06/05/2009 - 19:53

Bệnh nhân ghép mặt đầu tiên ở Mỹ lộ diện

Cách đây 5 năm, việc lấy mặt của người chết ghép cho người sống được cho là chuyện viển vông, chỉ có trên phim ảnh. Nhưng kể từ tháng 11-2005 đến nay, các bác sĩ trên thế giới đã tiến hành 7 ca ghép mặt và đa phần đều thành công.

Bệnh nhân Connie trước khi gặp nạn, sau khi gặp nạn
và sau khi được ghép mặt. Ảnh: ABC 

Hôm 5-5, Connie Culp – bệnh nhân ghép mặt đầu tiên ở Mỹ – đã xuất đầu lộ diện trong cuộc họp báo tại Bệnh viện Cleveland thuộc bang Ohio, nơi cách đây 5 tháng cô được các bác sĩ phẫu thuật thay mặt. Theo bác sĩ Maria Siemionow, trưởng kíp mổ cho Connie, công dân Ohio 46 tuổi này bị súng bắn vỡ mặt trong một vụ án kinh hoàng năm 2004 khiến “mặt tiền” của cô bị biến dạng hoàn toàn. Nạn nhân không thể tự mình ăn uống, ngửi, nếm, và chỉ có thể thở được sau ca phẫu thuật mở khí quản.

Ca phẫu thuật ghép mặt cho Connie kéo dài 23 giờ hồi tháng 12 năm ngoái đã thu hút sự chú ý của báo giới ngay sau khi hoàn tất. Đó là ca ghép mặt đầu tiên tại Mỹ và thứ 4 trên thế giới. Cũng như các bệnh nhân ghép mặt trước đây, danh tính của Connie không được công bố vào thời điểm trước và sau ca mổ.

Hiện tại, các bác sĩ Bệnh viện Cleveland đang theo dõi khả năng phục hồi chức năng trên gương mặt của Connie khi mà dây thần kinh ở phần mặt được ghép không ngừng tái tạo. Theo bác sĩ Maria, trong vòng 6-12 tháng tới, gương mặt của bệnh nhân sẽ sinh động trở lại. Từ khi mổ tới nay, ngày nào Connie cũng dùng thuốc ức chế miễn dịch để giảm nguy cơ cơ thể “tẩy chay” gương mặt mới. Trong khi đó, bác sĩ tâm lý Kathy Coffman cho biết Connie rất kiên cường – trước khi được ghép mặt cô đã lên bàn mổ cả thảy 27 lần nên có đủ khả năng trở thành đại sứ tiếp thêm sức mạnh cho những bệnh nhân sắp ghép mặt.

Tháng 11-2005, cái tên Isabelle Dinoire đã đi vào lịch sử y học thế giới khi trở thành bệnh nhân đầu tiên trên thế giới được ghép một phần mặt. Hiện nay, người phụ nữ Pháp này đã trở lại cuộc sống bình thường như bao người. Sau Pháp, tháng 4-2006 Trung Quốc là nước thứ hai trên thế giới thực hiện phẫu thuật ghép má, môi trên và mũi cho Li Guoxing – bị gấu tấn công trong lúc chăn cừu. (Có tin nói rằng tháng 12-2008, người đàn ông quê ở tỉnh Vân Nam này đã qua đời, nguyên nhân theo giới chuyên môn một phần do thiếu dùng thuốc chống thải ghép). Năm 2007, các bác sĩ Pháp thực hiện ca ghép nguyên mặt cho một bệnh nhân nam bị khối u khổng lồ trên mặt khiến anh ta không thể nói và ăn uống một cách tự nhiên.

Gần đây, hôm 9-4 vừa qua, các bác sĩ Bệnh viện Brigham & Women’s ở Boston (Mỹ) lấy mũi, vòm miệng, môi trên, da mặt, cơ và dây thần kinh mặt của người chết và ghép cho một người đàn ông bị chấn thương mặt nặng nề. Đây là ca ghép mặt thứ 2 ở Mỹ và thứ 7 trên thế giới. Trước đó 5 ngày, một nhóm chuyên gia phẫu thuật của Bệnh viện Henri Mondor ở Paris (Pháp) đã thực hiện ca ghép đồng thời mặt và 2 tay đầu tiên trên thế giới cho một bệnh nhân 30 tuổi bị bỏng nặng.

Theo bác sĩ Frank Papay, từng hỗ trợ ca ghép mặt đầu tiên ở Mỹ, kỹ thuật ghép mặt đang ngày càng tiến bộ và cùng với sự chấp nhận của xã hội, số người được thay mới mặt sẽ không ngừng tăng lên, đặc biệt là những quân nhân bị bom đạn chiến tranh hủy hoại dung nhan. Thực tế, có một số ca phẫu thuật ghép mặt đã thành công ngoài mong đợi của giới chuyên môn. Một vài bệnh nhân trước khi lên bàn mổ không thể ăn uống và nói năng bình thường, thậm chí không dám ra đường, nhưng sau một thời gian xuất viện đã tự tin xuất hiện trước đám đông mà không bị ai nhận ra là mang gương mặt mới.

THIÊN LAM (Theo ABC, China Daily, Answers.com)

Chia sẻ bài viết