02/05/2008 - 22:40

Bất nhân

Kẻ giết cha Trần Văn Giá đang phải đứng trước vành móng ngựa. Ảnh: S. HÀ

Từ rất sớm, bà Hồ Thị Nương, mẹ kế của Trần Văn Giá đã có mặt tại trụ sở UBND xã Mỹ Khánh, huyện Phong Điền, nơi TAND TP Cần Thơ xét xử lưu động vụ án mà Trần Văn Giá là bị cáo. Trái tim bà quặn thắt khi chính bà lại là đại diện người bị hại- chồng bà, cha ruột của bị cáo.

Khoảng 7 giờ 30 phút, ngày 19-4-2008, chiếc xe chở tội phạm đỗ xịch gần nơi xét xử. Dòng người đổ về UBND xã ngày càng đông. Họ muốn tận mắt nhìn mặt đứa con bất hiếu, đành đoạn giết cha ruột của mình và muốn nghe HĐXX tuyên một bản án thích đáng.

Phiên tòa vừa bắt đầu, mọi người đã ồ lên, căm phẫn khi nghe Giá trả lời HĐXX về tiền án đã từng bị tuyên phạt 18 năm tù vì tội giết vợ, còn 2 con của Giá thì bây giờ không biết lưu lạc phương nào.

15 năm ở trong tù, tưởng đâu Giá đã ăn năn. Nhưng khi vừa được giảm án trở về, Giá lại chứng nào tật nấy, ngày ngày rượu chè bê tha, không lo làm ăn. Hễ có rượu vào, Giá lại kiếm chuyện gây gổ với những người xung quanh, rồi về nhà hành hạ cha mình. Anh Bùi, nhân chứng trong vụ án, cho biết: “Tôi đã nhiều lần chứng kiến Giá đánh ông Vẽ và bà Nương. Có mấy lần địa phương mời Giá lên giáo dục, nhưng sau đó Giá lại chứng nào tật nấy. Tôi ở gần nhà bị cáo, thường xuyên chứng kiến, can ngăn Giá đánh cha, mẹ, nên cũng bị Giá ghét lây. Có lần Giá rượt đánh cả tôi”.

Ngày xảy ra vụ án (1-11-2007), Trần Văn Giá đã có rượu trong người và cũng đã rượt đánh người vừa nhậu với mình với lý do đơn giản là người này không chịu nhậu tiếp với Giá. Về nhà, Giá gặp cha là ông Trần Văn Vẽ và mẹ là bà Hồ Thị Nương đang ngồi trong nhà. Giá gây sự, đòi ông Vẽ ký giấy cho đất, nhưng ông Vẽ không đồng ý. Giá đóng cửa lại, không nương tay đánh ông Vẽ tới tấp. Bà Nương năn nỉ Giá buông tha cho cha, cũng bị hắn dùng cây đánh vào người. Sau đó, Giá lôi cha, mẹ mình vào buồng, miệng nói: “Hôm nay, nếu không cho đất thì tao giết chết”. Mặc cho ông Vẽ, bà Nương van xin, Giá lấy đèn dầu trên bàn thờ đổ dầu vào người ông, bà, nhưng đèn tắt. Giá lấy quần áo nhét vào miệng, rồi trói tay hai người này lại. Giá dùng tay bóp cổ ông Vẽ cho đến ngất xỉu, sau đó, hắn tiếp tục dùng dây kẽm tì lên cổ ông Vẽ. Lúc này, bà Nương đã tự cởi được dây trói, bỏ chạy ra ngoài cầu cứu. Nghe tiếng bà Nương tri hô, Giá bỏ trốn. Khi lực lượng công an và những người dân xung quanh đến hiện trường, phát hiện ông Vẽ đã chết.

Vị hội thẩm hỏi: “Tại sao ông Vẽ đã hứa cho đất bị cáo lại còn bắt ký giấy?”. Giá cứ lặp đi lặp lại: “Tại ổng hứa cho bị cáo đất mà không có giấy tờ, rồi bị cáo đi tù, ở nhà ổng bán ăn hết”. “Bây giờ bị cáo giết chết cha rồi, bị cáo có được đất không?”. Giá chỉ biết im lặng, cúi đầu trước vành móng ngựa. Khi HĐXX hỏi đến, bà Nương nói: “Hễ khi nào nó uống rượu về là đánh cha phải đi chích thuốc không biết bao nhiêu lần rồi”.

“Bị cáo đã một lần giết vợ, người “đầu ấp tay gối” với mình, làm gia đình tan nát, 2 đứa con bây giờ lưu lạc phương nào không ai biết. Vậy mà sau 15 năm ở tù trở về, bị cáo ở cạnh người cha thân yêu mà không biết trân trọng, lại có hành động không thể tha thứ”. Lời luận tội của Đại diện Viện Kiểm sát làm mọi người tham dự phiên tòa lặng đi. Sự phẫn nộ của những người tham dự phiên tòa như được giải tỏa khi Đại diện Viện Kiểm sát nhân dân TP Cần Thơ đề nghị mức án tử hình cho bị cáo. Mọi người vỗ tay đồng tình.

HĐXX vào nghị án. Tôi đến bên bà Nương hỏi về tình cảm mẹ, con. Dù không muốn nhắc tới đứa con bất hiếu đó nữa, nhưng rồi bà Nương cũng thổ lộ: “Tôi về chung sống với ổng từ năm 29 tuổi, lúc đó nó khoảng 5-6 tuổi”. Bà tỏ ra bực tức: “Ổng còn khỏe mạnh mà, còn ăn uống, đi đứng được mà, tại sao nó lại giết ổng...”. Bà đưa cánh tay nhăn nheo lên lau vội đôi mắt ngân ngấn nước, nghẹn lời nó: “Cha nó cũng cho đất để cất nhà, trồng cây, nhưng nó không chịu làm ăn mà bỏ đi. Bây giờ nó về đòi đất, rồi còn giết ổng nữa...”.

Mức án tử hình dành cho đứa con bất hiếu được những người tham dự đồng tình ủng hộ. Phiên tòa kết thúc, bà Nương vẫn không nhìn mặt đứa con. Bà lặng lẽ đến bên người hàng xóm mượn tạm ít tiền để về xe. Dáng còm cõi của bà khuất dần sau cánh cổng UBND xã Mỹ Khánh. Nhiều người còn lại sau phiên tòa chỉ biết nhìn bà, lắc đầu ái ngại.

TRƯỜNG SƠN

Chia sẻ bài viết