12/02/2009 - 21:07

Bệnh tự kỷ ở trẻ em

* Thạc sĩ, bác sĩ LÊ HOÀNG VŨ
(Bệnh viện Tâm thần TP Cần Thơ)

Bé N.T.H- ở quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ- mắc căn bệnh kỳ lạ. 6 tuổi nhưng H chưa nói được, chỉ phát ra những âm thanh bập bẹ, không rõ ràng. H. không biểu lộ tình cảm với người thân, không tự phục vụ được cho bản thân, hay đập bàn và vỗ đùi, lại thường xuyên bị co giật. Đây là một trong những bệnh nhân mắc bệnh tự kỷ. Thỉnh thoảng Bệnh viện Tâm thần TP Cần Thơ cũng tiếp nhận những trẻ em mắc bệnh này.

Cha mẹ cần dành nhiều thời gian vui đùa, chăm sóc để con phát triển toàn diện.
Ảnh: K.L

Tự kỷ ở trẻ em là một rối loạn tâm thần nặng, diễn tiến mạn tính, khởi phát rất sớm, thường trước 36 tháng tuổi. Có thể chẩn đoán bệnh ngay khi trẻ 5-6 tháng tuổi và bệnh thường biểu hiện rõ rệt khi trẻ khoảng 2 tuổi. Rối loạn tự kỷ thường gặp ở bé trai nhiều hơn bé gái với tỷ lệ 3:1, nhưng các bé gái bị tự kỷ có khuynh hướng tiên lượng nặng nề hơn. Đa số trẻ em tự kỷ có chỉ số IQ thấp hơn trẻ bình thường.

Một số biểu hiện lâm sàng thường gặp của bệnh tự kỷ:

- Suy giảm chất lượng quan hệ xã hội: trẻ tự cô lập, không biểu hiện sự liên hệ thường thấy với cha mẹ và người xung quanh. Ở giai đoạn 3 tháng tuổi, trẻ không cười, không có phản ứng sợ hãi trước người lạ, không quyến luyến người thân. Đến tuổi đi học, trẻ không chơi đùa với bạn bè cùng lứa, có những hành vi không phù hợp. Do thiếu năng lực hoạt động xã hội nên khi trưởng thành, người tự kỷ ít quan hệ tình dục và hôn nhân.

- Rối loạn ngôn ngữ giao tiếp: là tiêu chuẩn chính để chẩn đoán bệnh tự kỷ. Trẻ tự kỷ thường bị câm hoặc chỉ phát ra các âm thanh vô nghĩa. Có khi 5 tuổi, trẻ mới bập bẹ vài tiếng. Khi trẻ lớn hơn thì nói lặp đi lặp lại, nói sai ngữ pháp, nói lộn xộn... Khi trưởng thành, người tự kỷ vẫn còn các bất thường về ngôn ngữ.

- Các rối loạn hành vi: chống đối lại sự thay đổi của môi trường xung quanh; gắn bó bất thường với một số đồ vật vô tri vô giác, kèm theo động tác liếm và ngửi; hoạt động nhiều nhưng đa phần không có mục đích; tự gây thương tích ...

- Các bất thường về vận động: giảm trương lực cơ toàn thân hoặc loạn trương lực cơ. Có thể có các cử động bất thường như nhăn nhó mặt mày, xua tay, xoắn vặn bàn tay, chạy vòng tròn...

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến bệnh tự kỷ. Có thể đưa ra 3 nguyên nhân cơ bản:

- Tổn thương não thực thể: có thể xảy ra trước khi sinh, do bà mẹ bị nhiễm siêu vi trùng trong 3 tháng đầu mang thai và các bệnh khác trong thời kỳ mang thai. Hoặc xảy ra trong khi sinh: trẻ sinh non, bị ngạt... Hoặc sau sinh, trẻ bị suy hô hấp, phải thở máy.

- Di truyền: thực tế cho thấy có trường hợp 2 trẻ mắc hội chứng tự kỷ trong cùng một gia đình...

- Môi trường: có thể do ô nhiễm môi trường như hóa chất, bụi, khói... Một số gia đình thiếu sự quan tâm, chăm sóc con cái, trẻ không được giao tiếp bên ngoài mà chỉ ở nhà xem ti vi... Môi trường sống như vậy không tốt cho sự phát triển toàn diện của trẻ.

Khoảng 2/3 người tự kỷ bị tàn phế nặng nề về tâm thần và sống phụ thuộc vào gia đình, bệnh viện. Việc điều trị tự kỷ khó khăn, lâu dài, cần có sự phối hợp của các bác sĩ, chuyên gia ở nhiều lĩnh vực. Các bác sĩ, chuyên gia sẽ thực hiện liệu pháp giáo dục và các phương pháp thúc đẩy sự phát triển của bệnh nhân trong 3 lĩnh vực: ngôn ngữ, nhận thức, hoạt động xã hội. Đồng thời, kết hợp với dùng thuốc hướng thần, thuốc chống trầm cảm, thuốc giải lo âu, thuốc ổn định khí sắc... Trong quá trình điều trị tự kỷ, rất cần sự phối hợp của gia đình, người thân bệnh nhân. Tình cảm yêu thương, sự quan tâm, chăm sóc... cũng là một trong những liều thuốc hiệu quả.

S. KIM (Ghi)

Chia sẻ bài viết