22/03/2014 - 09:15

Báo động bệnh tay chân miệng

Theo bác sĩ Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng TP Cần Thơ (BVNĐCT), từ Tết Nguyên đán đến nay, số bệnh nhi tay chân miệng (TCM) nhập viện rất đông, chiếm 50% bệnh nhi đang điều trị tại khoa.

* Tăng cao mùa nắng nóng

Chỉ vì gia đình chủ quan, bệnh nhi Thắng nhập viện trong tình trạng nặng, phải thở máy (Ảnh: Bệnh nhi Thắng đang điều trị tại Khoa Hồi sức tích cực và Chống độc). 

Theo thống kê của BVNĐCT, từ đầu 2014 đến ngày 18-3-2014, BV đã tiếp nhận điều trị nội trú 399 bệnh nhi (cùng kỳ năm 2013 là 529 bệnh nhi), ngoại trú 5.432 bệnh nhi (cùng kỳ 6.550 bệnh nhi). Đây là các bệnh nhi ở các tỉnh, thành khu vực ĐBSCL đến điều trị tại bệnh viện. Riêng TP Cần Thơ, bệnh viện điều trị nội trú cho 188 bệnh nhi bị TCM (cùng kỳ năm 2013 là 231 bệnh nhi). Tuy số bệnh nhi giảm so với cùng kỳ nhưng hiện nay, lượng bệnh nhi bị TCM chiếm phân nửa tổng số bệnh ở Khoa Truyền nhiễm. Đặc biệt, những tháng gần đây, thời tiết nắng nóng, bệnh nhi bị TCM càng nhiều. Trong đó, bệnh nhi bị TCM do EV.71 (chủng vi-rút gây bệnh TCM nặng) chiếm từ 20% - 30%. Bà của bệnh nhi Cao Khả Minh, 13 tháng tuổi, ở phường Tân Lộc, quận Thốt Nốt, đang điều trị TCM tại khoa, cho biết: “Ở nhà cháu bị sốt, môi có những vết loét nhỏ như bóng nước, gia đình không đưa cháu đi bác sĩ tư mà đến thẳng BVNĐCT. Vô bệnh viện này mới thấy trẻ con bị TCM nhiều quá”.

* Vết loét càng ít, bệnh càng nặng

Tại khoa Hồi sức tích cực và Chống độc, BVNĐCT, sáng 18-3, có 2 bệnh nhi bị TCM nặng đang nằm điều trị. Trong đó, có một bệnh nhi đang phải thở máy. Mẹ bệnh nhi Trần Quốc Nam, 17 tháng tuổi, ở huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang kể: “Cháu ở nhà bị sốt, ăn uống không được. Đến phòng khám tư nhân, bác sĩ nói bị viêm họng, cho thuốc uống nhưng cháu không bớt. Thấy cháu bị nổi bóng nước ở tay, chân, ngủ hay giật mình, tôi nghi ngờ cháu bị TCM nên đưa cháu đến BVNĐCT. Cách đây 5 tháng, cháu đã bị TCM nên tôi có kinh nghiệm với bệnh này nhưng không ngờ lần này, cháu bệnh nặng như vậy. Lần trước, cháu điều trị 3 ngày ở Khoa Truyền nhiễm là xuất viện”. Còn bệnh nhi Lê Quốc Thắng, ở xã Phú Tân, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang, mới hơn 6 tháng tuổi, đã nhập viện 3 ngày, cứ nằm thiêm thiếp. Nhìn con đang thở máy, cha của Quốc Thắng rầu rĩ cho biết: “Cháu Thắng bị nóng, miệng chảy nước dãi, gia đình mua thuốc hạ sốt cho cháu uống nhưng bệnh không giảm nên đưa cháu đến BVNĐCT cấp cứu, rồi bác sĩ chuyển cháu vào khoa này. Lúc ở nhà, không thấy cháu bị nổi hồng ban, bóng nước hay vết loét ở tay, chân nên tôi chủ quan không nghĩ đến bệnh này, cho là cháu bị sốt thông thường. Khi cháu nhập viện, bác sĩ nói cháu bị TCM. Phải chi, tôi phát hiện và kịp thời đưa cháu đến bệnh viện thì đâu đến nỗi này”.

Theo bác sĩ chuyên khoa II Hà Anh Tuấn, Trưởng khoa Hồi sức tích cực và Chống độc, Mỗi ngày, khoa tiếp nhận điều trị 2-3 bệnh nhi bị TCM nặng. TCM là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, chuyển độ nhanh. Bệnh có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm như: biến chứng thần kinh, viêm não - màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp, dễ dẫn đến tử vong nếu không phát hiện sớm và xử trí kịp thời. Đối với bệnh này, việc điều trị sớm, kịp thời rất quan trọng. Điều quan trọng nhất là gia đình phải để ý khi các cháu bị sốt, ho, hắt hơi, cần kiểm tra lòng bàn tay, bàn chân, mông, trong miệng có nổi vết loét nhỏ, hồng ban hay bóng nước. Kinh nghiệm lâm sàng cho thấy, vết loét nổi càng ít thì nguy cơ bệnh càng nặng, có trường hợp nổi rất nhiều nhưng bệnh lại nhẹ. Có cháu không nổi ở tay, chân, mông mà vết loét nổi trong miệng, nổi ít nên gia đình chủ quan. Vì thế, cha mẹ cần xem kỹ vòm họng, lưỡi (trước và sau lưỡi), dưới môi… xem có vết loét không. Nếu có thì nhanh chóng đưa cháu đến cơ sở y tế chuyên khoa nhi để khám, điều trị. Nếu cháu chỉ sốt, ho, sổ mũi… có thể điều trị tại nhà. Khi có bất cứ triệu chứng như: sốt cao, uống thuốc không hạ sốt, giật mình, chới với, thở nhanh, chân tay run, đi đứng loạng choạng, quấy khóc li bì, lừ đừ, nôn ói.… cần kịp thời đưa trẻ đến các cơ sở y tế để được theo dõi và điều trị kịp thời.

Theo các bác sĩ, hiện nay, bệnh TCM chưa có vắc-xin phòng bệnh; bệnh truyền nhiễm lây từ người sang người, dễ gây thành dịch do vi-rút đường ruột gây ra. Bệnh TCM lây chủ yếu theo đường tiêu hóa. Nguồn lây chính từ nước bọt, vết loét (hồng ban, bóng nước) và phân trẻ nhiễm bệnh nên biện pháp phòng bệnh duy nhất là vệ sinh cá nhân, rửa tay sạch sẽ (đặc biệt, sau khi thay quần áo, tã; tiếp xúc với phân, nước bọt); thường xuyên vệ sinh đồ chơi, sàn nhà bằng chất sát khuẩn…

Bài, ảnh: H.Hoa

Chia sẻ bài viết