. Hiện nay, BV Ung bướu TP Cần Thơ là đơn vị duy nhất ở ĐBSCL triển khai kỹ thuật này nên thu hút đông bệnh nhân đến từ các tỉnh. Đến nay, có khoảng 70 bệnh nhân được điều trị bằng phương pháp này, qua đánh giá điều trị 81% bệnh nhân đáp ứng tốt bướu tan hoàn toàn". Không chỉ áp dụng xạ trị áp sát, trong năm 2015, BV Ung bướu TP Cần Thơ cũng đã triển khai 18 kỹ thuật điều trị mới. Các bệnh viện khác, như BV Đa khoa thành phố đã triển khai kỹ thuật lọc máu liên tục, tạo hình thân đốt sống cổ qua da bằng cement; các phẫu thuật về mạch máu như: cắt túi phình động mạch chủ ngực, phẫu thuật các mạch máu lớn, phẫu thuật dị dạng mạch máu não, u não... BV Phụ sản thành phố, tuy mới thành lập hơn 1 năm cũng triển khai kỹ thuật phôi thoát màng và với kỹ thuật này, có gần 60 bé được sinh ra từ các cặp vợ chồng hiếm muộn. Còn BV Nhi đồng TP Cần Thơ đã triển khai lọc máu liên tục, điều trị rắn cắn, phẫu thuật lỗ tiểu thấp...

Để triển khai được các kỹ thuật điều trị tiên tiến, nguồn nhân lực chất lượng cao giữ vai trò quyết định. Ngành y tế hiện có 5 tiến sĩ, 69 bác sĩ, dược sĩ chuyên khoa II, 290 bác sĩ, dược sĩ chuyên khoa I, 56 thạc sĩ. Bác sĩ Bùi Thị Lệ Phi, Giám đốc Sở Y tế thành phố, cho biết: "Để tăng cường nguồn nhân lực chất lượng cao, ngành y tế đã xây dựng đề án đào tạo nguồn nhân lực. Theo đó, ngành tiếp tục cử 318 cán bộ y tế tham gia đào tạo ngắn hạn, dài hạn với hơn 51 kỹ thuật chuyên sâu, chuyên khoa mới ở các BV Trung ương đầu ngành. Không chỉ thế, các BV cũng chủ động đẩy mạnh hợp tác quốc tế để tranh thủ sự hỗ trợ chuyên môn từ các BV có nền y học phát triển như Pháp, Hungary...".

*

* *

Đón mùa xuân mới, ngành y tế Cần Thơ thêm niềm vui mới: Ngày càng nhiều BV khang trang, hiện đại được đầu tư và ngày càng đông bệnh nhân các tỉnh ĐBSCL tập trung về TP Cần Thơ điều trị bệnh. Điều đó minh chứng y tế Cần Thơ ngày càng phát triển, khẳng định được vị trí đầu tàu, hướng tới mục tiêu giúp bệnh nhân khu vực ĐBSCL được thụ hưởng tất cả các kỹ thuật tiên tiến trong điều trị bệnh ngay tại TP Cần Thơ. Đó không chỉ là nỗ lực mà còn là quyết tâm của lãnh đạo thành phố và đội ngũ y, bác sĩ toàn ngành.

Chia sẻ bài viết