26/05/2015 - 20:09

Bệnh nhân suy tim cần tầm soát dấu hiệu trầm cảm

 Bệnh nhân trầm cảm dễ mắc Parkinson

Theo khuyến cáo của Hội Tim Châu Âu, người bị suy tim cần tầm soát các dấu hiệu của bệnh trầm cảm để được tư vấn điều trị kịp thời, bởi bệnh trầm cảm có thể khiến bệnh nhân suy tim tử vong trong vòng 1 năm.

 

Trong nghiên cứu mới công bố, Giáo sư John Cleland cùng các cộng sự tại trường Cao đẳng Hoàng đế Luân Đôn và Đại học Hull (Anh) đã yêu cầu 96 bệnh nhân từng nhập viện vì suy tim trả lời các câu hỏi nhằm đánh giá xem họ có bị trầm cảm hay không. Các chuyên gia nhận thấy những người có dấu hiệu trầm cảm ở mức vừa phải hoặc nghiêm trọng đều tử vong trong khoảng 300 ngày sau đó. Dù bệnh trầm cảm và nguy cơ tử vong từng được chỉ ra trước đây, nhưng các nhà khoa học cho rằng mối liên hệ này chỉ hiện diện ở những người mắc phải tình trạng trầm cảm nghiêm trọng hơn.

Do đó, dù có nhiều yếu tố ảnh hưởng tới tuổi thọ của bệnh nhân suy tim, nhưng nhóm nghiên cứu tin rằng việc kiểm soát triệu chứng trầm cảm là rất quan trọng. Đơn cử, nhiều bệnh nhân suy tim có triệu chứng trầm cảm thường không tìm thấy động lực để uống thuốc điều trị hoặc tìm kiếm các hình thức hỗ trợ y tế khác. Trong khi đó, nhiều tổ chức từ thiện khuyến cáo bệnh nhân suy tim nên tìm đến các bác sĩ chuyên khoa để điều trị càng sớm càng tốt. “Một người phải trải qua tình trạng bệnh kéo dài, như bệnh tim, cần phải được điều trị các triệu chứng, cả về thể chất lẫn tâm lý” - Julie Ward, chuyên gia tại Quỹ Tim mạch Anh, nhấn mạnh.

+ Cũng liên quan đến vấn đề trầm cảm, các nhà khoa học ở Đại học Umea (Thụy Điển) mới đây phát hiện bệnh nhân trầm cảm dễ mắc phải hội chứng liệt rung ở người lớn tuổi (Parkinson). Điều này giúp củng cố giả thuyết trước đó cho rằng có mối liên hệ giữa bệnh trầm cảm và hội chứng Parkinson.

Cụ thể, sau khi theo dõi xuyên suốt tình trạng sức khỏe của tất cả các công dân đạt trên 50 tuổi vào năm 2005, nhóm chuyên gia ghi nhận có hơn 140.000 người được chẩn đoán mắc bệnh trầm cảm trong giai đoạn 1987-2012. Cùng thời gian đó, họ sàng lọc xem có bao nhiêu người bị Parkinson và ghi nhận có 1.485 người mắc phải bệnh này. Qua đối chiếu, nhóm nghiên cứu phát hiện khoảng 1% bệnh nhân trầm cảm đã phát triển hội chứng Parkinson, trong khi chỉ có 0,4 % dân số khỏe mạnh phát triển hội chứng này khi lớn tuổi. Trưởng nhóm nghiên cứu, Giáo sư Peter Nordstrom kết luận: “Chúng tôi đã ghi nhận được mối liên quan giữa trầm cảm và Parkinson trong khoảng thời gian hơn hai thập kỷ. Do vậy, trầm cảm rất có thể là triệu chứng sớm của Parkinson hoặc là một yếu tố nguy cơ của bệnh này”.

Trong một nghiên cứu gần đây, các nhà khoa học Mỹ cũng phát hiện có 14% bệnh nhân Parkinson mắc thêm bệnh trầm cảm, trong khi ở nhóm đối chứng không bị Parkinson, tỷ lệ này chỉ có 6,6%.

AN NHIÊN (Theo BBC, NBC News)

Chia sẻ bài viết